14 điều cần nhớ khi chơi cùng trẻ

17/12/2015 - 11:50

PNO - Trò chơi giúp trẻ phát triển, nâng cao khả năng tư duy và sáng tạo, giúp trẻ nhận biết thế giới và bản thân mình.

Nhưng để có được kết quả tốt nhất, cha mẹ phải giúp đỡ và là bạn chơi tốt nhất của trẻ, đặc biệt ở những trò chơi phát triển trí tuệ. Các nhà tâm lý đưa ra 14 lời khuyên trong việc chơi với trẻ.

1. Cố gắng để trò chơi trở thành niềm vui của con và của chính bạn. Con trẻ vui sướng với quá trình chơi lẫn kết quả của trò chơi, nên hãy vui với con và khen ngợi con.

2. Hãy theo dõi và giúp trẻ không thấy chán trò chơi, nhưng cũng đừng bắt trẻ phải chơi đến cùng. Cứ để trẻ chơi khi nào trẻ còn thấy thú vị và muốn tiếp tục.

3. Đừng đưa ra nhận xét xúc phạm về khả năng trí tuệ hay thể chất của con, đừng làm trẻ tự ái. Nếu trẻ thất bại, hãy đề nghị trẻ chơi trò khác hay hướng sự chú ý của trẻ sang những việc khác.

4. Hãy nhớ rằng trong các trò chơi phát triển trí tuệ, ý nghĩa quan trọng của trò chơi là con trẻ phải tự mình hoàn thành. Vì vậy, đừng mách nước cho trẻ, hãy để trẻ tự chơi, tự suy nghĩ, tự quyết định và có quyền mắc sai lầm, nhận ra sai lầm của mình. Đó là cách để trẻ phát triển, dần học được cách đối phó với những nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn.

5. Bạn nên nghiên cứu trước mức độ phức tạp của trò chơi và cố gắng tự hoàn thành chúng trước khi chơi cùng trẻ.

6. Hãy bắt đầu trò chơi từ mức độ thấp để trẻ có thể thực hiện được. Khởi đầu thành công sẽ đánh thức sự quan tâm của trẻ tới trò chơi.

7. Nếu trẻ không thể chơi trò mà bạn đề nghị, có thể bạn đã đánh giá sai khả năng của con mình trong giai đoạn phát triển đó. Hãy thay đổi trò chơi, nghỉ ngơi chút ít. Vài ngày sau hãy quay lại trò chơi và bắt đầu từ mục tiêu đơn giản hơn. Bạn có thể cho trẻ tự lựa chọn cách chơi tùy theo sức của mình, không can thiệp, không hối thúc trẻ.

14 dieu can nho khi choi cung tre
Ảnh mang tính minh họa: Internet

8. Hãy theo dõi sự phát triển của trẻ và sự thành công trong các trò chơi, từ đó quyết định cho chơi trò chơi mới, khó khăn mới đối với trẻ.

9. Trẻ em thay đổi sở thích rất nhanh, nếu trẻ chán trò chơi nào đó, hãy tạm quên vài tháng, sau đó tình cờ nhắc lại hoặc cho trẻ khác chơi trò chơi đó trước mặt con. Có thể con bạn sẽ hứng thú trở lại với trò chơi cũ.

10. Những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ (mô hình, lego) cần được cất giữ ở vị trí ngang tầm mắt trẻ nhưng không dễ với lấy. Điều này không chỉ giúp giữ gìn đồ chơi, mà còn khiến trẻ cảm thấy muốn được chơi trò ấy với cha mẹ.

11. Trẻ nhỏ rất thích khi người lớn làm cho trò chơi trở nên sinh động bằng câu chuyện kể, đặt tên và gán tính cách cho các nhân vật, các chi tiết của trò chơi. Hãy phát huy trí tưởng tượng của bạn, con bạn sẽ bị cuốn hút.

12. Trẻ em luôn khao khát thể hiện phẩm chất nổi trội của mình. Điều này phụ thuộc vào việc chúng có thích trò chơi đó hay không. Trẻ ít hoạt động, hay suy nghĩ sẽ không thích trò chơi đòi hỏi sự linh hoạt, còn trẻ nhiều năng lượng, thích chạy nhảy sẽ thấ y nhàm chán và khó khăn khi phải ngồi với bộ xếp hình.

13. Trong khi chơi, nên tạo không khí thoải mái, giúp trẻ cởi mở và tự do thể hiện cảm xúc. Đừng ngăn con la hét, nóng nảy, cáu kỉnh, vui thích, vì trẻ em rất bản năng và giàu cảm xúc.

14. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể tổ chức các cuộc thi về tốc độ, về các giải pháp trong trò chơi. Đừng sợ thua con mình, nhưng cũng đừng làm ra vẻ bị thua dễ dàng vì trẻ em cảm nhận được điều đó.

S. Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI