Cuộc chiến chăm con bệnh

31/07/2016 - 07:14

PNO - Có nhiều phụ huynh, khi thấy con biểu hiện giống bệnh cũ hoặc giống con của hàng xóm thì xin toa, mua thuốc theo toa cũ uống. Điều này hết sức nguy hại đến sức khỏe của trẻ...

Trong các gia đình hiện đang có hai phe “chuộng thuốc” và “không thuốc”. Một là khi con vừa chớm ho, sổ mũi hoặc âm ấm, là mẹ “đánh” ngay thuốc kháng viêm, kháng sinh để... chặn đứng bệnh; hai là trường phái nói không với thuốc để con lướt bệnh và tự khỏi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cả hai cách này đều tiềm ẩn những bất lợi cho sức khỏe của trẻ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Đón đầu

Biết con hay bị bệnh theo “quy trình”: sổ mũi - ho - sốt và lần nào cũng mất chục ngày mới dứt bệnh nên chị Kim Thúy - mẹ của bé Na 2,5 tuổi ở chung cư Đồng Diều, Q.8, TP.HCM rút kinh nghiệm: khi con vừa hắt xì và ra nước mũi trong thì chị cho uống ngay sirô tân dược trị cảm cúm để chặn bệnh. Trong kệ thuốc nhà chị trữ đủ loại thuốc trị bệnh ho, cảm cúm, giảm đau dành cho trẻ từ thảo dược đến tân dược như: Khí An, Pectol, Atussin Decolgen, Tiffy, Cottu F, Ameflu…

Do uống thuốc thường xuyên, bé Na hay đến lớp trong tình trạng lừ đừ, gà gật vì tác dụng phụ của thuốc. Nếu con ho, chị Thúy “tống” ngay thuốc trị ho và long đàm để con khỏi khò khè và phòng nguy cơ bệnh lan qua phế quản, phổi. Mỗi đợt thuốc khoảng 5-10 ngày, chị cho con uống đến khi bé dứt ho mới ngưng. Chị Thúy còn chỉ các bà mẹ trong cơ quan trị bệnh “đón đầu” thế này, vì như chị khoe nhờ điều trị sớm mà bé Na hiếm khi dùng kháng sinh.

Nhưng mới đây, bé Na hay bị nôn ói, dù chị cho uống men tiêu hóa cả tuần không khỏi, nên chị đưa con đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khám. Kết quả là bé có dấu hiệu viêm dạ dày, mà theo bác sĩ (BS) nguyên nhân có thể là do mẹ cho bé uống nhiều thuốc long đàm. Vì thuốc này làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày nên việc lạm dụng thuốc đã gây ra viêm loét.

Chị Ngọc Hạnh - nhân viên một công ty Nhật ở Q.1, TP.HCM cứ con sổ mũi là tự chữa bằng cách nhỏ nước muối sinh lý rửa mũi và cho uống viên Clorpheniramin. Có đợt bé bị sổ mũi nhiều, chị cho uống ngày 3 lần/mỗi lần 1 viên, nhưng gần nửa tháng bé vẫn không khỏi. Đến lúc bé chuyển qua mũi xanh, ho nhiều chị mới đưa con đi bệnh viện khám và hoảng hốt khi nghe BS trách: “Chị tự chữa nên làm con xẹp phổi rồi đây này!”.

Chị Kim Phượng - ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM lại là “nỗi ám ảnh” của các giáo viên trường mầm non L.T., bởi ngày nào chị cũng gửi một bịch thuốc to cho bé Bắp (27 tháng) với bảng kê dài ngoằng trong sổ thuốc của lớp. Bé bệnh thì xịt mũi 4 lần/ngày, sirô ho, thuốc sổ mũi… Bé khỏe thì chị gửi vitamin C, kẽm giúp tăng cường đề kháng, men tiêu hóa giúp ăn ngon…

Cuoc chien cham con benh
Ảnh mang tính minh họa

Nói không với thuốc tây

Lạm dụng thuốc kháng sinh là một trong những sai lầm thường gặp ở các bà mẹ và điều này góp phần gây ra tình trạng lờn kháng sinh. Một số bà mẹ đọc thấy nguy cơ lờn kháng sinh và tác dụng phụ có hại thuốc tây đã quyết định hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc cho con. Không ít phụ huynh còn cực đoan theo trường phái “không thuốc” và mặc nhiên trở thành “tín đồ” của thảo dược.

Nổi bật nhất trong xu thế không kháng sinh là quan điểm của BS N.T.Đ. đang được lòng nhiều phụ huynh. Nhiều bà mẹ khoe: “Tuy tiền khám cao, nhưng khám xong không mất tiền mua thuốc, BS nói hơn 90% trẻ bị bệnh ho, sổ mũi, sốt là do siêu vi và sẽ tự khỏi trong vài ngày nên không phải uống thuốc”. Vì vậy, có những trường hợp bé ho sù sụ, nóng sốt mẹ vẫn cho con đương đầu, hưởng “quyền được ốm”.

Tuy nhiên, ngoài những trẻ lướt bệnh ngoạn mục với phương pháp này, cũng không ít trẻ vì không uống thuốc nên bệnh chuyển nặng mà cha mẹ không hay, như chuyện của chị Lê Kim Q. ở P.9, Q.3, TP.HCM. Buổi chiều con còn chơi bình thường, nhưng đến khuya là bé Bo 17 tháng tuổi, con trai chị Q. bị sốt đến 39 độ C. Qua hôm sau, chị cho bé đi khám, BS nghi bé bị sốt siêu vi và chỉ dặn theo dõi cơn sốt của bé, đồng thời cho uống nước và nghỉ ngơi nhiều chứ không thuốc men gì.

Tối đó, bé Bo bắt đầu ho, sổ mũi, chị Q. chỉ cho con uống chanh đào mật ong và khi sốt cao làm bé lừ đừ chị mới cho uống hạ sốt. Đến ngày thứ ba, nghe tiếng con ho nặng, sốt không hạ, bé cứ ăn vào là ói nên ba của bé sốt ruột yêu cầu đưa đi bệnh viện (BV) khám. Trái lại, mẹ nói cứ từ từ, theo dõi hết ngày thứ 3 rồi tính. Đêm khuya con sốt cao, người chồng bắt đưa con đi BV, BS khám cho biết bé bị viêm phổi nặng và yêu cầu nhập viện.

Ngay cả thuốc hạ sốt cũng được “Hội những bà mẹ không dùng thuốc” khuyên nhau hạn chế do tin rằng “cơ thể trẻ hoàn toàn thích nghi được với nhiệt độ 39, 40 độ C nên chỉ khi nào trẻ lừ đừ, quấy khóc mới cho uống”. Nhưng thực tế, có những trẻ khi sốt cao sẽ biến chứng run, co giật ảnh hưởng đến thần kinh.

Nghệ thuật chăm con bệnh

TS-BS Nguyễn Huy Luân - Phụ trách phòng khám Nhi BV Đại học Y Dược TP.HCM ví von: “Cả hai phương pháp chăm con bệnh trên đều không phù hợp. Lẽ ra cộng hai phương pháp này rồi chia đều sẽ thành bí quyết nuôi con chuẩn”. Khi trẻ bị bệnh, cách xử lý đúng nhất của cha mẹ là quan sát, theo dõi kỹ hành vi, thái độ, biểu hiện của trẻ.

Khi chuyển mùa, trẻ nhỏ hay bị bệnh. Nếu trẻ chỉ nhảy mũi, ho thông thường và mới sốt thì không cần thiết “dập” thuốc ngay, mà cần theo dõi xem trẻ bú/ăn/ngủ/chơi có tốt không? Trẻ vẫn chơi bình thường thì chỉ cần cho uống nhiều nước, tăng cường nước trái cây, ăn thức ăn dễ tiêu và có thể cho trẻ uống sirô thảo dược. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao khó hạ, người bứt rứt, ăn/ ngủ không ngon, không chơi, biểu hiện lừ đừ thì nên cho trẻ đến BS để kiểm tra.

Có nhiều phụ huynh, khi thấy con biểu hiện giống bệnh cũ hoặc giống con của hàng xóm thì xin toa, mua thuốc theo toa cũ uống. Điều này hết sức nguy hại đến sức khỏe của trẻ, vì mỗi trẻ có cơ địa riêng và bệnh lý cũng không giống nhau. Hơn nữa, một triệu chứng như sốt, nhức đầu, ho… có thể liên quan đến nhiều bệnh lý. Ví dụ, sốt cũng có thể do siêu vi, nhưng cũng có thể là nhiễm trùng hay rối loạn điện giải và chỉ có thầy thuốc mới biết chính xác khi nào trẻ cần phải dùng thuốc và dùng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.

Còn dùng thuốc sai dẫn đến những hệ quả khôn lường, như ngoài nguy cơ lờn thuốc, kháng sinh còn phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy và khả năng dị ứng, hen suyễn tăng… Chưa kể, dùng kháng sinh không đúng còn làm tăng gánh nặng kinh tế như uống kháng sinh dẫn đến tiêu chảy lại phải mua thuốc trị bệnh này, rồi lại uống kháng sinh và phải mua men tiêu hóa uống kèm theo, nhằm bảo vệ đường ruột, làm bệnh kéo dài.

Đặc biệt, lâu nay phụ huynh quan niệm chỉ có kháng sinh mới gây hại cho sức khỏe của trẻ khi dùng bừa bãi, nhưng thuốc có chứa corticoid nếu dùng lâu dài “độc” cũng chẳng kém. Thuốc chứa corticoid giúp trẻ hạ sốt nhanh nên các bà mẹ hay dùng nhưng nếu xài nhiều sẽ gây rối loạn miễn dịch cơ thể làm giảm sức để kháng của trẻ. Thuốc cũng ảnh hưởng đến niêm mạc ruột gây viêm loét… Vì vậy, đây cũng là một loại thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của BS.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM nhấn mạnh: “Không thể ngừa bệnh bằng cách uống thuốc trước, phụ huynh cần lưu ý: thuốc chỉ uống khi cần, vì đa số bệnh là do siêu vi gây nên, chỉ cần uống chữa triệu chứng phù hợp với lứa tuổi như sốt, thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi. Không nên dùng thuốc kháng sinh hay corticoid khi không có chỉ định của BS. Tuy nhiên, cũng không nên bắt trẻ chịu đựng khi đau bệnh, không cho uống thuốc. Nói chung, cần đưa trẻ đến BV khi sốt cao hơn 48 giờ, thở mệt, co giật, tím tái, hay bệnh kéo dài và mẹ cảm thấy quá lo lắng”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI