Không thể có con vì cần sự nghiệp?

30/05/2019 - 14:00

PNO - Tháng 5/2019, nữ đạo diễn - luật sư Sharon Rowen đến Việt Nam theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM để thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới thông qua trình chiếu phim và giao lưu cùng khán giả.

Sharon Rowen nhận bằng cử nhân tại Đại học Emory và bằng tiến sĩ luật tại Đại học Luật Columbia Southern. Bà là đối tác đồng sáng lập công ty luật Rowen & Klonoski và công ty sản xuất phim R & K Productions, có trụ sở tại Atlanta, Hoa Kỳ.

Trong hơn 20 năm thực hiện phim tài liệu Balancing the Scales (tạm dịch: Cán cân bình đẳng giới), phỏng vấn các nữ luật sư, thẩm phán năm thế hệ, bao lần đạo diễn Sharon Rowen đã khóc. 

“Đó là khi những người phụ nữ trẻ nói với tôi họ không thể có con vì họ cần có sự nghiệp. Chúng tôi đã khóc cùng nhau vì nghịch lý đó”, nữ đạo diễn - tiến sĩ luật nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ chia sẻ. 

Khong the co con vi can su nghiep?
Bà Sharon Rowen giao lưu với khán giả sau khi chiếu phim Balancing the Scales tại Trung tâm Hoa Kỳ (Q.1, TP.HCM)

Bộ phim được khởi quay khi bà đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Được hỏi “vốn cảm nhận sâu sắc về định kiến nặng nề dành cho giới nữ, bà có thất vọng hay lo lắng khi sinh con gái?”, bà Sharon Rowen chân thành nói bà hạnh phúc và tự hào khi có con gái.

Bà làm việc để giảm bớt sự phân biệt đối xử trong văn hóa của chúng ta, để đường đời của con gái được dễ dàng hơn so với thời của mình. Trái tim người mẹ cho bà sức mạnh để thực hiện bộ phim gai góc, lội ngược dòng định kiến từ bao đời.

Ở đó, phụ nữ từng không được bầu cử. Ở đó có câu lạc bộ Friars duy trì chính sách thành viên toàn nam. Ở đó, Trường Luật Harvard chỉ có duy nhất một phòng vệ sinh nữ cho hai giảng đường, nữ sinh không được giáo sư gọi phát biểu suốt cả năm trời... Chuyện thường thấy là nữ luật sư bị nam đồng nghiệp chế nhạo kiểu “cô đến đây và đem theo áo tắm mỏng nhất của cô nhé!”.

Trải nghiệm về bất bình đẳng với cá nhân bà Sharon Rowen cũng thật chua chát. Ba mươi mấy năm về trước, những ngày đầu đi làm, người ta nghĩ bà là một thư ký hay người viết báo cáo cho phiên tòa, chứ không phải luật sư. Bởi vì không ai chấp nhận luật sư trong phòng xử án lại là phụ nữ.

Ngày nay, dễ dàng hơn để người phụ nữ có thể bước chân vào môi trường lao động nhưng cán cân bình đẳng liệu đã cân bằng? Thực sự đã không còn e dè, ngần ngại khi cất nhắc phụ nữ lên vị trí cao? Thực sự đã không còn những cô gái ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận bóc lột, bị xem thường, thậm chí là bị quấy rối tình dục để giữ công việc?

Ngay cả khi những đơn vị mời bà đến nói chuyện về bình đẳng giới, một số lãnh đạo nam cho biết tại đây có tỷ lệ đáng kể nữ giới nắm giữ vị trí cao và không khí làm việc rất bình đẳng. Tuy nhiên, khi lãnh đạo nam đi khỏi, thông qua cuộc trò chuyện thân mật của bà với những người phụ nữ còn nán lại, bà biết được công việc và cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, thử thách.

Khong the co con vi can su nghiep?
Bà Sharon Rowen

Hai bức tranh khác gam màu được vẽ bởi hai nhóm người trong cùng công ty thúc giục bà tiếp tục đấu tranh cho bình đẳng giới. Bà chọn phim ảnh làm “vũ khí” do quan niệm sự thay đổi trong xã hội không đến từ lý luận suông, điều đó sẽ không tạo được sự thay đổi lâu dài, bền vững, mà phải tạo tình cảm, cảm xúc. Phim ảnh, truyền thông chính là nhịp cầu của sự thấu hiểu, đánh vào nhận thức, cảm xúc của con người, khơi nguồn cho mọi đổi thay. 

Nhiều khán giả nam đã đến gặp bà, bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc và hỏi “là nam, muốn giúp bà và những người phụ nữ thì tôi phải làm gì?”. Bà khẳng định mọi người đều có vai trò trong tiến trình bình đẳng giới, phải cùng một lúc, đồng lòng, nếu không sự chuyển biến sẽ diễn ra chậm chạp. Mục tiêu chung là giáo dục mọi người rằng xã hội sẽ thịnh vượng, nhiều lợi ích hơn khi có nhiều phụ nữ là người quyết định.

Phụ nữ thường lắng nghe và suy nghĩ sâu sắc hơn nam giới. Họ thấu hiểu được vấn đề mà họ đang đối mặt. Một khi chúng ta có nhiều hơn những người phụ nữ ngồi vào ghế lãnh đạo, họ sẽ cùng nhau hành động để tìm ra giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới. 

“Những điều phụ nữ không nên làm là tiếp tục im lặng. Cần cố gắng thử những việc khiến mình hạnh phúc. Phân nửa dân số thế giới không hạnh phúc thì nửa còn lại cũng không vui vẻ gì.

Khong the co con vi can su nghiep?
Một phụ nữ hiện đại luôn phải cân bằng việc nuôi con và kiếm tiền. Hình minh họa.

Phụ nữ không nên dễ dàng chấp nhận bước lùi trong sự nghiệp, quay về chăm sóc gia đình, trong khi điều cần thiết là nhìn nhận sự thiên lệch cán cân bình đẳng giới; vạch ra và bài xích những quan niệm cổ xưa, lỗi thời; chủ động yêu cầu sự chia sẻ, hỗ trợ của chồng, bạn trai, đồng nghiệp, đối tác; vận động hoàn thiện hóa dịch vụ hỗ trợ của xã hội, pháp luật, chế độ chính sách của nhà nước… Từ đó, phụ nữ được bước ra, phát huy khả năng của mình, khẳng định năng lực, tìm kiếm hạnh phúc, thỏa đam mê và đóng góp cho xã hội” - đạo diễn Sharon Rowen chia sẻ. 

Phim tài liệu Balancing the Scales hoàn thành năm 2016, đã được trình chiếu tại một số công ty lớn nhất thế giới, các tập đoàn như Hiệp hội Luật sư quốc gia và các tổ chức phụ nữ quốc gia, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh ABA/Harvard và Hiệp hội nữ luật sư quốc gia.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI