Gánh nặng trên vai mình

11/09/2017 - 13:30

PNO - Ngồi trong quán nhìn ra, thấy người yêu cũ choàng vai một mái tóc thề, tôi điềm nhiên ăn hết ly kem và gọi thêm một ly nữa.

Nỗi nhớ nhung khuất lấp dưới những hào nhoáng giờ đây hiện ra trần trụi và đầy quyền lực, cho tôi nhận ra mình cũng bình thường như mọi đứa con gái, có những khi muốn gục vào lòng ai đó để tỉ tê. 

Ganh nang tren vai minh
 

Tôi là con riêng của mẹ, chị là con riêng của dượng. Sống cùng một nhà được gần ba năm thì mẹ và dượng đường ai nấy đi. Khi đó chị lên lớp mười, tôi lớp tám. 

Ba năm đối với bọn trẻ chúng tôi hồi đó, không biết nên nói là ngắn hay dài. Chỉ nhớ là tôi và chị đã cùng bước qua những bỡ ngỡ ban đầu, cả nỗi tủi thân, tới khi biết thương nhau thì cũng là lúc chia tay.

Chị thì thào: “Mặc kệ người lớn, tụi mình vẫn rủ nhau đi ăn kem nha”. Chị thường thập thò đạp xe ngang nhà, đụng mắt mẹ nhìn ra, chị chạy như ma đuổi. Rồi chị cũng chở tôi đi ăn kem được mấy lần, cho tới khi tôi về quê ở với ngoại.

Mẹ lấy chồng Việt kiều, người đó bảo lãnh mẹ đi. Ngày tiễn đưa ra sân bay, mẹ cầm tay tôi nói: “Thủ tục bảo lãnh nhiêu khê lắm. Mẹ đi trước, một hai năm nữa mẹ về đón con". 

Khi đó tôi 15 tuổi. Buồn vui lẫn lộn. Buồn vì lần này mẹ đi quá xa, và vui với niềm hy vọng ngày nào đó mình sẽ được sống và học tập ở một xứ sở tươi đẹp hơn. Niềm vui dần lấn át nỗi buồn khiến tôi sống khá vô tư, cộng thêm những món quà hào nhoáng mẹ gửi về.

Ganh nang tren vai minh
 

Đi học phải mặc đồng phục thì đã đành, ngoài ra thì tôi đắp lên người những bộ áo quần hàng hiệu, ba lô hàng hiệu, giày dép hàng hiệu… cho tới khi mẹ gửi quà là thỏi son môi và hộp phấn hồng. Thỏi son và hộp phấn nhắc tôi nhớ mình đã 18 và lời mẹ hứa một hai năm đã trôi qua lâu rồi.

Bà ngoại thở dài: “Đâu phải cứ muốn là được”, rồi ngoại thêm: “Ở đây mà cháu sung sướng đầy đủ kém gì ai đâu”. Tôi hiểu là thôi đừng chờ mong nữa và cũng đừng làm khó bằng những câu hỏi mà mẹ không thể trả lời.

Nỗi buồn cũng qua nhanh vì tôi đã quen sống không có mẹ bên cạnh. Đời sinh viên nhiều hoạt động sôi nổi cũng cuốn tôi ra khỏi những tự vấn buồn rầu. Có mấy đứa bạn còn nói ước được như tôi, có mẹ hào phóng chu cấp tiền bạc mà không bị mẹ quản lý! Tôi nghe cũng xuôi tai, nhất là những sinh nhật hay tiệc tùng gì đó, không khí đang hào hứng mà đứa này điện thoại reo đứa kia cũng điện thoại reo, là phụ huynh nhắc đã tới giờ phải về. 

Vậy là, từ khi rời nhà ngoại về thành phố trọ học, tôi tự do như gió trời. Yêu, rồi chia tay. Và lại yêu, rồi chia tay. Ngồi trong quán nhìn ra, thấy người yêu cũ choàng vai một mái tóc thề, tôi điềm nhiên ăn hết ly kem và gọi thêm một ly nữa.

Tôi không như đứa bạn cùng phòng bỏ cơm ba ngày chỉ vì đọc lại mấy cái email ngày cũ. Bạn bè nói tôi có trái tim gỗ đá, còn tôi thì tự nhủ có lẽ vì từ khi còn nhỏ tôi đã thấm đẫm nỗi chia lìa. Đó là một kinh nghiệm chẳng hay ho gì, nhưng nó giúp tôi cứng cỏi.

Ganh nang tren vai minh
 

Cho tới cú va đụng trên hành lang thư viện hôm đó, gã cận thị khiến cuốn sách trên tay tôi rơi xuống nền và cặp kính cận của gã văng tròng một nơi gọng một nẻo. Tôi thầm nghĩ, cách làm quen này sao mà xưa cũ quá và tôi vui vui chờ đợi bước tiếp theo. Nhưng không. Chỉ là một cú va đụng giữa hai kẻ ngược chiều thôi. 

Qua kỳ thi, tôi không đến thư viện nữa, đó là nơi dành cho gã mọt sách chăm ngoan mà tôi thì không mọt sách cũng chẳng ngoan. Mãi mãi ngược chiều. Tôi trở về nơi chốn của mình là quán xá và những tiệc tùng, nhưng sao mọi thứ bỗng trở nên trống rỗng? Lần đầu tiên, nghe hồi chuông điện thoại phụ huynh gọi con về mà tôi không cười mũi, tôi mơ hồ mong mỏi cũng có người quan tâm nhắc mình đã tới giờ về.

Tôi đâm ra hay nghĩ tới mẹ và nhớ mẹ. Nỗi nhớ nhung bấy lâu khuất lấp dưới những hào nhoáng giờ đây hiện ra trần trụi và đầy quyền lực, cho tôi nhận ra mình cũng bình thường như mọi đứa con gái trên đời này, có những khi muốn gục vào lòng ai đó để tỉ tê và mặc cho nước mắt tuôn chảy. 

Có lẽ vì vậy nên khi gặp lại chị tôi vui ghê lắm, khoảng cách bao tháng năm chia xa tan biến rất nhanh, chị kéo tôi tới quán kem ngày nào. Ngậm từng muỗng kem mát lạnh mà nhắc chuyện xưa và kể chuyện nay. Em ở trọ ăn cơm hàng cháo chợ à? Trời, hoài vậy sao được.

Vợ chồng chị mới mua căn hộ chung cư có ba phòng, đang còn phòng trống, hay là em dọn về ở với anh chị. Chị đi làm nên ăn cơm trưa văn phòng, nhưng bữa chiều thì chắc chắn cơm nhà, chị vẫn nhớ em thích ăn cá kho ngót và canh chua lá giang, đi siêu thị thỉnh thoảng chị cũng thấy có bán lá giang… 

Tôi hình dung bữa cơm có chị gắp thức ăn vô chén của tôi, và hình dung xa hơn nữa, có chị nhăn mặt rầy la khi tôi về trễ...

Bảo vệ chung cư là một ông già xởi lởi và tò mò. “Nói là chị em ruột mà sao chứng minh thư khác họ?”, ông hỏi với một cái nháy mắt ra chừng quá hiểu, rồi ông hạ giọng:  “Bác cũng có đứa con sống với má nó, chưa hiểu chuyện đời nên nó giận bác lắm. Mỗi khi bác điện thoại là nó trả lời cộc lốc”. Câu nói cùng nụ cười buồn khiến tôi chợt nhớ ra lâu rồi tôi chỉ thăm hỏi mẹ một cách rất công thức: “Mẹ, dượng và các em khỏe không?” .

Ngày ngày khi tôi đi ngang qua phòng bảo vệ, không nói gì thì ông cũng tặng tôi một nụ cười khích lệ chừng như vu vơ mà khiến tôi muốn mình khác đi. 

Cuộc nói chuyện với mẹ kéo dài hơn vì những câu hỏi lần đầu của tôi: “Hôm nay mẹ mặc áo màu gì? Chiều nay mẹ nấu món Việt hay bánh mì? Chủ nhật vừa rồi mẹ và dượng có đưa các em đi chơi đâu không?”.  Tôi còn nói thêm rằng tôi muốn tặng quà các em cho vui, nhưng bên đó đầy đủ quá, thứ gì cũng có nên nghĩ hoài chẳng biết tặng gì cho lạ, mẹ hỏi các em thích gì giùm với...

Lạ lùng, chỉ là tôi muốn mẹ được vui thôi, mà sau mỗi cuộc điện thoại như thế, tôi cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mới hay, nuôi giữ oán trách là chính mình đặt gánh nặng lên vai mình. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI