Hạnh phúc trong 'căn chòi mồ côi'

27/11/2017 - 16:27

PNO - K’Niệm không phải là đứa trẻ duy nhất gọi chị là mẹ. Trước cậu, còn có tám đứa trẻ mồ côi khác nữa. Mọi chuyện bắt đầu từ khi chị K’Hiếu tròn 17 tuổi.

Sau một lúc chật vật, người đàn bà thấp bé cũng xỏ được cái quần vào ống chân thằng bé to gấp đôi mình. Chị quay sang tôi, thở dốc: “Mặc có cái quần thôi mà mệt bở hơi tai, cô ạ”.

Hanh phuc trong 'can choi mo coi'
Mẹ K’Hiếu bên con trai út K’Niệm

Chị là K’Hiếu, người dân tộc K’Ho, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đinh Văn, khu kinh tế mới Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Thằng bé tên K’Niệm, được chị mang về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn. Vừa qua thôi nôi, chị nhận thấy con có nhiều dấu hiệu bất thường, được bác sĩ chẩn đoán là chứng động kinh. Sau 16 năm ôm con chạy chữa đến khánh kiệt, chị đành thuận theo số phận.

K’Niệm không phải là đứa trẻ duy nhất gọi chị là mẹ. Trước cậu, còn có tám đứa trẻ mồ côi khác nữa. Mọi chuyện bắt đầu từ khi chị K’Hiếu tròn 17 tuổi: chồng mất, con trai duy nhất cũng qua đời, chị quyết định nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên. Sống thui thủi trong căn chòi xập xệ, mẹ con chị đi qua những khó khăn của cuộc sống một cách điềm nhiên.

Rồi K’Len, K’Lẽ, K’Nhĩu và những đứa trẻ khác theo duyên tìm về căn chòi ấy, xin được ở cùng chị. Như hồi năm 2001, một thanh niên khiếm thị đến trước sân, chắp tay: “Dì cho con ở với dì, chết thì dì chôn, sống thì con nhờ”.

Không nỡ chối từ, chị ra vườn bắt ổ gà mới nở, chặt thêm ba buồng chuối, đem bán được 50.000 đồng, đủ để mua đồ dùng cá nhân và đóng giường cho thành viên mới. Căn chòi đông dần lên, tất thảy đều gọi chị là mẹ.

Nhắc lại quãng đời vất vả khi phải chăm từng ấy đứa trẻ, chị không ngừng nói đến hạnh phúc khi được làm mẹ của chúng và nhìn chúng lớn lên. Trong hành trình của mình, may mắn là chị không đơn độc. Một thanh niên tên K’Déo đã đem lòng thương mến chị, chấp nhận quá khứ “gãy gánh” của chị để trở thành người bạn đồng hành. “Em cứ nhận các con về nuôi, anh lo được hết” không chỉ là một câu nói, mà còn là một bảo chứng cho tình yêu chân thành của anh.

Có thêm người san sẻ, chị chấp nhận cơ cực, quần quật cả ngày, để các con được đến trường. “Phải có cái chữ mới có tương lai”, chị luôn nhắc các con điều đó. Trong lúc con cái các gia đình nghèo đông con thường chịu cảnh mù chữ, con của chị có đứa đã học đến lớp 12 và thấp nhất là lớp Sáu. Hiện năm trong số chín người con chị nhận nuôi đã lập gia đình, chị lại có thêm niềm vui từ tám đứa cháu nội ngoại.

Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã nhiều lần được Thủ tướng trao bằng khen trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, liên tục có mặt trong danh sách gương mặt tiêu biểu của “Đại hội thi đua yêu nước”. Vừa trở về từ Hà Nội, sau dịp nhận giải thưởng Kovalevskaya tôn vinh các cá nhân tiêu biểu, chị lại tất tả bắt tay vào vụ mùa mới.

Ra khỏi nhà từ sáng sớm, và trở về khi trời đã chạng vạng, chị cất vội cây cuốc, đun vội nồi cháo rồi lôi thằng út ra sân tắm gội, trước khi mâm cơm chiều được dọn lên. Bữa tối trong căn chòi nhỏ sẽ lại bắt đầu bằng những xôn xao, có chút gắt gỏng, có tiếng thở dài, nhưng ngập tràn hạnh phúc. 

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI