Bộ sách dành chăm trẻ tự kỷ ai cũng nên đọc

28/06/2016 - 15:04

PNO -  

Bo sach danh cham tre tu ky ai cung nen doc
Bộ truyện tranh "Đi cùng ánh sáng" tác giả Keiko Tobe (Nhật Bản).

Bộ truyện do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành với 15 tập và đã mang về cho tác giả Giải Xuất sắc tại Liên hoan Mĩ thuật Truyền thông Nhật Bản.

Bộ truyện kể lại với bạn đọc cuộc sống hàng ngày của một gia đình Nhật Bản có cậu bé Hikaru bị mắc chứng tự kỉ. Hikaru được sinh ra trong tình yêu thương và niềm hi vọng của bố mẹ như bao đứa trẻ khác. Nhưng từ khi mới sinh ra, cậu bé đã có những biểu hiện bất thường: không muốn được bế bồng, âu yếm, rối loạn giấc ngủ, quấy khóc liên tục…

Bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc chứng tự kỉ. Mẹ của Hikaru đã sốc khi nhận thông tin này. Không những không nhận được sự thông cảm của chồng, gia đình chồng, cô còn phải chịu sự chỉ trích, buộc tội về cách nuôi con như: cho con xem tivi, cho con ăn đồ ăn sẵn… Hạnh phúc gia đình đứng trên bờ vực tan vỡ… Mẹ Hikaru không dám đối diện với cú sốc này, cô giấu mình và giấu đứa con của mình trong bóng tối của sự vô tri, cô độc và khổ đau.

Nhưng rồi tình yêu và trách nhiệm đã lên tiếng, trên con đường tìm hiểu và chiến đấu chống lại chứng tự kỉ, mẹ Hikaru đã có lại sự chung lưng đấu cật của chồng. Từng bước một từ dò dẫm đến lên kế hoạch, gia đình Hikaru trở thành tổ ấm đúng nghĩa - nơi mọi nỗi đau, bất hạnh đều có được sự thấu hiểu và chia sẻ giữa các thành viên. 

Hikaru càng lớn, những mối quan hệ xã hội càng mở rộng, những rắc rối càng tăng lên, gia đình trở thành nơi trú ngụ cho mỗi người trong vòng tay yêu thương và chia sẻ của các thành viên. Dần dà những người sống xung quanh đã từng bước nhận thức về tự kỉ, cảm thông và chia sẻ với người tự kỉ hơn. Họ đã cùng nhau tạo dựng một xã hội thân thiện hơn với người tự kỉ.

Mỗi độc giả khi đọc “Đi cùng ánh sáng” đều nhận thấy hình bóng của mình xuất hiện đâu đó trong cuốn sách. Đó có thể là khi chịu áp lực trong học hành, thi cử hay trong chính công việc, những rắc rối trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, những thay đổi của tuổi dậy thì, bạo lực học đường…

Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng” không chỉ tái hiện cuộc sống của gia đình có người tự kỉ, mà còn lồng ghép nhuần nhuyễn kiến thức về tự kỉ, phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỉ… Mỗi lời thoại, mỗi ô tranh đều chứa đựng lời cổ vũ những nỗ lực, an ủi, sẻ chia những băn khoăn lo lắng và đem tới hi vọng.

Nét vẽ mộc mạc mà biểu cảm, các khung thoại đơn giản nhưng đầy sức nặng, và đặc biệt lối kể chuyện từ tốn mà đầy truyền cảm. Có lẽ vì thế mà câu chuyện mới gần gũi và chân thật, không giáo điều, khô cứng. Còn điều gì quý giá hơn những câu chuyện đơn giản vô ngần như thế?

Chị Minh Hiếu, đại diện Mạng lưới Người tự kỉ Việt Nam tham gia hiệu đính cuốn sách chia sẻ: “Cuốn sách này rất tốt cho việc tuyên truyền về chứng tự kỉ đến cộng đồng. Cứ một người đọc thì một người sẽ hiểu về tự kỉ, cảm thông đối với người tự kỉ và yêu thương người tự kỉ hơn. Còn đối với những cha mẹ có con tự kỉ thì khi đọc cuốn sách này sẽ thấy đến 80% hình ảnh của mình trong đó, họ cũng sẽ học hỏi được rất nhiều điều và hình dung trước được con đường xa của con em mình".

Bình Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI