Bất an khi trẻ đến hồ bơi

23/01/2015 - 07:15

PNO - PN - Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra những cái chết thương tâm tại các hồ bơi, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo ngại về việc giám sát của lực lượng cứu hộ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngoan trước, nghịch sau

Khoảng 14g ngày 21/1, chúng tôi có mặt tại hồ bơi Thanh Tâm Vip, 1/2C Đặng Thúc Vịnh, ấp Tâm Đông, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn. Hồ bơi này nằm sâu bên trong một con hẻm, rộng khoảng 600m2, được phân chia thành nhiều hồ với độ sâu khác nhau phù hợp cho nhiều lứa tuổi. Khi chúng tôi đi vào trong, có gần chục em nhỏ (khoảng dưới 10 tuổi) đang đùa nghịch. Các em nhỏ liên tục thay đổi chỗ tắm, độ sâu của nước mà không thấy chủ hồ hay nhân viên quản lý, hướng dẫn nào theo dõi.

Hồ bơi Bốn Mùa nằm cách đó khoảng 300m, do thu phí thấp nên rất đông người dân đến vui chơi và cũng trong tình trạng tương tự. Bảng nội quy được chủ hồ bơi để bên trong một góc nhà, gần như không ai đọc. Do vậy, khách đến hồ bơi không hề được hướng dẫn các quy định về an toàn khi dẫn theo trẻ nhỏ. Từ thời điểm chúng tôi đến cho đến lúc ra về, không hề có bóng dáng nhân viên giám sát các hoạt động bơi lội của các em nhỏ.

Chiều cùng ngày, chúng tôi trở lại khu liên hợp thể thao Trường THPT Võ Trường Toản (nằm trên đường TH49, P. Hiệp Thành, Q.12), nơi cách đây ba ngày xảy ra vụ một học sinh (HS) lớp 5 tử vong vì đuối nước. Rất nhiều lượt phụ huynh vẫn dắt con nhỏ đến nhưng sau đó ra về vì bên ngoài có dán bảng thông báo “Hồ bơi tạm nghỉ. Lý do: sửa chữa. Từ ngày 27/1/2015 hồ bơi hoạt động lại bình thường”. Theo lời anh Trần Văn K., cha của HS xấu số, nhiều nhân chứng đã xác nhận với gia đình, trong hồ bơi có rất nhiều nhân viên cứu hộ. Vậy mà khi con trai anh từ hồ bơi dành cho thanh thiếu niên nhảy qua hồ bơi dành cho người lớn, không nhân viên cứu hộ nào ngăn chặn.

Chị Phạm Thị Thanh (29 tuổi, ngụ P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) cho biết, chị thường xuyên đưa con nhỏ sáu tuổi đến hồ bơi trường THPT Võ Trường Toản. Thực tế, việc nhắc nhở các cháu bé về an toàn khi vui chơi không thể “giao khoán” cho các nhân viên giám sát. “Con trai tôi khi mới đến học bơi thì rất ngoan, không dám bước qua khu vực hồ bơi dành cho người lớn vì… sợ mẹ. Nhưng có lần, tôi sơ ý quay đi vài phút, khi nhìn lại đã thấy cháu khua chân tay loạn xạ ở hồ bơi người lớn”, chị Thanh kể.

Bat an khi tre den ho boi

Chiếc ghế cứu hộ không có ai ngồi để quan sát khi các em tập bơi

“Ghế nóng” không người

Nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết thương tâm của trẻ em tại các hồ bơi công cộng chính là sự thờ ơ của người lớn. Ghi nhận của chúng tôi tại hàng loạt hồ bơi trên địa bàn thành phố, hầu hết các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, người cứu hộ tại hồ đều không quan sát chu đáo.

Chiều ngày 22/1, chúng tôi có mặt tại hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3), nơi đây thường xuyên có cả trăm HS học bơi từ sáng sớm đến tận khuya. Tuy vậy, trên chiếc ghế của người cứu hộ chỉ thỉnh thoảng mới có người ngồi quan sát. Hầu hết chiếc ghế “nóng” đều được bỏ trống, mặc các em tự do bơi lội. Trong khoảng thời gian từ 14-15g, dù có gần 30 trẻ em đang học bơi tại hồ nhưng người cứu hộ chỉ ra ngồi trên chiếc ghế cứu hộ được tầm khoảng 10 phút rồi đi ra phía ngoài khu vực hồ bơi lo việc riêng. Nhiều bậc phụ huynh đưa con em đi học bơi cũng chỉ quan sát các em một lúc rồi đi ra các quán cà phê phía trong để nghỉ ngơi và chờ đợi.

Anh Trần Hân, ngụ Q.Tân Phú cho biết: “Do công việc bận rộn nên tôi cũng chỉ đưa con đến hồ bơi rồi quay về tiếp tục làm việc. Sau hai tiếng tôi sẽ quay lại hồ bơi để đón con. Thời gian đầu cháu học bơi, tôi cũng phải quan sát thường xuyên, nhưng từ khi cháu biết bơi, tôi để cháu tự bơi. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác cũng chỉ có thể đưa và đón con đi bơi chứ không thể ngồi quan sát con mình trong suốt quá trình bơi ở hồ được”.

Tại hồ bơi Tây Thạnh, Q.Tân Phú, tình trạng người cứu hộ bỏ mặc người bơi cũng xảy ra. Hàng chục em HS vừa bơi lội vừa chơi trò đuổi bắt tại khu vực hồ bơi sâu 2m nhưng không hề có bóng dáng của người cứu hộ. Với diện tích hồ bơi khoảng 100m2, nếu các em bất chợt đuối sức thì sẽ hết sức nguy hiểm tính mạng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng đuối nước xảy ra tại hồ bơi là việc thiết kế đường bơi chung giữa trẻ em và người lớn. Hầu hết các hồ đều có khu vực bơi dành cho trẻ em nhưng khu vực này chỉ dành cho các em còn quá nhỏ từ ba-bảy tuổi. Các em từ bảy tuổi trở lên thường tập bơi và bơi ở khu vực dành cho người lớn với chiều sâu từ 0,8 - 2m. Khoảng cách giữa các độ sâu của hồ cũng chỉ được ngăn bởi một chiếc phao nổi kéo dài từ đầu hồ đến cuối hồ nên nhiều em HS đã tự ý bơi qua các hồ sâu để chơi đùa, thậm chí thi bơi, thi lặn với các bạn cùng trang lứa.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em ngạt nước tại hồ bơi. Đó là chưa thống kê những trường hợp khi được phát hiện và vớt lên thì đã ngưng thở, tử vong trên đường đi cấp cứu. Khi cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước, cần để nạn nhân nằm ở chỗ khô ráo rồi tiến hành hà hơi thổi ngạt, ấn tim nhằm hồi sức tim, phổi để không khí và máu lên não. Tuy nhiên, không hẳn ở hồ bơi nào các nhân viên giám sát, cứu hộ cũng biết sơ cứu đúng, được đào tạo bài bản chuyên môn nghiệp vụ… Thậm chí có nơi, nhân viên cứu hộ kiêm cả giữ xe, bán vé ra vào cổng hoặc dạy bơi ngay trong giờ trực giám sát hồ.

 VINH QUỐC

Theo quy định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, mỗi bể bơi phải có bảng nội quy đặt ở vị trí dễ đọc, dễ xem. Trong khu vực bể bơi phải có đầy đủ các bảng báo hiệu đặt ở các hướng khác nhau, ở vị trí thuận lợi nhất cho việc quan sát và chỉ dẫn người sử dụng bể bơi.

Theo đó, ít nhất phải có ba hệ thống bảng báo hiệu khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 1m trở xuống), bảng thông báo cấm các hành vi như nhảy chúi cắm đầu ở khu vực bể bơi có độ sâu ít hơn 1,40m và các biển báo độ sâu nguy hiểm, khu vực dành cho những người biết bơi, có độ sâu từ 1,50m, khu vực hạn chế đi lại, khu vực ưu tiên dành cho người khuyết tật, người già yếu...

Bên cạnh đó Thông tư 02 của Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu đối với nhân viên cứu hộ hồ bơi phải luôn ở tư thế sẵn sàng cứu hộ, có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở người bơi thực hiện tốt nội quy của bể bơi về đảm bảo an toàn, chọn vị trí ngồi không bị ngược sáng để quan sát, giám sát chặt chẽ khu vực được phân công.

Trong số các hồ bơi có nhiều trẻ nhỏ tập trung, nhân viên cứu hộ tại hồ bơi nằm trong nhà khách Bệnh viện 175 (Q.Gò Vấp) hiện làm việc rất chuyên nghiệp. Các em nhỏ được các huấn luyện viên (HLV) trang bị đầy đủ các bảo hộ, dụng cụ bơi như phao lưng, bụng, mắt kính.

Bên cạnh đó, các HS đã biết bơi thì được tập luyện theo bài học, chỉ đạo của HLV. Những HS chưa biết bơi thì được HLV bơi cùng để dạy. Ngoài ra, tại hồ bơi này, có thêm hai nhân viên phụ giúp HLV quản lý, nhắc nhở các em. Trong đó, có một nhân viên sẽ ngồi trên cao để bao quát được khu vực hồ bơi, nhân viên còn lại sẽ đi vòng quanh hồ để theo sát, nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm cho các em.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI