Đừng để con mình... mãi mãi tuổi 13

05/11/2017 - 13:30

PNO - Tôi đọc “Marion - mãi mãi tuổi 13” trong nước mắt, ôm ngực trái của mình, tôi tức tưởi vì thương cô bé ấy.

Marion, 13 tuổi, học sinh lớp Tám tại một trường trung học ở Pháp, cô bé trạc tuổi con gái tôi. Marion treo cổ tự vẫn bằng một cái khăn quàng và giá treo áo măng-tô bởi một vấn nạn cũ, rất cũ, mà có thể con cái chúng ta cũng đang hằng ngày nếm trải - nạn bạo lực học đường.

Dung de con minh... mai mai tuoi 13
 

Bạo lực học đường - tảng băng chìm, nổi

Hiểu thế nào cho đúng về bạo lực học đường (BLHĐ)? Chúng ta, thỉnh thoảng được nghe về chuyện học sinh đánh nhau ở trường học, rồi xem đấy là bạo lực học đường. Nhưng đôi khi ta thờ ơ vì nghĩ chuyện xảy ra ở tận đâu, chứ không xảy ra với con cái mình. Thực ra, con bị đánh, tẩy chay, bị cô lập, bị nói xấu… đều có bóng dáng của BLHĐ.

Số liệu được Wikipedia Việt Nam cung cấp hẳn sẽ khiến chúng ta hoang mang vô cùng về những chữ BLHĐ lạnh lùng kia: “Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì một trường có học sinh đánh nhau...”. Thực tế, đôi khi con số lớn hơn thống kê rất nhiều, vì như cô bé Marion kia, đã một mình âm thầm chịu đựng. 

Hơn lúc nào, sức mạnh cùng nhau của những đứa trẻ bắt nạt đã vây hãm đứa trẻ bị bắt nạn. Chúng dồn em vào chân tường, đi vào phòng ngủ, lên mạng xã hội. Chúng tấn công những đứa trẻ yếu ớt ấy từ mọi hướng.

Những đứa bé kia, dù bị sỉ nhục vẫn im lặng, bị lạm dụng vẫn im lặng, bị tấn công vẫn im lặng. Như cô bé Marion ngoan ngoãn, lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, không một chút bất an về tâm lý, lại im lặng lên Google, gõ dòng chữ “làm sao để tự tử?”. Marion chọn cách ra đi, mà mẹ em diễn tả “cuộc sống không có con, bố mẹ và các em đã nhận án chung thân rồi”…

Để không còn những câu chuyện thương tâm

Marion bé bỏng, tuổi 13, ăn chưa no, lo chưa tới, tuổi mà con gái tôi còn đòi ngủ với mẹ. Ở tuổi ấy, mỗi tháng em nhận được 3.000 tin nhắn, lăng nhục, đe dọa, chửi rủa, nếu rơi vào cảnh ấy, người lớn chúng ta phải làm gì? Cô bé ấy, mỗi ngày đi học là những lần đối mặt với đám bạn luôn cười cợt, đánh đập, vén váy em mà không có sự can thiệp nào của giáo viên hay một người lớn nào khác.

Dung de con minh... mai mai tuoi 13
 

Chúng ta đã ở đâu trong hành trình chịu đựng đơn độc của con mình, của cô bé ấy? Sự chịu đựng ấy cho đến một ngày vượt ngưỡng chịu đựng của em, không dám nói với bố mẹ, em tự giải quyết một mình, để suốt những ngày còn lại của cuộc đời này, mẹ em sống trong ân hận tột đỉnh. Làm sao để câu chuyện này đừng bao giờ xảy ra?

Chúng ta vẫn luôn tự hỏi mình, làm sao để những đứa trẻ không trở thành nạn nhân của BLHĐ như Marion. Với đứa trẻ của mình, xin bạn hãy dạy con tình yêu thương, biết yêu thương bản thân, tự tin vào chính mình và biết chia sẻ với người lớn khi cần thiết. Chỉ những đứa trẻ biết thương lấy chính mình, sẽ tin mình khác biệt chứ không phải bị cô lập, mình ít tụ tập chứ không phải bị tẩy chay.

Yêu thương mình thật nhiều, con trẻ sẽ biết cách yêu thương người khác. Chỉ có tình yêu thương, những ân cần dịu dàng mới mong con sẵn lòng chia sẻ cùng ta những ấm ức hằng ngày chúng gặp phải. Và mong rằng chúng ta luôn mở lòng để lắng nghe con.

Tôi chưa nhẹ lòng khi đọc xong cuốn sách. Chỉ tin rằng nơi nào đó, Marion bé bỏng bình an. Chỉ mong rằng mọi nơi trên quả đất này, mỗi ngày đến trường với trẻ là một ngày vui. Không đứa trẻ nào phải tìm đến khăn quàng và móc treo áo măng-tô. Không đứa trẻ nào chọn việc bắt nạt bạn làm niềm kiêu hãnh cho mình. Không nhà trường nào lẩn tránh những nỗi đau của trẻ, như trường của Marion.

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI