Mất mặt là mất hết

11/06/2019 - 11:00

PNO - Một người “mất mặt” là gần như mất hết, đi đến đâu cũng không dám nhìn ai. Người ta có thể nhường nhịn nhiều chuyện, nhưng một khi đã “mất mặt” thì chuyện đã đến lúc khó có thể vãn hồi và tha thứ.

Bẵng đi mấy tháng không gặp, chị H. tự dưng gọi điện rủ tôi đi ăn, dặn để chồng ở nhà, mang mấy đứa nhỏ theo cho chúng nó chơi.

Tin chị quăng ra làm tôi choáng váng, chị đã thành người tự do, hai đứa con chị nuôi, căn nhà cũ đã bán và hiện tại mẹ con chị vừa chuyển đến căn chung cư mới mua bằng tiền được chia. Kết thúc câu chuyện, chị kết luận: “Giờ mẹ con chị độc lập tự do và thoải mái lắm!”.

Mat mat la mat het
 

Nguyên nhân khiến anh chị ở tuổi U50 phải dắt nhau ra tòa thì nhiều lắm, nhưng túm gọn lại là không giữ mặt mũi cho nhau nên đành giải tán. Mặt mũi là gì mà ghê gớm, có thể phá tan cuộc hôn nhân gần hai chục năm?

Đầu tiên là anh “tòm tem” bên ngoài, chị đã nhẫn nhịn lôi chồng về để anh khỏi mang tiếng vì anh đang phấn đấu cái ghế trưởng phòng. “Xấu chàng hổ ai”, chị đã nghĩ thế, nếu mọi việc bung bét, người ta nhìn vào sẽ thế nào. Người ta đánh giá anh đã đành, hẳn chị cũng bị phán xét kiểu “ăn ở thế nào nên chồng nó mới chán”. 

Yên vị trên cái ghế cao chưa bao lâu thì anh lại… thèm mỡ. Lần này không phải chị phát hiện mà là cô em chồng. Quan hệ giữa chị và em chồng không mấy mặn mà nên thay vì nói chuyện với chị thì cô về nói với mẹ. Mẹ chồng chị là người phụ nữ kiểu cũ, “trăm dâu đổ đầu đàn bà” với quan niệm “đàn ông là bầu trời, đàn bà là cọng cỏ”. Thay vì gọi con trai về nói chuyện thì bà gọi con dâu về mắng phủ đầu, rằng chị xem lại bản thân đã làm gì, chị làm vợ kiểu gì mà để chồng ngó nghiêng tìm kiếm bên ngoài.

Và tất nhiên là anh chồng biết chuyện khi cả làng biết chuyện. Anh đòi ly hôn vì chị không biết giữ mặt mũi cho anh, làm anh mất mặt với họ hàng làng xóm. Chị đồng ý luôn sau nửa tháng suy nghĩ.

Chị cười: “Nửa tháng có thể không đủ, nhưng anh ta cần mặt mũi, chị thì không chắc? Anh ta để mặt mũi chị ở đâu khi cặp hết em này đến em khác? Ở chung nhà với người mắt toàn hướng ra ngoài, không chóng thì chầy cũng “tan hàng” thôi! Hai đứa trẻ bị ảnh hưởng không ít, vì con nên chị mới quyết định sớm”.

Mat mat la mat het
Ảnh minh họa

Nghe chị kể, tôi lại nhớ chuyện mới đây của anh họ bên chồng. Chị dâu vốn sắc sảo, nói chung chị nhận thứ nhì thì không ai dám xưng nhất.

Ngày trước ở nhà phố thì nguyên cả xóm né chị, nay lên chung cư thì cả khu chung cư sợ chị. Chung cư không cho nuôi chó, chị nuôi, cư dân phản ánh, ban quản lý chung cư nhắc nhở, chị bảo “mắt nào mấy người thấy nó là chó, nó còn khôn hơn khối người đấy!”.

Đơn giản như quét nhà, thay vì hốt rác vào thùng thì chị hất ra hành lang chung với lý do lát nữa lao công sẽ lên dọn, tiền phí quản lý chị đóng hằng tháng là để trả lương cho họ còn gì... Rồi chị cãi nhau với hàng xóm khi người ta nhắc mang giày dép vào nhà, cãi nhau dưới sân chơi vì có đứa nhỏ ủi cái xe thăng bằng vào con chị, cãi nhau cả ngoài chợ vì chị chê thịt không ngon...

Anh thấy hết, biết hết, từ khuyên nhủ đến to tiếng nhưng chị vẫn chứng nào tật ấy, chị quan niệm thời này mà hiền chỉ để người ta đè đầu cưỡi cổ. Và chị dạy hai đứa con phải biết “tự bảo vệ mình”.

Nhà trường gửi giấy mời phụ huynh về việc thằng con trai đánh nhau trong trường chỉ vì quả bóng. Anh thương con nên đến, và nhận ra con trai đã bị mẹ nó dạy hư, trong trường nó gần như là đại ca, không ai dám đụng tới nó. Về chưa đến nhà anh đã chứng kiến chị đang cãi nhau với ai đó. Anh nghe được gì mà “mày là công nhân quèn chứ cái thứ gì mà ngon, mày tin tao kiếm người cày nát mặt mày ra không?”.

Anh thấy vợ mình, người đồng hành mười mấy năm với mình sao đáng sợ. Nhìn vẻ hung hãn xỉa xói cùng những lời mạt sát chị dành cho người khác, anh rùng mình. Anh nói, có thể ly hôn là biện pháp tiêu cực nhất, nhưng anh không còn cách nào khác. Anh đã nhịn nhiều, nhưng đến bây giờ và nghĩ cho mai này, cho các con, anh cho rằng mình đã làm đúng. Anh còn kể thêm, ly hôn rồi mà chị chẳng để anh yên khi ngày anh nhận vài tin nhắn chửi bới, xỉ vả...

Mặt mũi là quyền sở hữu cá nhân, ngoài việc giữ mặt mũi cho mình, cũng nên để ý cảm nhận của người xung quanh. Vợ chồng giữ cho nhau, cha mẹ giữ cho con cái và con cái giữ cho cha mẹ, anh em. Nhiều người có thể nói không thể bào mặt mũi ra mà sống, việc gì phải làm quá lên, nhưng không phải vậy. Mặt mũi là nói nôm na, rộng ra là danh dự, tư cách, và sĩ diện.

Một người “mất mặt” là gần như mất hết, đi đến đâu cũng không dám nhìn ai. Người ta có thể nhường nhịn nhiều chuyện, nhưng một khi đã “mất mặt” thì chuyện đã đến lúc khó có thể vãn hồi và tha thứ.

 Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI