Báo động tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em

29/08/2016 - 19:58

PNO - Trong lễ khởi động dự án “cộng đồng vì tri tim khỏe mạnh”, BS Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình trạng tăng huyết áp (THA) ở trẻ em ngày càng gia tăng.

Trong đó, học sinh cấp I trên địa bàn TP.HCM bị tha 13%, học sinh cấp II là 16% và học sinh cấp III là 19%. Tha được xem là sát thủ giấu mặt, là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý tim mạch.

Tăng huyết áp vì... cưng con

Do nghĩ THA là bệnh của người lớn nên ngay cả khi con béo phì, ít vận động - thuộc nhóm nguy cơ cao của bệnh lý này, nhiều phụ huynh ít chú ý và không có biện pháp khắc phục, phòng ngừa cho con. Theo BS Đỗ Nguyên Tín - Phó khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 1, THA do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do thường gặp lại đến từ việc cha mẹ nuông chiều con, đáp ứng mọi nhu cầu của con từ ăn uống đến vui chơi khi cho xem ti vi, điện thoại, máy tính bảng… quá nhiều.

Bé Tr.M.Đ. ở P.9, Q.5, TP.HCM mới năm tuổi nhưng đã nặng 34kg, được trường mẫu giáo xếp vào danh sách béo phì và có chế độ ăn kiêng riêng. Nhưng khi về nhà, cậu bé nhất định không ăn cơm và ngồi khóc nếu không có đùi gà chiên, thịt chiên. Chị Phương - mẹ của bé, xót con nên cho ăn hai đùi gà, vì nghĩ cả ngày ở trường đã ăn kiêng rồi. Tối gần tới giờ đi ngủ, bé Đ. đứng trước tủ lạnh ôm bụng than đói, năn nỉ mẹ “cho con xin một cái bánh nhỏ xíu thôi”. Mẹ mủi lòng, cho con một cái bánh thì cậu “leo thang” xin hai cái, ba cái… Cuối tuần đi chơi, cậu bé mè nheo, năn nỉ để được ăn gà rán, khoai tây và uống nước ngọt.

Bao dong tinh trang tang huyet ap o tre em
Huyết áp của trẻ thay đổi theo tuổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố - Ảnh mang tính minh họa: Internet

Càng béo, bé Đ. càng lười vận động, buổi tối và những ngày nghỉ, cậu bé được mẹ “thả” cho chiếc iPad để không quậy phá và quên đói bụng. Đến khi bé Đ. bị nhức đầu, mắt nhìn mờ, chị Phương tưởng con bị cận thị nên đưa đến BV Mắt khám. Nhìn gương mặt đỏ bừng và tình trạng béo phì của bé Đ., BS sau khi khám mắt thấy bình thường đã nghi ngờ bé bị THA nên đề nghị gia đình chuyển qua BV Nhi Đồng 2. Kết quả, bé Đ. bị THA nguyên phát.

Cô con gái bảy tuổi của chị Thu Tâm ở chung cư Đồng Diều, Q.8 cũng được phát hiện THA sau một lần ngất xỉu khi chạy giỡn trong giờ chơi với bạn. Nhân viên y tế của nhà trường đo huyết áp 190/90 nên báo cho gia đình đưa bé vào BV Nhi Đồng 1 theo dõi, điều trị. Qua khai thác bệnh sử, BS biết bé nghiện ăn món bánh tráng muối ớt, khoai tây lắc và bánh mì nướng muối ớt.

Ngày nào tan trường, bé cũng ăn một ổ bánh mì, một bịch bánh tráng và một bịch khoai tây lắc. Hôm nào mẹ bận việc, đến đón muộn, bé “tăng cường” thêm một vài bịch bánh tráng nữa. Nghĩ đây là những món ăn vặt quen thuộc của trẻ con, nên chị Tâm chỉ dặn con “chừa bụng để ăn cơm”, chứ không nghĩ đến bệnh tật. Nhưng lượng muối cao trong những món ăn này là nguyên nhân khiến bé bị THA.

Nhiều hệ lụy

THA là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Trung bình mỗi năm ở nước ta có 90.000 ca tử vong liên quan đến THA. Ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát THA, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đến khi trưởng thành, trẻ mang căn bệnh này với những nguy cơ tiềm ẩn như: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… Trước đây, khoảng 80-90% trường hợp trẻ em bị THA là dạng thứ phát (do bệnh lý), trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý có liên quan đến thận.

Hiện nay, theo các chuyên gia tim mạch, THA nguyên phát ở trẻ em ngày càng tăng đến mức báo động. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và lối sống ít vận động. Cha mẹ chú trọng đến dinh dưỡng của con, nhưng thay vì cho con ăn đa dạng, đủ chất với lượng vừa phải thì lại ra sức chăm chút, bồi bổ để trẻ bụ bẫm, tròn trịa. Bên cạnh đó, trẻ rất thích thức ăn nhanh, uống nước ngọt, quà vặt nhiều chất béo, đường muối và lối sống thụ động, ít vận động, nghiện xem ti vi, điện thoại.

Nghịch lý là trẻ sinh non, nhẹ cân lại nằm trong nhóm nguy cơ cao bị THA do cha mẹ thương con ốm yếu nên ráng vỗ béo con và trẻ bị béo phì, THA khi nào chẳng hay. BS Đỗ Nguyên Tín cho biết, có khoảng 35 - 50% các trường hợp THA ở trẻ béo phì. Béo phì dẫn đến đề kháng insulin, thay đổi hoạt động mạch máu, tăng hoạt hóa hệ giao cảm, hoạt hóa rennin… khiến cơ thể tích tụ muối và gây ra THA. Bên cạnh đó, việc học hành căng thẳng, áp lực dẫn đến stress cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị THA. Rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, ngủ ít, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy, rối loạn nhịp thở khi ngủ), dậy thì sớm, cũng có nguy cơ cao THA.

THA làm giảm hoặc mất thị lực, liệt nửa người, liệt thần kinh mặt, co giật, bệnh não, bệnh lý võng mạc, phì đại thất trái… Nếu phát hiện sớm và thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, huyết áp của trẻ sẽ ổn định. Điều chỉnh chế độ ăn phải hợp lý, kiên trì và cần phối hợp với nhà trường, không bắt trẻ nhịn ăn ngay khiến trẻ đói, mệt và có nhu cầu ăn nhiều hơn sau đó. Nên cắt giảm từ từ, trong đó những món có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, béo, đường muối nhiều, cần loại khỏi thực đơn của trẻ.

Với trẻ bị THA cần phải điều chỉnh ăn nhạt. Trẻ bị THA nhẹ có thể ăn nhạt một phần theo cách nấu ăn nêm bình thường nhưng không chấm, chan nước mắm, muối. Trẻ bị THA lâu, nặng nên ăn nhạt toàn phần, hoàn toàn không nêm, không chấm muối, nước mắm.

Song song đó, cho trẻ ăn thêm rau, trái cây - ưu tiên những loại trẻ thích. Ngoài ăn kiêng, phải kết hợp với vận động. Trẻ nên tập thể dục ít nhất ba ngày/tuần và một giờ/ ngày, tuyệt đối không cho trẻ xem ti vi, điện thoại, máy tính liên tục hai giờ/ngày. Lưu ý, trẻ bị THA không nên chơi những môn thể thao đối kháng, thi đấu có tính hơn thua vì trẻ gắng sức khiến huyết áp tăng đột ngột rất nguy hiểm.

BS Tín nhấn mạnh: “Huyết áp của trẻ em thay đổi theo tuổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Do đó, khi thấy trẻ có những triệu chứng của THA như: mặt đỏ, nhức đầu, nôn ói, mờ mắt, co giật… hoặc nằm trong nhóm nguy cơ: béo phì, rối loạn giấc ngủ, dậy thì sớm… cần đưa trẻ đi khám, theo dõi huyết áp để tránh những can thiệp không cần thiết và tránh bỏ sót bệnh”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI