Chữ hiếu

05/09/2013 - 14:28

PNO - PN - Sau tai nạn, ông mất một chân. Từ đó, ông đi lại nhờ chiếc nạng gỗ. Bà thì gầy yếu, mấy đứa con còn nhỏ nên chẳng giúp được gì cho ông. Hàng xóm thấy xót, bảo mấy đứa nhỏ đi làm mướn để đỡ đần phần nào. Thương...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bởi vất vả nên ông đâm bẳn tính. Bà và mấy đứa con trở thành “bia đỡ” cho những cơn giận vô cớ của ông. Ba cậu con trai thường cãi lại cha, hai cô con gái thì không muốn giáp mặt. Bà hiểu và im lặng chịu đựng. Năm người con thì không thèm để ý xem làm thế nào ông có thể khai hoang mảnh vườn trước nhà chỉ với một chân. Có thể, lâu lâu mấy đứa con ông thấy có chiếc ghế cứ đặt mãi ngoài vườn. Biết vậy chứ có ai rơi nước mắt khi thấy ba mình ngày ngày ngồi lê lết trên ghế, gồng mình cuốc đất đâu.

Khi hai mái đầu bạc trắng, ông bà lầm lũi nơi quê nhà, mỉm cười nghĩ về ba đứa con trai thành đạt nơi phương xa, hai cô con gái thì con cái cũng đã đề huề. Khổ lúc trẻ, khỏe về già, người ta thường bảo vậy. Nhưng, đến lúc già thì ông bà càng khổ, thậm khổ. Hết ông lại bà, cứ đau ốm liên miên. Có khi cả ông lẫn bà ốm cùng một lúc. Hàng xóm gọi điện báo cho mấy đứa con, người bảo bận, người thì ghé về được vài giờ. Miếng cháo, hớp nước cũng trông nhờ vào hàng xóm.

Mỗi dịp cúng giỗ, lễ tết, con cháu, dâu rể về thăm quê, ông bà mừng như bắt được vàng. Ông bảo mấy đứa cháu ra vườn, thích gì cứ hái mà ăn. Bà bắt hết bầy gà chăm bẵm mấy tháng trời làm thịt, nói là để tẩm bổ cho mấy đứa nhỏ. Vậy mà, lần nào về ông và con cũng to tiếng vì những chuyện không đâu.

Chu hieu

Nói là bà gầy ốm nhưng ông lại đổ bệnh trước, lại là bệnh nặng, đi đứng không nổi, phải nằm liệt trên giường. Con cháu về thăm, có cô con dâu còn không dám đến gần giường bệnh. Được dăm ba hôm, chịu không được cái khổ, con cái lại “bàn giao” cho bà. Đến lúc bà kiệt sức, mấy đứa con bàn bạc chuyện… nuôi. Từ đó, ông được đưa vào Huế ở với con trai trưởng, bà thì theo con trai thứ vào tận Sài Gòn. Những người con còn lại lấy lý do nhà đông người, chật chội, không thể đưa ông bà về ở cùng. Ngày chia tay làng xóm, bà nghẹn giọng: “Từng này tuổi rồi mà phải xa quê, xa mấy o mấy chú...”.

Ông mất. Biết tin, bà ngã quỵ. Gần cả năm trời không được gặp ông, buồn thì có buồn nhưng bà vẫn thấy yên lòng. Giờ ông bỏ bà ra đi, bà biết bấu víu vào ai để sống tiếp? Bà nhìn ông lần cuối, nói với ông như thể với mình: “Ông hãy yên nghỉ… Rồi tôi sẽ sớm về với ông”.

 Vũ Hoài

Từ khóa Chữ hiếu
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI