Ly hôn vẫn chung nhà

29/10/2019 - 12:11

PNO - Ly hôn xong, họ vẫn ở chung nhà để cùng chăm sóc con, cho đến khi một trong hai người có hạnh phúc mới. Bạn không biết việc mình làm đúng hay sai. Nhưng để không làm tổn thương mình, bạn quyết định không suy nghĩ nữa.

Cô bạn tôi lập gia đình được 5 năm. Vợ chồng đi qua được những sóng gió ban đầu, đến khi cuộc sống hôn nhân tưởng chừng êm đềm, bạn đột ngột bảo mọi thủ tục ly hôn đã xong. Bạn hỏi tôi xem vợ chồng bạn chọn cách vẫn sống chung nhà sau ly hôn có kỳ cục không.

Tôi trả lời, nếu cả hai thấy không phiền toái là được, cần gì biết người khác nhìn vào thế nào, nhưng cũng “thòng” thêm câu hỏi: “Mà đang yên đang lành, sao tự nhiên ly hôn?”. Bạn bảo: “Ờ, vợ chồng mình dần học được cách cư xử tử tế và yêu thương nhau, nhưng cuộc sống gia đình sóng gió quá”. 

Ly hon van chung nha
Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân là bạn không thích nghi được với mẹ chồng. Bạn thừa nhận mình chẳng phải kiểu “phụ nữ truyền thống”, nên trong mắt mẹ chồng, những đòi hỏi căn bản nhất về một đứa con dâu, bạn không làm được. Bạn lại nghĩ tại sao nếu muốn nhà cửa yên ấm thì phải chiều chuộng mẹ chồng, kể cả những đòi hỏi theo bạn là vô lý. Bạn chẳng thể vào vai một cô con dâu hoàn hảo.

Nếp nhà bạn rất khác với nhà chồng, nên dù rất cố gắng bạn vẫn không thể hòa nhập được, dù thỉnh thoảng bà mới vào Sài Gòn thăm cháu một lần. Gia đình bạn mỗi người là một thế giới riêng, quan tâm nhau nhưng không ai can thiệp sâu vào cuộc sống của ai. Trong khi đó, ở nhà chồng, cuộc sống của vợ chồng con cái bạn cũng chính là cuộc sống của mẹ chồng.

Bà từ quê, mỗi ngày đều đặn gọi điện thoại vô “chỉ đạo” mọi việc, làm trái ý thì bà giận. Khổ nỗi, bạn là luật sư, có công ty riêng, từ nhỏ đã sống trong một gia đình có “quyền tự do ngôn luận” và quen tự quyết định mọi việc của mình, mọi ý kiến còn lại chỉ để tham khảo, nên không thể chiều chuộng mẹ chồng.

Chẳng hạn ở nhà bạn, ba bạn tuyên bố: “Giỗ chạp là chuyện của gia đình mình, ông bà mình thì mình lo, không bắt con dâu phải gánh trách nhiệm đấy, đứa nào thu xếp về được thì về”. Ngược lại, mẹ chồng bạn luôn trách con dâu chẳng chịu lo đám giỗ cha chồng, trong khi bạn bận rộn tối mắt với ba đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất chỉ mới bốn tuổi, lại phải điều hành công ty, nên có năm bạn không thu xếp về được.

Ly hon van chung nha
Ảnh minh họa

Bạn quyết định vay ngân hàng mua nhà, mẹ chồng cản, bạn vẫn vay. Bạn mở công ty riêng, mẹ chồng bảo khoan, con cái còn nhỏ quá, bạn vẫn làm. Dù bạn đã giải thích cặn kẽ và đưa ra các giải pháp để mẹ chồng yên tâm, nhưng bà vẫn thấy phật lòng vì con dâu không biết nghe lời. 

Bạn hiểu mẹ chồng một lòng vì gia đình, thương con cháu, mong muốn của mẹ chồng không sai, chỉ là nó khác với mong muốn của bạn, nên bạn khó làm hài lòng bà. Mỗi lần sinh con, bạn muốn chồng ở lại đêm trong bệnh viện trực tiếp chăm sóc con, nhưng mẹ chồng lại muốn làm thay con trai, năm lần bảy lượt bảo con trai về nhà ngủ cho đỡ mệt.

Mẹ chồng muốn mỗi khi có họ hàng ngoài quê vào chơi, con dâu phải phục vụ chu đáo chuyện ăn uống ngủ nghỉ, nhưng bạn không thể thu xếp thời gian về sớm để lo cơm nước mỗi ngày. Vợ chồng bạn muốn tự thống nhất với nhau mọi việc lớn nhỏ, nhưng mẹ chồng lại cứ khăng khăng ý kiến của bà mới là quyết định sau cùng.

Nếu chồng bạn ủng hộ hay đứng về phía vợ, sẽ lập tức bị trách móc: “Bây giờ mày chỉ nghe lời vợ mày thôi, có còn coi tao ra gì nữa đâu”. Nhưng nếu chồng đề nghị bạn nhượng bộ mẹ, thì không khí trong nhà sẽ lạnh nhạt. Khi mâu thuẫn xảy ra, không biết bao nhiêu lần chồng bạn rơi vào thế khó xử vì giữa mẹ và vợ, đứng về phía ai cũng dở. Bạn hiểu mẹ chồng chỉ có một đứa con trai duy nhất, nên sợ con trai sẽ “rơi vào tay người khác”. 

Bạn hiểu mẹ đòi hỏi con dâu phải có trách nhiệm này kia với nhà chồng chỉ để nở mày nở mặt với bà con, hàng xóm vì có cô dâu chu đáo, hiếu thảo với phía chồng, chứ chẳng phải hà khắc gì. Thế nhưng, hiểu tâm lý của mẹ chồng để thông cảm, không có nghĩa là bạn sẽ thích ứng được. Bạn chẳng thể để mẹ chồng sắp xếp và quyết định cuộc sống của bạn và gia đình nhỏ của mình.

Bạn nói: “Mình không biết quyết định chia tay có đúng không. Mình sợ ly hôn xong sẽ lại rơi vào cơn khủng hoảng khác, nhưng hiện tại, đó là cách tốt nhất để mình thoát khỏi sự ngột ngạt. Người ta nói khi có mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, thì người chồng phải rất bản lĩnh, khéo léo mới tháo gỡ được, nhưng mình thấy bao nhiêu đó thôi chưa đủ, mà cần phải có sự thỏa  hiệp của cả vợ và mẹ nữa. Mình và mẹ chồng đều yêu thương người đàn ông ấy, nhưng lạ thay, cả hai đều đem đau khổ đến cho anh”.

Bạn thấy tội nghiệp ông chồng, đã cố gắng hết sức vẫn không giữ được gia đình bé nhỏ của mình. Vậy nên, bạn đồng ý khi chồng đề nghị ly hôn xong vẫn ở chung nhà để cùng chăm sóc con, cho đến khi một trong hai người có hạnh phúc mới. Một lần nữa, bạn không biết việc mình làm đúng hay sai. Nhưng để không làm tổn thương mình, bạn quyết định không suy nghĩ nữa.

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI