Giúp con 'nhặt' rắc rối trên đoạn đường trưởng thành

10/11/2018 - 19:18

PNO - Làm cha mẹ, tôi nghĩ, giải tỏa ưu phiền cho con, không phải đợi đến khi con gặp rắc rối mới giúp, mà phải trang bị kiến thức để con đối mặt rắc rối.

Con gái đi học về, lòng buồn rười rượi, tôi biết rằng con đang gặp rắc rối. Chồng trấn an tôi “đừng quá lo lắng, đoạn đường trưởng thành, dĩ nhiên con phải đối diện khó khăn. Dù con mới chỉ học lớp ba, nhưng không phải vì tuổi còn nhỏ mà con không gặp rắc rối. Có thể hôm nay con bị điểm kém, bị bạn bắt nạt, bị chê bai điều gì chẳng hạn. Mình sẽ từ từ tìm hiểu, giúp con giải quyết mọi chuyện suôn sẻ”. Nghe thế, tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn.

Đúng như dự đoán, con bảo rằng, hôm nay con chỉ được điểm 7 môn toán, con sợ ba mẹ thất vọng về con, nên con tỏ ra lo lắng. Dĩ nhiên, tôi vẫn thích con đạt điểm cao, nhưng khi chứng kiến con thất vọng bản thân, mọi kỳ vọng trong tôi vụt tắt, thay vào đó là nỗi xót thương, và cả chút ân hận là đã để con cảm nhận được sự kỳ vọng của tôi. Điều đó gây áp lực cho con.

Giup con 'nhat' rac roi tren doan duong truong thanh
Con buồn vì sợ ba mẹ thất vọng chuyện điểm số. (Ảnh minh họa)

Tôi ôm con vào lòng “Hôm nay con được điểm 7, ngày mai con được điểm 10. Con đã làm hết sức mình, thì hãy cứ vui lên. Quan trọng con nhận ra bài toán sai chỗ nào, để sau này rút kinh nghiệm là được”. Chỉ cần có thế, con gái như được giải tỏa mọi ưu phiền. Con nhoẻn miệng cười, đôi mắt trong veo.

Từ nỗi buồn của con hôm ấy, tôi mới nhận ra rằng, con còn phải đối diện với biết bao rắc rối khác. Con gái, chỉ cần ai chê bai ngoại hình, là cảm thấy thiếu tự tin. Hay khi tự nhận thấy mình giao tiếp kém, cũng lo lắng.

Làm cha mẹ, tôi nghĩ, giải tỏa ưu phiền cho con, không phải đợi đến khi con gặp rắc rối mới giúp, mà phải trang bị kiến thức để con đối mặt rắc rối.

Trang bị kiến thức bằng cách đưa ra những tình huống để con tự giải quyết, rồi sau đó giúp con đúc kết lại vấn đề sao cho tích cực, để con thấy rằng, mọi tình huống rắc rối đều có cách giải quyết.

Ví dụ như, khi vào tuổi dậy thì, con sẽ cảm nhận sự thay đổi của cơ thể, khi ấy con sẽ hoang mang nhưng không dám chia sẻ với mẹ. Làm cha mẹ, tôi phải cung cấp kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì cho con, về kinh nguyệt, để con biết rằng đó là sự thay đổi tất yếu của cơ thể, không có gì khiến con phải lo lắng cả.

Hay, trong khi con tự ti về cái mũi tẹt của mình, thì tôi lại cho rằng, tôi yêu nhất cái mũi ấy, dù không hoàn hảo, nhưng nó thuộc về con, của riêng con, hài hòa với các đường nét trên gương mặt con.

Giup con 'nhat' rac roi tren doan duong truong thanh
Làm cha mẹ, phải biết giải tỏa ưu phiền cho con. (Ảnh minh họa)

Con gái tôi khá nhút nhát, kém tự tin khi giao tiếp. Tôi hiểu rằng, nếu có được mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp, sẽ giúp con tự tin, phát triển tâm sinh lý ổn định. Ngược lại, nếu con không có mối quan hệ tốt với bạn bè (tuổi của con chủ yếu quan hệ giao tiếp với bạn bè), con sẽ khó có một tuổi thơ đáng nhớ, và một thói quen bất lợi khi trưởng thành.

Vì thế, bất kỳ một hoạt động nào ở lớp, ở trường, tôi đều khuyến khích con tham gia; tôi cũng động viên con chịu khó “mở miệng”, để nói lên những tâm sự của mình, chia sẻ những vui buồn cùng bạn bè, từ đó tăng thêm sự giao lưu về tư tưởng và tình cảm, tạo sự tin cậy lẫn nhau.

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI