Má phiên phiến đi, cho dễ sống

30/05/2018 - 20:08

PNO - Tôi biết làm sao khi con trai tôi 30 tuổi đầu mới kết hôn. Cô dâu là nữ sinh vừa tốt nghiệp trung học đã được con trai duy nhất của tôi say mê như điếu đổ và “bê” về nhà.

Con trai tôi sau khi lấy vợ phải quay lại nhịp làm việc hối hả nơi công sở. Còn lại tôi và nàng dâu mới ở cùng nhà, bao nhiêu vấn đề rắc rối xảy ra. Mọi chuyện vẫn có thể ở mức nhắm mắt cho qua được, cho đến khi nàng dâu mới bắt đầu có tin vui.

Ma phien phien di, cho de song
Ảnh minh họa

Con mẹ nhưng cháu bà, chẳng lẽ thấy con dâu không có kiến thức về sức khỏe sinh sản mà tôi lại làm thinh. Ba tháng đầu là thời điểm quan trọng để thai nhi hình thành các bộ phận cơ thể, đòi hỏi người mẹ phải hết sức thận trọng. Thế mà nàng dâu yêu quý của tôi vẫn duy trì sở thích từ trước khi lấy chồng là sơn móng tay xanh đỏ và thay đổi màu sắc đến chóng mặt. Tôi góp ý, nói chất lưu huỳnh trong quá trình tẩy rửa, sơn móng rất độc, không có lợi cho sức khỏe của em bé trong bụng. Tôi còn copy một loạt bài báo nói về vấn đề này để cảnh tỉnh nàng dâu, nhưng chẳng ăn thua.

Tôi nấu cháo cá chép cho nàng dâu tẩm bổ, nàng chê cá tanh không nuốt được. Không nản chí, tôi mua gà về hầm thuốc Bắc để bổ cả mẹ lẫn con, nhưng nàng dâu lắc đầu nói mùi ngải cứu hăng, không thể nào chịu nổi. Tôi còn biết làm gì hơn khi công sức mình bỏ ra mà không được đền đáp. Thế là tiếc công tiếc của, tôi lại ráng... một mình ngồi ăn cho hết.

Tệ hơn, nàng dâu vẫn mua trà sữa trân châu, thạch xanh đỏ về uống giải khát và nói cảm thấy rất ngon miệng với loại đồ uống này, kiểu lên “cơn nghén” bỏ không được. Tôi lo lắng vô cùng. Chẳng gì báo chí cũng đã cảnh báo những độc tố có trong thành phần loại đồ uống này. Thành ra, chín tháng mang bầu, thay vì người mẹ phải lo lắng cho đứa con trong bụng thì nàng dâu của tôi vẫn cứ ung dung, chẳng sầu muộn gì. Người lo lắng, hồi hộp đến mất ăn mất ngủ trong suốt quãng thời gian đó lại là bà mẹ chồng đáng thương này.

Ma phien phien di, cho de song
Ảnh minh họa

Chưa hết, nàng ở nhà chờ sinh em bé nên vẫn bán hàng qua mạng. Thế là thay vì tầm chín giờ tối phải lên giường nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé thì nàng dâu cứ online đến một - hai giờ đêm. Mỗi lần quá nửa đêm, đi vệ sinh phải lướt qua phòng con dâu, thấy bên trong còn sáng đèn là tôi lại thở dài.

Tôi nói nhỏ với con trai, nhờ con “đánh tiếng” để nàng dâu sửa đổi nếp sinh hoạt cho phù hợp. Nhưng con trai tôi gạt đi, “giới trẻ giờ giấc vậy là bình thường, má cứ phiên phiến đi cho dễ sống”. Nó biện hộ: còn sở thích sơn móng tay xanh đỏ của vợ con, chỉ cần mỗi lần làm, mở cửa ra cho thông thoáng và nhanh bay mùi là được. Có gì mà má phải đem nỗi sầu muộn vào lòng cho thêm nặng nề.

Vậy là có một lối tư duy ngược trong gia đình chúng tôi. Thay vì con dâu mới về nhà chồng phải “nhập gia tùy tục”, hành xử theo cung cách nhà chồng cho phải - thì trong gia đình này, mẹ chồng lại phải “đổi mới tư duy”, để còn... thích nghi được với nàng dâu. 

Vì hạnh phúc của con trai, tôi chấp nhận tất cả. Thế nhưng, không hiểu sao trong quá trình tự thay đổi, tôi cứ cảm thấy... ấm ức trong lòng, khó chịu lắm. 

Thu Ngà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI