Má con mình cùng già

25/08/2019 - 10:29

PNO - Giờ đây phải chấp nhận sống cùng người mẹ già lẩn thẩn chậm chạp, thật đúng là bi kịch! Tôi trút đổ bực bội đó lên má tôi. Những lúc như thế, bà chỉ ngơ ngác nhìn tôi…

Từ nhỏ tôi luôn được chị Tư làm giúp mọi việc, từ việc bếp núc cho đến chăm sóc mẹ già. Ba năm sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, tức năm tôi năm mươi tám tuổi, chị Tư mua nhà ra riêng. 

Tôi sống cùng má trong căn nhà rộng thênh thang. Phòng tôi trước đây trên lầu, giờ tôi phải xuống nhà dưới ngủ chung và chăm sóc má. Tôi không chồng, không con nên hoàn toàn không có kỹ năng chăm sóc người khác. Đến tuổi chín mươi lăm, má tôi đã khá lẫn. Thêm vào đó là sinh hoạt khác hẳn. Bà thức suốt ba ngày ba đêm, sau đó ngủ đúng ba ngày mới dậy. Tôi bỗng cực hơn vì phải theo bà đi vệ sinh ban đêm, hầu như liên tục, chỉ cách nhau mươi phút một lần. 

Má tôi thường đi vệ sinh ra ngoài. Tôi phải rửa ráy nên đôi lúc bực bội, cằn nhằn, đôi khi la lối hối tiếc sao hồi đó không lập gia đình để bây giờ “lãnh đạn”. Nếu có chồng con và ra riêng, hẳn tôi đã không phải khổ sở khi bản thân mình cũng đang bên kia dốc cuộc đời, cũng luôn cảm thấy mệt mỏi, hết sức sống mà không ai đỡ nâng, chăm sóc.

Ma con minh cung gia
Hình minh họa

Bên cạnh đó, tôi từng là người làm việc ngoài xã hội, từng có cuộc sống thú vị và sinh động… Giờ đây phải chấp nhận sống cùng người mẹ già lẩn thẩn chậm chạp, thật đúng là bi kịch! Tôi trút đổ bực bội đó lên má tôi. Những lúc như thế, bà chỉ ngơ ngác nhìn tôi…

Tôi bỗng hối hận và nhớ lại, nếu không phải là những lúc má đi vệ sinh mất kiểm soát, thì má luôn rất dễ thương. Bà thường theo hỏi tôi:

- Bây có gì ăn không?

Tôi mua bánh cho bà ăn, mua nước yến hoặc sữa dành cho người già cho bà uống, bà mừng rỡ như một đứa trẻ. Tôi thường nói: 

- Người ta ngày ba bữa, má ngày bảy bữa. Ăn sáng, ăn xế trưa, ăn trưa, ăn xế chiều, ăn chiều, ăn tối, cuối cùng là ăn khuya.

Người già ăn hay bị nghẹn, dù đã chan canh vào cơm cho dễ nuốt. Nên sau này, hai bữa ăn chính tôi thường nấu cháo cho bà. Có hôm cháo cá, có ngày cháo thịt… Buổi sáng ăn phở hay hủ tíu, các bữa phụ là bánh bông lan, trái cây, yến mạch… Dù vậy má vẫn than: “Ăn cháo hoài ngán quá!”. Tôi phải dụ: “Má ráng ăn cháo, rồi lát con cho ăn bánh nghen”. Thế là bà vui vẻ ăn cháo. 

Những đêm bà thức suốt, tôi không theo được. Thức dậy, tôi nhận ra má đang gãi lưng, gãi chân cho tôi ngủ ngon. Có khi bà còn đắp mền cho tôi, tôi không quen nên hất mền ra, bà chỉ nhẹ nhàng: “Người ta sợ lạnh, đắp cho mà còn la. Mai mốt tao chết rồi chẳng ai đắp cho đâu!”. 

Bị cảm sốt, không thể để bà ở nhà một mình, tôi nằm xa bà và dặn: “Má đừng nằm gần con. Con bị cảm, con lây má đó”. Bà ôm chầm tôi: “Lây thì lây, có gì đâu!”. May mắn sao, sức đề kháng của má vẫn rất tốt. Năm nay, má chín mươi sáu tuổi, tôi sáu mươi ba tuổi. Chẳng hiểu sao má không hề bị đau nhức, thấp khớp, trong khi tôi bị chứng bệnh này hành hạ ghê gớm. 

Một lần bà cúi xuống nhặt tờ báo, rồi ngồi bệt xuống nền gạch không đứng lên được, tôi đỡ má dậy rồi cũng té luôn. Do khớp đau nhức nên tôi cũng không thể ngồi dậy. Má lết tới giường, chống tay ngồi lên. Xong bà chìa tay cho tôi:

- Đưa tay đây má đỡ lên giường.

Tôi nắm tay má, lết đến bên giường, rồi chống tay ngồi lên giống như má đã làm trước đó, lòng tự hỏi lúc này không biết ai đang chăm sóc ai đây?

Một tối hai má con nằm ôm nhau, tôi thì thầm:

- Má sống với con thêm vài năm nữa nha!

Bà nói đầy tự tin:

- Thêm hai mươi năm luôn!

Tôi thú nhận:

- Nhiều lúc má đi vệ sinh ra ngoài hôi hám, con la má, má đừng giận con nha!

Bà trả lời tỉnh bơ:

- Giận gì. Thì mình hư, bị la cũng có sao đâu. Ai cũng có lúc bực bội nóng giận mà…
Tôi nghĩ má tôi sống thọ là món quà đặc biệt thượng đế dành cho tôi. Thử tưởng tượng một ngày, má bỏ tôi ra đi… một mình tôi ra vào căn nhà rộng lớn, hiu quạnh trong hai căn phòng của tôi và của má. Thật là bi kịch! 

Vì vậy, nhiều lúc má không nhớ tôi là ai, kêu tôi bằng chị, xưng em. Nhiều lúc cũng nhận ra tôi là con út của bà. Thôi thì còn mẹ, hãy vui hưởng những phút giây ít ỏi bên bà, để khi bà ra đi, mình không hối tiếc. 

À, mà tôi hy vọng bà sẽ thực hiện lời hứa: sống với tôi thêm hai mươi năm nữa, để mỗi dịp Vu lan, đến chùa, tôi còn được hai mươi lần cài hoa hồng đỏ rực trên ngực áo… 


Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI