Đừng tạo áp lực cho con, học để sống chứ đâu phải để... chết!

21/09/2017 - 14:00

PNO - Trong khi mọi người tính toán gần xa cho con đi du học hay thi trường này trường nọ, chị chỉ muốn bé lớn lên có thể làm việc mình thích như học làm bánh chẳng hạn.

Những ngày gần đây, thông tin về một học sinh lớp 9 (tại TP.HCM) đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất và tử vong. Nguyên nhân chỉ vì em bị điểm 3 môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm. Chuyện này khiến em bị trầm cảm kéo dài, mặc dù gia đình đã tận tình chăm sóc nhưng cũng không cản được em tìm đến kết cục đau lòng. 

Sự việc trên một lần nữa tạo nên làn sóng dư luận trái chiều trên mạng xã hội giữa các bậc làm làm mẹ. Có người cho rằng do em học sinh đó bị áp lực điểm số, có người lại bảo do kĩ năng sống chưa đầy đủ nhưng chung quy lại mọi người đều đặt giả thiết “giá như”. Tôi không tranh cãi nguyên nhân dẫn đến hành động của em học sinh trên.

Dung tao ap luc cho con, hoc de song chu dau phai de... chet!
Đừng tạo áp lực cho trẻ trong việc học

Có thể mọi chuyện sẽ khác nếu em sinh ra ở một nơi không phải thấy những cuộc đua tranh quyết liệt từ mầm non đến đại học. Thực tình mà nói, dẫn đến điều này, trẻ con không có lỗi mà phần lớn trách nhiệm thuộc về cha mẹ. Chính những ông bố, bà mẹ kỳ vọng quá nhiều về con đã vô tình đặt lên vai chúng một áp lực vô hình.

Tôi đã rất nể chị làm cùng cơ quan khi tự tin đặt lên bàn chủ tịch công đoàn tấm giấy khen học sinh tiên tiến của con gái trong vô số giấy khen học sinh giỏi, tặng thưởng giải này giải kia của con đồng nghiệp. Khi được hỏi: “chỉ có thế thôi hả?”, chị cười: “vâng, chỉ có thế thôi”.

Chị thường đứng ngoài các cuộc tranh luận về hình thức giáo dục, thành tích học tập con cái của chị em trong phòng. Con gái chị năm nay học lớp 8, cao lớn phổng phao, hòa đồng vui vẻ và mắt vẫn đạt chuẩn 10/10.

Trong các cuộc vui được tổ chức cho con em trong cơ quan, bé luôn tỏ ra thông minh, trả lời được hầu hết các câu hỏi đố vui. Bé rất tinh tế và lễ phép, biết chào hỏi mọi người, nhường ghế cho em nhỏ, biết khép cửa ở phòng mở điều hòa, biết phụ giúp thu dọn bàn ghế sau buổi lễ.

Dung tao ap luc cho con, hoc de song chu dau phai de... chet!
 

Mọi người thắc mắc tại sao, một đứa trẻ nhanh nhẹn như thế mà năm nào bé cũng chỉ đạt tiên tiến chứ không được học sinh giỏi. Chị nhẹ nhàng trả lời: “vì nó không hoàn hảo, nhìn thế thôi chứ làm toán hay nhầm lẫn”. Tôi biết chị khiêm tốn nhưng cái cách chị nhìn vấn đề “kém cỏi” của con thoải mái như thế đã là điều lạ.

Khác với nhiều bà mẹ, luôn tìm cách giấu nhẹm mặt yếu kém của con, chỉ khoe những mặt tốt đẹp. Chị kể, lần đầu tiên, con gái bị điểm 4 môn toán, chị đã dẫn con đi ăn kem. Bé ngạc nhiên khi mẹ không la mắng còn động viên “ai cũng có lúc sơ suất cả, một phép tính nhầm chẳng ảnh hưởng gì cả”.

Bởi trước đây, dân chuyên Văn như chị đã rất khó khăn để trải qua những bài kiểm tra về toán. “Mình không giỏi thì làm sao ép con giỏi được”, chị giải thích. Về sau, khi làm nghề viết lách, chị nhận ra một người đều có một sở trường riêng, dốt toán chẳng ảnh hưởng đến chuyện viết văn hay cả.

Chính vì mẹ như thế nên con chị học rất thoải mái, không phải chạy đôn chạy đáo học thêm để đua tranh danh hiệu này nọ. Thời gian rảnh chị dạy con nấu cơm, làm việc nhà, đọc các sách dạy kĩ năng sống, đưa con đi làm từ thiện. Chị bảo, mình làm như thế không phải xem thường việc học ở trường của con mà muốn giảm áp lực học hành.

Dung tao ap luc cho con, hoc de song chu dau phai de... chet!
Phát huy sở trường của trẻ. Ảnh minh họa

Chị xem nỗ lực đạt điểm 10 môn toán cũng gần giống như việc cố gắng làm một ổ bánh sinh nhật thật đẹp vậy, chỉ khác là thuộc về hai lĩnh vực khác nhau. Con chị tính toán chậm không thể ép nó học toán mà ngược lại, bé lại khéo tay, chị có thể dạy con làm bánh sinh nhật.

Đó cũng là cách phát huy sở trường của bản thân. Quan trọng hơn, chị chẳng bao giờ đem con ra so sánh với bất kì ai. Bạn bè đến chơi, chị khen con biết làm bánh ngon chứ không đề cập đến chuyện con tính toán chậm. Theo chị, khen con đúng cách cũng là biện pháp giáo dục tốt giúp con tự tin hơn.

Trong khi mọi người tính toán gần xa cho con đi du học hay thi trường này trường nọ, chị chỉ muốn bé lớn lên có thể làm việc mình thích như học làm bánh chẳng hạn. Để rút được bài học dạy con như vậy, chị đã phải trải qua một biến cố lớn nhất trong cuộc đời. Cậu em của chị đã trở nên ngớ ngẩn sau một tự tử không thành công.

Năm học lớp 6, em chị học giỏi  đều nhưng không có năng khiếu về hội họa. Nó đã thất hồn bạt vía khi cô dạy mĩ thuật dọa nạt: nếu vẽ không đạt điểm 10 sẽ ở lại lớp.

Lời nói cô trở thành một áp lực kinh khủng đối với một đứa không biết vẽ như em chị trong khi ba mẹ suốt ngày chỉ có một câu: “con phải học thật giỏi”. Thật vô lý, khi bắt một đứa trẻ phải giỏi một thứ mà nó không có khả năng, học để sống chứ không phải để chết.

Dung tao ap luc cho con, hoc de song chu dau phai de... chet!
Học để sống chứ không phải học để chết

Có thể con chị sẽ không được đánh giá thành đạt như “con nhà người ta” nhưng tôi chắc chắn, cô bé đã có một cuộc sống được nhiều bạn bè thèm muốn. Bởi còn gì hơn khi được sống thật với khả năng của chính mình, không phải gồng mình để trở thành một hình mẫu mơ ước nào đó của ba mẹ.  

Hà Lam

                                                                                                        

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI