Em dâu

25/07/2014 - 07:20

PNO - PNO - Nhà có năm anh em mà chỉ có mình chị là con gái. Bởi vậy, chị rất háo hức mỗi lần có đứa em nào dẫn bạn gái về ra mắt gia đình. Chẳng phải để săm soi theo kiểu “bà cô bên chồng” mà thực tình chị muốn xem em dâu tương...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đáp lại thái độ niềm nở, quan tâm của chị chỉ là cái nhìn thờ ơ, xa lạ và rất kiệm lời của em.

Có thể nói, ngay từ lần đầu, chị đã mất cảm tình. Chị nghĩ thầm, sao em làm cao đến vậy, về nhà bạn trai mà được mọi người đón tiếp nhiệt tình đã là một may mắn, sao em dửng dưng như không.

Sau này, khi nghe qua “lý lịch trích ngang” của em, chị nghĩ mình hiểu phần nào nguyên do. Em sinh ra trong một gia đình khá giả, nề nếp, công việc ổn định cùng bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. So với em trai chị, em hoàn toàn “vượt mặt”. Nhưng chị vẫn muốn kiểm chứng lại cảm giác của mình, chị lấy số điện thoại của em để làm quen và hỏi han. Mỗi lần như vậy, em đều trả lời rất nhã nhặn, lịch sự nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chủ động gọi điện hỏi thăm chị. Những lần về nhà chơi, em cũng chỉ chào hỏi chứ không vồn vã quan tâm như hai cô em kia khiến chị tự ái. Cho đến tận ngày cưới và sau này cũng vậy, em chỉ làm đúng những việc cần làm, rất hiếm khi trò chuyện với ai trừ lời chào hỏi. Có lần, chị phàn nàn với chồng em về điều này nhưng em trai chị bảo: “Tính vợ em vậy chứ không có ý gì đâu”, chị vội chụp mũ “cái tội bênh vợ” cho nó.

Em dau

Biết tính em khó gần, chị giả vờ không quan tâm nữa nhưng vẫn ngấm ngầm theo dõi em qua mẹ. Vợ chồng em làm việc dưới thị xã, hai tuần mới về nhà một lần nên mỗi lần em vừa đi là chị tạt ngay qua nhà để hỏi dò mẹ: nó có làm việc nhà không? Có nói gì không? Nấu nướng ra sao…Lần nào, mẹ cũng chỉ trả lời đúng một câu: “Nó cũng được, con hỏi gì mà lắm thế” càng khiến chị bực bội vì mất đồng minh. Chị hùa vào cùng hai cô em dâu kia bắt bẻ em vì tội kiêu ngạo, khinh người. Em dường như không quan tâm đến những gì người khác nói xiên nói xỏ trước mặt mình mà chỉ lặng lẽ làm việc.

Có lẽ, chị sẽ mãi ác cảm với em nếu không có biến cố xảy ra với gia đình mình. Đứa em trai út đang học cấp ba bỗng dưng đổ bệnh, bác sĩ bảo cần một số tiền lớn để sang Singapore phẫu thuật. Cả nhà nháo nhác cả lên, bố mẹ bán đất, mấy anh em bàn nhau góp tiền phụ giúp. Trong khi, hai cô em dâu kia trù trừ tính toán từng đồng thì chính em đề nghị chồng bán luôn mảnh đất hai đứa dự định làm nhà và vay thêm của bố mẹ đẻ để đưa em út đi chữa bệnh. Em xin nghỉ phép hai tháng để đưa em út đi vì cả nhà chưa từng có ai đi nước ngoài. Gia đình thầm cảm ơn em khi em trai trở về khỏe mạnh mà em chẳng may mảy kể công hay tiếc của…

Lúc đó, chị mới biết, tuy không nói nhiều nhưng em rất quan tâm đến bố mẹ chồng. Biết bố bị tiểu đường, em chọn loại bánh sữa phù hợp mang lên cho bố mỗi lần về nhà, thấy đồ đạc nào thiếu em đều âm thầm sắm thêm dù không ở trong nhà. Thỉnh thoảng, em mua vải may quần áo cho mẹ, còn gửi biếu tiền ăn sáng vì biết mẹ sợ tốn kém, ăn uống kham khổ.

Chị tự trách mình đã không hiểu em sớm, vô tình gắn ghép cho em vô số tội lỗi chỉ vì tính ích kỷ tự ái của mình. Chị nhận ra, đánh giá con người không phải dựa vào lời nói hay vẻ bề ngoài mà bằng hành động, khi rơi vào nghịch cảnh, bản chất thực mới bộc lộ rõ.

Gia đình mình thật may mắn khi có người con dâu hiếu hạnh như em…

QUẾ VÂN
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI