Giúp con thành người tốt

19/04/2015 - 06:09

PNO - PN - Nhà tâm lý giáo dục Richard Weissbourd của trường Đại học Harvard (Mỹ) và các cộng sự đã thành lập dự án có tên Making Caring Common (tạm dịch Nhân rộng yêu thương). Dự án nhằm đưa ra các cách nuôi dạy con trở thành người biết quan tâm, tôn trọng và có trách nhiệm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhóm nghiên cứu viết: “Trẻ em sinh ra không tốt hoặc xấu hoàn toàn. Các em cần được người lớn hướng dẫn, chỉ dạy để trở thành người biết quan tâm, tôn trọng và có trách nhiệm với người khác. Giai đoạn thơ ấu là quan trọng nhất”.

Giup con thanh nguoi tot

Dưới đây là 5 quy tắc của Making Caring Common:

1. Dạy con biết quan tâm

Cha mẹ có xu hướng cho con tập trung vào hạnh phúc và thành tích của mình hơn là quan tâm tới người khác. Nhưng trẻ em cần phải học cách cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của bạn, đơn giản là chuyền bóng cho đồng đội hoặc đứng lên bảo vệ khi bạn bị bắt nạt.

Cha mẹ cần dạy trẻ cách chăm sóc người khác là ưu tiên hàng đầu như một lời cam kết về đạo đức. Ví dụ, trước khi trẻ em bỏ một đội thể thao, ban nhạc, hay một tình bạn, bố mẹ nên khuyên trẻ suy nghĩ về vai trò và nhiệm vụ chúng như thế nào và khuyến khích con giải quyết mọi vấn đề liên quan trước khi rút khỏi nhóm.

Nên thử: Hãy đưa ra tình huống rắc rối giữa trẻ với một người bạn và thay vì nói: “Cứ làm điều con cho là đúng”, cha mẹ cần nhắc trẻ: “Con nên nghĩ hộ bạn xem phải làm thế nào”. Cần hướng cho trẻ biết giúp đỡ người khác dựa trên sự tôn trọng, ngay cả khi con đang mệt mỏi, mất tập trung, hay giận dữ.

2. Giúp trẻ thể hiện lòng biết ơn

Không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt, nhưng nếu không có sự hướng dẫn, trẻ sẽ không tự nhiên trở thành đứa con ngoan như bạn mong muốn. Trước tiên, trẻ cần phải thực hành cách chăm sóc và bày tỏ lòng biết ơn với chính người chăm sóc mình, sau đó là người khác. Nghiên cứu cho thấy, những người có thói quen bày tỏ lòng biết ơn thường là người có ích, hào phóng, từ bi, biết tha thứ. Và họ cũng có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.

Học cách quan tâm cũng giống như học chơi một môn thể thao hay một nhạc cụ, nếu lặp đi lặp lại hàng ngày, sẽ hình thành nên thói quen. Đó có thể là việc trẻ giúp bạn học hiểu một bài tập khó, giúp đỡ người xung quanh nhà, hay đơn giản nhất là chăm sóc bản thân, phát triển kỹ năng và trau dồi kiến thức.

Nên thử: Không thưởng cho con vì những hành động như dọn bàn ăn hay dọn dẹp nhà cửa, bởi trẻ cần có trách nhiệm giúp đỡ, san sẻ công việc với cha mẹ, anh chị em. Từ đó, trẻ hình thành nên thói quen giúp đỡ người xung quanh. Cha mẹ nên nhân tiện những câu chuyện trên truyền thông để nói chuyện, bình luận với con về sự quan tâm và thờ ơ, công lý và bất công. Lòng biết ơn không phân biệt hoàn cảnh, có thể là ngay tại bữa ăn tối, trước khi đi ngủ, trong xe, hoặc trên tàu. Hãy dạy trẻ cảm ơn những người đã giúp đỡ trẻ, dù lớn hay nhỏ.

3. Nhắc trẻ nên quan tâm “người lạ”

Hầu hết mối quan hệ của trẻ là gia đình và bạn bè thân quen. Thách thức của chúng ta là giúp con mở rộng tấm lòng với những người bên ngoài vòng tròn đó, như bác bảo vệ, thậm chí là người nước ngoài.

Trẻ cần được chỉ dạy về cách mở rộng tầm nhìn, mối quan tâm bằng việc tham dự vào các sự kiện có “người lạ”. Nhờ đó, trẻ có thể tương tác, lắng nghe và hiểu nên cư xử như thế nào để không làm tổn thương người khác dù không phải người thân. Chẳng hạn như việc trẻ rút khỏi một nhóm nào đó, liệu việc làm đó có ảnh hưởng đến các thành viên khác hay lớn hơn là cộng đồng hay không.

Nên thử: Dạy con thân thiện và biết ơn với tất cả những ai giúp đỡ mình trong cuộc sống hàng ngày như người lái xe buýt hoặc người phục vụ bàn. Khuyến khích trẻ chăm sóc những người dễ bị tổn thương, có thể là một người bạn hay bị trêu chọc trong lớp. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện khó khăn mà trẻ em nơi khác phải đối mặt sẽ khơi gợi suy nghĩ của trẻ.

4. Trở thành tấm gương của con

Trẻ em học hỏi giá trị đạo đức bằng cách quan sát và bắt chước hành động, cư xử của người lớn. Cha mẹ muốn trở thành tấm gương hoặc người cố vấn cho con thì phải làm tốt trước. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dũng cảm thừa nhận sai lầm và thiếu sót. Quan trọng hơn, hãy tôn trọng suy nghĩ của trẻ và lắng nghe trẻ.

Nên thử: Có thể cho con tham gia vào hoạt động phục vụ cộng đồng. Trước bữa ăn hoặc trước sự việc con yêu thích, bố mẹ đưa ra tình huống khó về đạo đức rồi yêu cầu con giải quyết hoặc hỏi con về các tình huống khó xử mà con đã đối mặt.

5. Giúp con làm chủ cảm xúc tiêu cực

Thông thường, việc quan tâm người khác dễ gặp phải các vấn đề như sự tức giận, xấu hổ, ghen tị, hay một số cảm xúc tiêu cực khác. Bố mẹ cần cho trẻ biết những cảm xúc đó là bình thường, tuy nhiên, cũng có lúc cần để ý đến cảm xúc của người khác. Trẻ cần được bố mẹ giúp đỡ để đương đầu với những cảm xúc đó.

Nên thử: Hãy dạy trẻ giữ bình tĩnh như dừng lại, hít một hơi thật sâu qua mũi, thở bằng miệng, rồi đếm từ 1-5. Bạn nên cho con thực hành lại khi con đã bình tĩnh. Tuy nhiên, nếu con vẫn lúng túng, bạn có thể nhắc và làm cùng con. Khi đã quen, bạn nên để con thực hiện một mình. Dần dần, trẻ sẽ có thể điều tiết cảm xúc và tìm ra cách xử lý phù hợp.

 NGÔ DIỆP

(Theo washingtonpost.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI