Con bị viêm gan A vì mẹ chồng nhá cơm liên tục

19/05/2016 - 14:16

PNO - Quan niệm nhá cơm cho trẻ là biện pháp giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng cân tuy nhiên đây là biện pháp nguy hiểm có thể truyền nhiều bệnh.

Lý lẽ ngày xưa

Chị Phan Thị Dung trú tại Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội than thở mẹ chồng chị thường có thói quen nhá cơm cho bé. Con trai chị hơn 1 tuổi bé rất lười ăn nên ở nhà bà thường nhá cơm cho con.

Nhìn bà nhá cơm xong rồi đút cho con mà chị Dung sợ hãi nhưng không dám kêu ca vì chỉ như thế bé nhà chị mới ăn. Chị mà càu nhàu thì chồng chị lại bảo “ngày xưa 4 anh em nhà anh đều ăn cơm nhá của mẹ và bà đấy, có đứa nào ốm đau, bệnh tật gì đâu”.

Chị Dung kể ngày nào cũng thế, chị nhắm mắt coi như không thấy. Hôm nào đi làm về bà cũng khoe cháu ăn hết cả bát cơm to bà nhá. Thấy con ăn được nên chị thở dài khuất mắt trông coi.

Tuy nhiên, đợt vừa rồi bé bị sốt ba ngày. Sau sốt bé bỏ ăn và nhìn con vàng da, vàng mắt. Chị Dung và chồng cho bé vào bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra. Bác sĩ cho biết cháu bị viêm gan A.

Con bi viem gan A vi me chong nha com lien tuc
Nhá cơm cho trẻ gây ra nhiều bệnh.

Nghe đến viêm gan, chị Dung rụng rời chân tay nhưng khi biết đó là viêm gan lành và không nguy hiểm lây qua ăn uống. Chị Dung mới kể bé toàn ăn cơm bà nội nhá. Bị bác sĩ mắng lúc đó chồng chị cũng lờ mờ hiểu ra không được nhá cơm cho con.

Để giải thích cho mẹ chồng việc nhá cơm nguy hiểm, bà đã đùng đùng nổi giận và cho con về quê. Chị Dung thở dài mang con đi gửi nhà trẻ. Dù không được bà chăm sóc nhưng chị cũng đỡ mệt mỏi hơn và lo lắng về sức khoẻ của con.

Chị Hoàng Thị Hà trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết vì chuyện nhá cơm mà chị và mẹ đẻ của mình cũng thường xuyên cãi nhau. Khi bé không ăn là bà ngoại lại nhá cơm rồi đút cho bé.

Chị Hà không đồng ý thì hai mẹ con cãi nhau. Mẹ chị bảo thủ cho rằng bà nuôi ba đứa con và 4,5 đứa cháu ở quê đứa nào cũng nhá cơm cả có ai ốm đâu.

Với cái lý của bà, chị Hà vì muốn bảo vệ con mà nhiều lần hai mẹ con đã to tiếng với nhau. Chị kể không hiểu sao các bà vẫn nghĩ nhá cơm cho cháu là tốt nhất, giúp cháu ăn được nhiều nhất.

“Ngày xưa không biết thế nào chứ giờ chỉ nhìn miếng cơm nhá rồi cho ra thìa đút cho con đã đủ ghê rồi mà không hiểu sao bà vẫn nghĩ nó ngon bổ và an toàn”. 

Gây nhiều bệnh lây nhiễm 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ nhỏ mới bước vào giai đoạn tập ăn, chức năng nhai chưa hoàn thiện nên các bà mẹ thường nhai cơm cho nát rùi mớm cho trẻ.

Khi nhai cơm, một loại men có trong nước bọt của người lớn có tác dụng làm cho cơm có vị ngọt, trẻ ăn cơm nhai chỉ việc nuốt nên có rất nhiều bé thích được ăn cơm nhai.

Tuy nhiên, PGS.TS Dũng khẳng định, các mẹ không nên nhai cơm mớm cho trẻ, bởi trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm hàng trăm bệnh khác nhau. Trong miệng của người lớn có hàng trăm, hàng nghìn vi khuẩn, virus cộng sinh mà trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên khi có cơ hội xâm nhập, vi khuẩn sẽ lây lan và trẻ phát bệnh rất nhanh.

Nhiều người mắc bệnh mà không biết nên vô tình truyền cho cháu mình đặc biệt các loại vi rút HPV gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, vi khuẩn HP gây ra ung thư dạ dày có có thể lây qua đường tiêu hóa mới truyền bệnh cho trẻ.

Trên thực tế, có rất nhiều người mang bệnh mà không biết, được gọi là người mang trùng nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn mầm bệnh. Chính vì thế, khi nhai cơm mớm cho trẻ người lớn có thể vô tình truyền bệnh sang cho bé.

Đặc biệt, việc nhá cơm làm cho trẻ không còn khả năng nhai tự nhiên. Bình thường, thức ăn vào vòm miệng trẻ, trải qua cắt, nhai, nghiền… dưới sự nhào trộn của lưỡi với nước bọt, thức ăn sẽ mềm, trẻ dễ nuốt. Men trong nước bột phân giải tinh bột trong thức ăn thành đường, có lợi cho việc hấp thụ tiêu hóa ở bước tiếp theo.

Cử động nhai trong vòm miệng trẻ sẽ kích thích vị giác, khứu giác do thức ăn trong miệng dẫn tới có thể tăng cường muốn ăn, thúc đẩy công năng tiêu hóa của dạ dày và kích thích tuyến nước bọt, rèn luyện hàm răng, răng và cơ nhai là một loại hoạt động rất hữu ích nhưng người lớn làm cho trẻ việc này có thể gây ra tình trạng biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ.

Thư Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI