Dạy con như người Việt

19/09/2016 - 15:33

PNO - Dạy con là một cuộc chiến, một hành trình, đồng thời cũng là cách chúng ta tự nhìn lại cách sống và dạy chính bản thân mình.

Chúng ta thường hay à ồ để nhìn những cách dạy con của Nhật, của Do Thái, của Hàn... nhưng ít khi nào chúng ta ngạc nhiên bởi cách dạy con của chính người Việt.

Thật ra cách dạy con của người Việt không phải dở, chỉ là vì còn mang nặng tư tưởng ngày trước đã trải qua thời đói nghèo, thời khổ, nên giờ muốn con cháu mình sung sướng hơn, nhưng sướng quá sanh tật thành ra nhiều thứ chưa đúng.

Giờ thời gian qua rồi, tiếp cận với thông tin thế giới, người Việt mình đã phải nhìn lại cách dạy trẻ con, đặc biệt là từ 3 đến 7 tuổi, lứa tuổi hình thành tư duy và cảm quan mạnh nhất.

1. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ sớm

Đừng mừng rỡ, tự hào khoe rằng con mình mới ba tuổi đã biết dùng iPad coi phim hay lên Youtube, thế hệ chúng ta cúi đầu đã đủ, sao còn mừng vì trẻ quen cúi đầu. Mua cho trẻ đồ chơi lắp ghép, xếp hình sáng tạo để trẻ chơi, chọn loại phù hợp với tuổi của trẻ.

2. Tuyệt đối tôn trọng tư duy sáng tạo của trẻ

Trẻ vẽ cái nhà hình tròn, cái cây có màu tím, không được nói trẻ sai, kêu trẻ vẽ lại, thậm chí bỏ luôn những môn vẽ theo hình mẫu cô giáo đưa ở lứa tuổi này. Nếu thấy trẻ vẽ lá cây hình tím, thì hỏi trẻ vì sao con tô lá cây màu tím để nghe trẻ giải thích, nói lên suy nghĩ của mình. Có thời gian hơn, nên dẫn trẻ ra đường, chỉ cho trẻ coi thường thì lá cây ở trong nước màu gì, còn lá màu tím có thể thấy ở đâu. Đừng đánh giá trẻ là sai khi chính bản thân chúng chưa biết thế nào là đúng.

3. Trẻ đói tự khắc ăn, mệt tự khắc ngủ

Cần hiểu là chúng ta đang nuôi con, nuôi em nuôi cháu chứ không nuôi heo bán lấy thịt. Một đứa trẻ có cân nặng vừa tầm chiều cao, lanh lẹ, chạy nhảy chơi đùa ở công viên sẽ tốt hơn một đứa béo ú, béo phì, lười vận động, ngồi một chỗ ăn snack và chơi iPad. Đừng ép trẻ ăn, đừng cố gắng đút trẻ ăn từng muỗng, cứ để đến bữa trẻ đói tự khắc đi ăn. Nuôi con khoẻ thay vì nuôi con mập.

4. Chúng ta ngang hàng nhau khi trao nhận

Khi khen thưởng, tâm tình, trao quà cho trẻ, người lớn không nên đứng từ trên cao đưa xuống hay để trẻ ngước lên, chúng ta nên cúi người, quỳ gối hoặc ngồi xuống ngang hàng trẻ. Điều này tạo được cảm giác gần gũi, cho trẻ cảm nhận được sự quan tâm và an toàn từ người đối diện hơn.

Day con nhu nguoi Viet

5. Trẻ đi học cần phải được những gì?

Nếu phải gởi trẻ đến mẫu giáo, khi đón về, nên hỏi trẻ hôm nay con học có vui không và đã hỏi cô giáo những câu gì, cô trả lời con ra sao, con có đồng ý hay hiểu hết những gì cô nói không... Đừng quan tâm đến chuyện con bao nhiêu điểm, con có được phiếu bé ngoan không... Cũng đừng quan trọng chuyện con có biết đọc biết viết bằng các bạn cùng lớp chưa. Tuổi này chưa cần những thứ đó.

6. Gợi cho trẻ nhiều về cảm xúc

Khi trẻ làm sai, khi trẻ gây ồn, khi trẻ quấy phá, đừng nên dùng hình phạt hay những ông kẹ, ông ba bị để hù doạ, răn đe... Hãy dùng cảm xúc của những người trẻ yêu thương nhất để cảm hoá. "Nếu Bin làm vậy, mẹ sẽ buồn lắm... vì mẹ thấy mẹ đã không biết cách nói chuyện cho Bin nghe lời..." "Bin có thấy khi Bin làm vậy, sẽ khiến cho mọi người xung quanh khó chịu và mẹ buồn không?" Nên hình thành cho trẻ thói quen quan tâm và để ý đến cảm xúc của những người xung quanh nhiều hơn.

7. Đứng dậy từ nơi bị ngã

Trẻ té, cứ để đó, đừng chạy tới ôm ấp dỗ dành, không đổ thừa cái bàn, cái ghế cái sàn làm trẻ té, cơ thể trẻ lúc còn nhỏ có thể chịu được những cú té khi chạy nhảy như vậy, trẻ không quá đau để khóc lóc, nhưng khi người lớn hoảng loạn chạy tới, trẻ sợ hãi và mới bắt đầu khóc. Nên cứ để đó, chờ cho trẻ tự đứng dậy tiếp tục bước đi, hãy đến, hỏi thăm trẻ có đau không, nếu đau thì sau này đi đứng cẩn thận để không té nữa.

8. Tập gọi tên con

Không gọi trẻ là mày, nó, thằng này, con kia... nên gọi trẻ là con, hoặc nếu tốt hơn, nên gọi trẻ bằng chính tên của trẻ, "Hôm nay Bin có gì để kể mẹ nghe không? Tín muốn ăn gì, mẹ mua cho..." đây là cách tập cho trẻ phát triển tính định danh, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp về sau.

9. Tôn trọng quyết định của trẻ nhất có thể

Bạn nghĩ sao nếu bạn thích màu xanh da trời mà phụ huynh mua cho bạn cái áo màu hồng và ép bạn mặc đi? Trẻ cũng vậy. Quần áo, thức ăn hay những món đồ chơi thuộc về trẻ, nên dẫn trẻ theo khi mua và hỏi ý kiến của trẻ rằng con thích màu nào, con thích cái nào và sau khi con chọn sẽ không được thay đổi nhé. Đời chúng ta, cũng là những lần lựa chọn, vậy hãy tập cho trẻ có trách nhiệm với lựa chọn của mình ngay khi có thể.

10. Đọc sách cho con nghe

Mỗi tối, trước khi đi ngủ, hãy dành chút thời gian đọc cho trẻ nghe một câu chuyện, có thể là cổ tích, có thể là Mít Đặc phiêu lưu ký, có thể là một truyện ngụ ngôn... nhưng thật lòng khuyên bớt đọc truyện cổ tích hay Trạng Quỳnh cho trẻ, đừng dạy trẻ rằng lọc lừa, khôn lỏi là thông minh, hay hình thành tư duy ghét người giàu, gán ghép giàu có với xấu xa cho trẻ.

 Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI