Đưa mẹ đi phố lồng đèn

21/09/2018 - 14:00

PNO - Ai biết được mình còn đi chơi với mẹ bao nhiêu chuyến, còn phá cỗ, chơi đèn, nài ép mẹ ăn múi sầu riêng được bao mùa. Ai biết ngày nào như câu hát: “Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời"...

Chị đồng nghiệp của tôi đang sống cùng người mẹ già. Tối Chủ nhật tuần trước, đưa con đi phố lồng đèn, tôi gặp chị tay trong tay, không phải dắt con, mà dắt mẹ.

Bà cụ cười tít mắt, vẫn reo lên trước màu đỏ màu xanh, trước nến hồng nến tím. “Cái hoa này của Khánh. Ông sao kia của mẹ...”. Bao nỗi mệt nhọc, bao ngày rối ren bỗng trôi đâu mất hút. 

Dua me di pho long den
Tôi cảm phục những ai nghĩ tới việc đưa mẹ đi phố lồng đèn như chị Khánh.

Con gái nhỏ của tôi mùa này đi nhà sách, việc đầu tiên là kéo tay mẹ chạy thẳng về phía cái lồng đèn hình công chúa thì thầm: “Mẹ, con mê cái lồng đèn này lắm” trong khi đứa con lớn đã thờ ơ với phố lồng đèn. Vậy mà mẹ vẫn kèo nài: “Đi đi con, nhìn trăng đi con, ăn bánh đi con...” như một nỗ lực níu lại cho con những mùa Trung thu sắp qua mà quên rằng cũng có những mùa Trung thu sắp mất.

Ai biết được mình còn đi chơi với mẹ được bao nhiêu chuyến, còn phá cỗ, còn chơi đèn, còn nài ép mẹ ăn múi sầu riêng được bao mùa nữa. Ai biết ngày nào mẹ cha sẽ chơi trò chơi “lên trời” như câu hát: “Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ phải lên trời” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn. 

Tôi nhớ như in lần T. tâm sự, khi nghỉ làm, trong thời gian chờ việc mới, anh sẽ sắp xếp đưa bố đi đâu vài ba ngày, chỉ hai bố con với nhau. Nhưng rồi bố yếu, bắt đầu quên trước quên sau, đi đâu một chút thôi, cụ nằng nặc đòi về.

Cuối cùng, anh chỉ có thể chở cụ đi một quãng ngắn. Ông cụ 84 tuổi ngồi trên xe nói bâng quơ: “Mình ra sông đi con”. Ông không còn nhớ nổi tên con sông nào. Chỉ nhớ sông. Không biết trong mớ ký ức ít ỏi còn lại, có niềm hạnh phúc hay một đoạn đời nào ông gắn với sông...

Dua me di pho long den
Biết ngày nào còn có thể cõng mẹ đi chơi... Hình minh họa


Tôi đã đi qua nhiều ngôi nhà. Tôi đã thấy nhiều cụ già ngồi phía trước, nhìn mãi một nơi vô định nào đó. Hình ảnh những người già ngồi nhìn mãi một phương trời vô định nào đó luôn khiến tôi cảm thấy nặng nề.

Ai đó nói, mỗi người già là một đứa trẻ - về tính tình, về sự vòi vĩnh, nhõng nhẽo, khó chiều, cần được quan tâm. Thật ra, người già khác đứa trẻ nhiều điều. Nhìn một đứa trẻ, ta thấy được tương lai.

Như cái cây một ngày sẽ ra hoa kết trái. Nhìn một người già, ta chỉ thấy điều thật buồn ở phía trước và nhìn thấy tương lai của chính mình. Có phải đó là lý do thực sự người ta tránh đương đầu với tuổi già chứ không hẳn là bận rộn, mệt mỏi, hay chán nản...

Tôi nhớ có một cuối tuần bận rộn không đi thăm bố. Tối gần đi ngủ thấy có một số điện thoại lạ, giọng bên kia buồn tủi: “Chừng nào mày ghé chơi với bố?”. Chắc bố đã chờ cả ngày hay nhiều ngày, tới mức phải nhờ ai đó gọi điện thoại cho con.

Mà có riêng gì bố, chị đồng nghiệp than khổ: “Tối đi ngủ, chỉ cần chị cựa mình là mẹ đã quờ tay sang hỏi: “Khánh đi đâu?”. Chị ra khỏi nhà đã thấy mẹ đứng trước cửa: “Bao giờ Khánh về. Mẹ chờ Khánh về ăn trưa nhé!”... Cảm giác y như câu hát: “Chiều chiều ra ngõ ôm chân mẹ về”. Riết rồi không biết ai là mẹ, ai là con. Vừa bực vừa thương. 

Dua me di pho long den
Tuổi già từ khi nào được mặc định là hình ảnh ngồi chờ con ở cửa? Hình minh họa

Mà quả tình nước mắt chảy xuôi, bao nhiêu người như tôi, có cái gì ngon, cái gì đẹp, cái gì hay, việc đầu tiên là nhớ đến bọn trẻ ở nhà. Những lúc nên xem người già như đứa trẻ thì mình quên. Lúc ốm đau, bệnh tật, u buồn mình cũng quên, cứ khăng khăng đòi “người già trẻ con” kia phải mạnh mẽ, vững vàng, phải tiếp tục làm chỗ dựa cho mình...

Chưa kể, từ lúc nào cái tình mình đối với người già chỉ là miếng ăn, giấc ngủ, viên thuốc. Cung đường mình đi với họ chỉ là từ nhà đến bệnh viện. Bao người nhớ ra, cha mẹ mình cũng cần bè bạn, cũng cần đi chơi, cũng cần một ánh trăng, một chiếc đèn lồng, một giờ đọc sách cho nghe. Để được cười tít mắt như trẻ nhỏ, để được hít hà, được ồ à trước những điều quen lạ nhỏ nhoi về mặt tinh thần.

Cũng may mà những “người già trẻ con” có phẩm tính của một đứa trẻ nên luôn luôn bao dung, sẵn sàng tha thứ. Vẫn văng vẳng đâu đó bài hát Cõng mẹ đi chơi: “Mẹ và con đi chơi thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn, quên nỗi giày vò tâm can. Mẹ và con đi chơi, đi qua bờ suối, con suối chảy dài...”.

Dua me di pho long den
Chị Khánh đưa mẹ đi phố lồng đèn, tận hưởng những mùa trăng bên mẹ.

Những đứa trẻ quen được nhận giờ phải cần không ít thời gian để học cách cho đi. Không phải chỉ là trách nhiệm, tình thân mà còn cả lòng thấu cảm. Từ những đứa trẻ của chính mình, ta học cách cho đi. Chỉ như thế mới đủ bao dung nắm tay mẹ dẫn đi chơi vào những buổi chiều bên kia con dốc cuộc đời.

 Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI