Khi con bạn là fan cuồng, đừng hoảng hốt!

25/10/2019 - 14:00

PNO - Mức ảnh hưởng từ thần tượng khó đoán và tùy thời điểm nhạy cảm của con. Thế nên, một đứa trẻ hôm nay ngoan, hiền lành vụt biến thành ai đó khác thường cũng là điều thường xảy ra và lý giải được.

Khi người nổi tiếng “truyền tấn công”

Tài khoản mang tên Đàm Vĩnh Hưng sẽ bị cơ quan công an điều tra vì đã “truyền tấn công”, trao thưởng 20 triệu đồng cho ai “xử” người đàn ông hành hạ bé trai ở Tiền Giang. Nhóm cả trăm người nghe “hiệu triệu” từ nam ca sĩ này có thể đối mặt với các tội danh: xâm nhập nơi ở bất hợp pháp, xâm phạm thân thể người khác... Điều đáng nói, đây không phải lần đầu Đàm Vĩnh Hưng “truyền tấn công”. Anh từng kêu gọi fan của mình “khâu 2 làm 1” một nữ doanh nhân khi chị này đăng tấm hình Hưng chụp cùng một tội phạm ấu dâm. 

Dùng bạo lực để xử lý bạo lực ngoài việc vi phạm pháp luật, cũng chưa bao giờ được xem là cách có thể đem lại công bằng cho nạn nhân, càng không có lý do gì đáng cổ vũ. Vậy, vì đâu mà đông đảo công chúng lại mất lý trí đến mức nghe lời “hiệu triệu” ấy?

Khi con ban la fan cuong, dung hoang hot!
Ảnh minh hoạ


Sức ảnh hưởng của người nổi tiếng là không thể phủ nhận và họ đã sử dụng hữu ích trong nhiều công việc thiện nguyện, cộng đồng. Gần nhất, một người đẹp ít scandal như Ngô Thanh Vân có lẽ cũng vì khoảnh khắc thiếu suy xét mà kêu gọi người hâm mộ tẩy chay một ca sĩ Mỹ khi cô này mặc áo dài mà không mặc quần. 

Ở mức độ ghê gớm hơn, thầy giáo dạy hóa Vũ Khắc Ngọc ở Hà Nội có tài khoản cá nhân 350.000 follows kêu gọi lực lượng fan hùng hậu của mình report (báo cáo xấu) công cụ đo lường không khí AirVisual. Hậu quả là app này biến mất trên các công cụ điện thoại tại Việt Nam trong lúc tình hình chất lượng không khí đang “nước sôi lửa bỏng”. Tên tuổi Vũ Khắc Ngọc cùng lúc “sáng chói” trên bài viết của các trang thông tấn thế giới (AFP, Reuters, The New York Times) như một hacker phá hoại. 

Các cá nhân đó hành xử không ổn nhưng lực lượng fan của họ sao dễ mù quáng nghe theo? Số fan ấy, đa phần là người trẻ, là con cháu chúng ta, con em hàng xóm. Khi người nổi tiếng “phát động tấn công”, nếu con em ta cầm cờ đi đầu, thì sao nhỉ? 

Cha mẹ từng lo ngại khi Khá Bảnh trở thành thần tượng của rất đông thanh niên nông thôn. Khi một nam diễn viên Hàn Quốc xuất hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất thì con cháu ta kéo ra ngập đường, kẹt xe, thậm chí đập phá la hét khiến buổi biểu diễn ở TP.HCM của tài tử xứ Hàn bất thành. 

Vậy nhưng ở cấp độ đáng lo hơn sự cuồng hâm mộ, con em chúng ta có thể bị sai khiến, bị điều khiển cho các mục đích xấu. Người nổi tiếng khi nắm được tinh thần của fan thì hoàn toàn có thể làm được điều này.

Mới tuần trước, có hai cô bé sinh đôi tìm đến cái chết ở tuổi 16. Một đứa bé khác ở Hà Nội được cho là cũng nhảy lầu tự tử sau khi biết tin thần tượng của mình là nữ diễn viên Hàn Quốc Sulli qua đời. Các bé chấm dứt sự sống theo thần tượng, chứ không hề bị xúi giục. Thật kinh khủng và cũng thật khó tin nếu điều ấy xảy ra với chính con cái chúng ta. Nó hệt khi con trai chị gái tôi, sắp đi du học, nói tiếng Anh làu làu lại biểu diễn trước hội trại của bạn bè quốc tế điệu múa quạt bất hủ của Khá Bảnh và nói rằng đó là người cháu yêu thích nhất, cuộc sống cháu mơ ước nhất là được ngao du tự do. 

Có vô số tình huống liên quan tới thần tượng của bọn trẻ gây hoảng hốt, ám ảnh phụ huynh như thế. Và có thể cha mẹ của các cô bé tự tử vì diễn viên xứ Hàn không thể hiểu nổi vì sao con mình lại bị ám ảnh bởi cái chết của thần tượng đến thế. Nhưng nếu từng quan tâm đến vấn đề này, bạn sẽ không quá ngạc nhiên vì tự tử trong giới trẻ từng là vấn nạn xã hội làm đau đầu nhiều quốc gia văn minh như Nhật, Hàn, Mỹ, Úc. 

Nguyên nhân tự tử của người trẻ khá nhiều, đôi khi chỉ vì một nguyên cớ lãng xẹt. Bị bắt chẹt, bị chê ngoại hình, không thành công trong học tập, chán ghét thầy cô, cha mẹ... bất cứ điều gì cũng có thể khiến đứa trẻ suy nghĩ về mục đích cuộc đời, về hạnh phúc và sự tồn tại. Thế có nghĩa, ngay cả đứa trẻ vui vẻ và tích cực nhất cũng luôn có những phút trầm tư về sự sống, cái chết hay nỗi bất công ở đời, đó là tâm lý bình thường của lứa tuổi.

Nếu may mắn thần tượng của trẻ là người vui vẻ, lạc quan, tích cực, bé sẽ ảnh hưởng theo. Ngược lại, nếu “idol” tiêu cực, đòi tấn công ai đó, đòi hành xử bạo lực, đòi sử dụng chất kích thích, đòi bỏ nhà đi bụi, đòi sống ngang tàng, hay tiêu cực hơn là tìm tới lối thoát tự tử để phản ứng bất công, lập tức con bạn có thể là nạn nhân theo cách này hay cách khác. Và cũng chưa hẳn chú bé năng nổ cầm cờ đi đầu trong cuộc đua theo thần tượng nguy hại hơn cô bé thu lu, im ỉm nơi góc phòng. 

Khi con ban la fan cuong, dung hoang hot!
Ảnh minh hoạ


Lối hẹp vào thế giới của trẻ

Khi cánh cửa phòng riêng của đứa trẻ tuổi teen đóng lại, khi email và thế giới mạng của chúng loại bỏ cha mẹ bên ngoài, ta chỉ có thể nắm bắt tinh thần con mình qua các kênh giao tiếp hằng ngày. Nếu tất cả các kênh đều bị chặn, cha mẹ sẽ hoàn toàn mù mờ về con mình. 

Vậy chúng ta phải làm gì? "Bế quan tỏa cảng”, nhốt con trong phòng, cấm tiệt các phương tiện giao tiếp với mạng internet, cấm tụ tập bạn bè? Đâu dễ dàng để làm điều ấy, khi bọn trẻ bây giờ đầy “mưu mô” lẫn ý thức về quyền cá nhân, quyền tự do để cha mẹ không thể xâm phạm.

Thật ra vẫn có một cách vô cùng đơn giản để ta bắt đầu mọi chuyện. Cách này chẳng mới mẻ, thậm chí có vẻ giáo điều nhưng tôi từng thử với nhiều đứa trẻ và chưa thấy thất bại: hãy nhớ lại mình và bạn bè mình lúc cùng độ tuổi với trẻ.

Nhiều bạn học của tôi từng có một tuổi trẻ máu lửa, vậy mà hình như họ đã quên hết. Họ nói chuyện với con như thể họ chưa từng tương tư một anh diễn viên Hồng Kông, chưa từng phải lòng một anh cầu thủ Ý hay chưa từng khóc cười theo từng giọt nước mắt của những kẻ phá bĩnh như Maradona. 

Thi thoảng xem lại các video ca nhạc của Michael Jackson, tôi thấy người trẻ thế hệ chúng ta cũng khóc, cũng rú réo tới ngất trong các sân vận động khi thần tượng của mình xuất hiện, cất tiếng hát hay cử động cơ thể.

Vậy nếu bạn hay bạn bè cũng từng mất ăn mất ngủ vì thần tượng, hãy xem đứa trẻ trong nhà như một người bạn cùng thời, khác gu, khác thần tượng cụ thể và câu chuyện khởi phát từ suy nghĩ đó, từ sự đồng cảm, vui thú của chính chúng ta thời sôi nổi để tìm tiếng nói chung với trẻ. Khi đã có thể nói chuyện như những người bạn cùng quan điểm, phụ huynh mới có thể từ từ tác động, giúp con chọn lọc những gì tốt đẹp, tích cực của thần tượng (chắc chắn ai cũng có điểm tích cực để bắt chước) và nói không với những tiêu cực, năng lượng xấu từ người đó tỏa ra.

Hãy ngừng lo lắng và hiểu rằng: sống và bắt chước thần tượng, thậm chí bị lôi kéo bởi thần tượng là một phần của tuổi trẻ, rằng chúng ta cũng như “chúng nó”. Qua tuổi đó rồi bọn trẻ sẽ khác. Biết đâu chính nhờ cha mẹ sát cánh bên vui buồn, niềm hâm mộ của trẻ, mà chúng sẽ chuyển sang… thần tượng cha mẹ mình. 

“Hiệu ứng cánh bướm” tự tử theo thần tượng từng được ghi nhận

- Tháng 12/2017, ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc Jonghyun của nhóm SHINee tự tử. Vài ngày sau, có tới 8 người hâm mộ của SHINee chết theo thần tượng.

- Số vụ tự tử tại Mỹ tăng đột biến trong vòng 4 tháng sau khi diễn viên hài Robin Williams tự tử năm 2014, tương đương với 1.841 cái chết được ghi nhận. 

- Diễn viên phim Bản tình ca mùa đông của Hàn Quốc Park Yong Ha treo cổ tự tử bằng dây cáp điện thoại gây ám ảnh và dẫn tới 2 vụ tự sát của fan nữ Hàn Quốc. 

- Có khoảng 12 vụ tự tử diễn ra sau cái chết của ông vua nhạc pop Michael Jackson. Đại diện truyền thông của Michael Jackson phải đứng ra kêu gọi fan chấm dứt tình trạng này.

- Một phụ nữ 26 tuổi đã tự tử trước mặt con sau đau buồn vì nữ diễn viên Pratyusha Banerjee của phim Cô dâu 8 tuổi tự treo cổ.

- Nhiều người hâm mộ Kurt Cobain đã đồng loạt đòi đi theo ngôi sao này sau cái chết do tự bắn vào miệng của anh, tạo nên làn sóng chết chóc đáng sợ.

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI