Chấp nhận thất bại

30/06/2015 - 16:35

PNO - PN - Con trai tôi rất thông minh, sở hữu nhiều ưu điểm để học tốt và thành công sau này, nhưng đáng lo ngại là cháu khó chấp nhận thất bại. Trong học tập ở trường và năng khiếu ở các câu lạc bộ, nếu thi trượt hoặc đứng thứ hạng thấp, cháu buồn nản, xấu hổ, cay cú mãi. Cháu cũng hay viện lý do khách quan để bào chữa cho kết quả không như ý của mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Song song đó, cháu tìm cách hạ thấp thành quả của các bạn đỗ cao, cho rằng các bạn ấy được thầy cô ưu ái hoặc may mắn “trúng tủ” chứ chẳng giỏi giang gì. Tuần trước, cả nhà tôi tham gia trò chơi giáo dục do một công ty tổ chức. Không khí rất vui nhộn, ấm áp nhưng cháu lại bực bội, cáu kỉnh.

Ra về, cháu cằn nhằn: “Sao mẹ chậm chạp, luống cuống khiến đội nhà bị thua ê mặt”. Riết rồi tôi cũng ngại cho cháu dự thi hay tham gia trò chơi có tính đối kháng dù biết đó là môi trường rèn cho cháu bản lĩnh, nghị lực vượt thử thách. Tôi phải làm sao để giúp con chấp nhận thất bại hay nhìn nhận thất bại nhẹ nhàng như một lẽ tất yếu của cuộc sống?

Huyền Nhung (Q.9, TP.HCM)

Chap nhan that bai

Chị Huyền Nhung mến,

Biết chấp nhận thất bại, đứng lên sau thất bại là một năng lực quan trọng cần thiết cho cuộc sống, nhưng năng lực này không dễ dàng có được, kể cả người trưởng thành. Cháu thông minh nên thường đòi hỏi cao ở bản thân và người khác. Vì vậy, để có năng lực chấp nhận thất bại, cháu cần thời gian rèn luyện. Chị là người mẹ hiểu biết nên đã nhìn ra điểm cần thay đổi, cần bồi dưỡng cho cháu, tin là chị sẽ có cách giúp cháu trưởng thành hơn.

Hạn chế cho cháu tham gia trò chơi mang tính cạnh tranh có là cách tốt giúp hạn chế tính hiếu thắng? Câu trả lời là không. Chị cũng biết cháu cần có môi trường rèn luyện bản lĩnh và nghị lực vượt thử thách. Chính những lần thất bại sẽ giúp cháu và chị có cơ hội bàn về việc chấp nhận thất bại như thế nào.

Trước đây khi thất bại, như thư chị kể: cháu buồn nản, đổ lỗi cho khách quan, hạ thấp thành quả của người khác… đây là phản ứng xấu cần thay đổi. Nếu chị phân tích đúng, sai của phản ứng này, cháu sẽ khó tiếp thu, thay vào đó chị nên khen ngợi những gì cháu đã đạt được, hướng cháu vào việc phân tích nguyên nhân thất bại từ đó rút ra kinh nghiệm “nếu lần sau con làm như thế này… thì…”.

Khi được gợi ý làm thế nào để tốt hơn, cháu sẽ nhìn thất bại theo hướng tích cực. Tốt hơn nữa nếu chị đặt câu hỏi để cháu tự nghĩ ra cách thay đổi “nếu…thì…”, sẽ càng phát huy trí thông minh của cháu. Cháu sẽ tự tin hơn và không tìm cách “dìm hàng” bạn bè hơn mình. Bào chữa cho thất bại của mình là một cách phản chiếu sự tự ti bên trong của cháu. Cha mẹ cần nâng đỡ, khen ngợi, động viên cháu nhiều hơn.

Chị cũng nên giúp cháu học cách tư duy tích cực, nhìn thất bại như một cơ hội để mình học hỏi để lần sau mình sẽ thành công. Chị có thể kể cho cháu nghe về các gương danh nhân đã thất bại như thế nào. Ví dụ nhà phát minh vĩ đại Edison phải trải qua 10.000 thất bại mới tìm ra dây tóc bóng đèn điện. Có người bảo ông thất bại nhiều thế sao không bỏ cuộc, ông đã nói: “Tôi không thất bại. Tôi đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”.

Hay như Abraham Lincoln là trường hợp điển hình của người dám chấp nhận thất bại. Ông liên tiếp thất bại trong kinh doanh, trong ứng cử vào cơ quan lập pháp, khi chạy đua vào ghế đại biểu cử tri bầu tổng thống… Cuối cùng vào năm 1860, ông được bầu làm tổng thống thứ 16, là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Chúc chị thành công trong việc rèn cho cháu bản lĩnh dám chấp nhận và đứng lên sau mỗi thất bại!

 Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI