Đừng bỏ con, mẹ ơi!

08/04/2015 - 19:49

PNO - PN- “Tâm lý gà mẹ” ở những người làm cha làm mẹ lại có dịp sục sôi khi những hình ảnh về việc bạo hành trẻ bị HIV tại trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) được lan truyền. Da thịt nào bị đánh mà chẳng đau, huống gì những đứa trẻ ấy còn quá non nớt, cả thịt da lẫn tâm hồn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi không biết những người được gọi là “bảo mẫu” ở trung tâm đó đã có gia đình, có con hay chưa nhưng ngay cả với những đứa trẻ không phải máu mủ, ruột rà của mình, tôi cũng không tin một người có lương tâm lại có thể đối xử với những đứa trẻ tàn tệ đến thế, hơn thế nữa, đó là những đứa trẻ bệnh tật vốn đã chịu nhiều bất hạnh, khổ sở hơn những đứa trẻ bình thường rất nhiều.

Tôi chỉ có thể đoán, những đứa trẻ ấy, hoặc vì bệnh tật mà được đưa vào trung tâm này, hoặc bị gia đình bỏ rơi. Nhưng dù lý do cho sự có mặt của các em ở trung tâm này là gì đi nữa thì việc các em bị hành hạ như thế cũng khiến tôi cũng như rất nhiều người khác không khỏi đau lòng xen lẫn phẫn nộ khi xem những hình ảnh về việc các em bị đánh đập dã man.

Dung bo con, me oi!

Không thể quy cho những cô “bảo mẫu” ấy cái tội “văn hoá thấp” để biện minh cho cách hành xử phi nhân tính bởi đâu phải tất cả những ai “ít học” đều lạnh lùng “xuống tay” với đồng loại của mình như thế? Có thể xã hội đang dần trở nên vô cảm, con người ta đang ngày càng dửng dưng trước nỗi đau của người khác nên cứ hết trường hợp đau lòng này lại đến các sự việc thương tâm khác xảy ra để các em nhỏ - những thiên thần vô tội ngày ngày bị xéo oằn dưới bàn tay nhẫn tâm của những người lớn độc ác.

Chúng ta trách những bảo mẫu đó “dã tâm”, chưa được đào tạo bài bản? Hay trách vị giám đốc trung tâm ấy vô trách nhiệm? Trách các cơ quan chức năng, quản lý không kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của trung tâm ư? Thế còn trách nhiệm của mình - những người làm cha làm mẹ ở đâu? Từ suy nghĩ của một người mẹ, tôi tin rằng không ai có thể thương yêu con mình bằng chính mình. Vậy thì, trừ trường hợp bất khả kháng (tai ương, bệnh tật, điều kiện sống quá tồi tệ), trong tất cả khả năng có thể của mình, hãy chuẩn bị cho sự có mặt của con trên đời này một cách tốt nhất, đừng để khi sinh con rồi, gặp hoàn cảnh bí bách, cùng quẫn quá mới quáng quàng vứt con vào một trung tâm nào đó rồi phó mặc mọi sự cho người khác!

Hãy làm tất cả những gì tốt nhất để bảo vệ con chứ đừng giao phó hay trông đợi xã hội hoặc bất kỳ ai khác làm việc ấy thay mình, ngay cả khi đó là những trung tâm “hỗ trợ, nuôi dưỡng” hay bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào nhân danh của lòng nhân đạo. Chỉ có gia đình mới là chiếc tổ an toàn, ấm áp nhất cho con trẻ.

Hãy giữ chặt lấy con bằng đôi tay và trái tim của mình, tôi tin rằng những người từng bỏ rơi con vì bất cứ lý do gì thì suốt đời họ sẽ khó được yên ổn, hạnh phúc và con họ cũng thế. Bởi, đến những người đã rứt ruột sinh ra mà còn bỏ rơi con mình thì còn ai có thể yêu thương được chúng?

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI