Đứa con tinh quái liên tục tấn công nỗi sợ của mẹ

14/08/2019 - 05:30

PNO - Hầu hết những rắc rối trong cuộc đời đều xuất phát từ hai điều sâu thẳm, đó là nỗi sợ và ham muốn. Nếu không nhận ra nguyên nhân sâu xa này để tìm cách thay đổi, thì rắc rối sẽ hành hạ ta liên miên.

Xin kể một câu chuyện điển hình, có thể xảy ra trong bất cứ gia đình nào, và gây nên những tổn thương, khổ sở kéo dài, lặp đi lặp lại.

Hôm ấy,  trong một cuộc hội thảo về sản xuất bền vững, tôi gặp lại Phú sau chừng gần năm trời không có dịp xáp mặt. Tôi khá ngạc nhiên thấy Phú già xọm hẳn, dù vẫn son phấn rực rỡ nhưng không thể che giấu ánh mắt mệt mỏi, những nếp nhăn dẻ quạt đuôi mắt, vẻ bạc nhược toát lên từ ánh nhìn.

Ngay khi tôi chạm đến Phú bằng câu hỏi ân cần, rằng dạo này cô ngủ có ngon không, thì cô lập tức xổ ra một tràng những than vãn. Cả năm nay, cô mất ăn mất ngủ vì đứa con gái đầu lòng. Cô đã gần như bó tay không biết phải giải quyết bằng cách nào. Cô đã nghĩ bạc tóc các phương pháp, nhưng không hiệu quả. Đến nỗi, Phú bị ám ảnh đến mất ngủ, và cô bắt đầu tin rằng, đứa con gái này đang “thịt” chính mẹ đẻ ra nó, bào mòn dần sức sống của mẹ nó.

Dua con tinh quai lien tuc tan cong noi so cua me
Ảnh minh họa

Con gái đầu lòng của cô tên Quý, năm nay tròn 16 tuổi, sắp vào lớp 10 Trung học phổ thông. Trước kia, Quý là đứa trẻ khá dễ bảo, học không quá giỏi, nhưng năm nào cũng được là học sinh tiên tiến, chỉ chơi với duy nhất một bạn gái, ngoài giờ học thì thích vẽ và làm các loại bánh ngọt. Đột nhiên, trong hai năm qua, Quý đổi tính thay nết, đòi mẹ mua điện thoại thông minh, đòi đổi trường trong lúc sắp kết thúc lớp 8, và mâu thuẫn với đứa bạn thân nhất.

Khi không chơi với cô bạn thân ở lớp, Quý chỉ chúi mũi vào điện thoại cả ngày lẫn đêm. Đến bữa ăn, Quý cũng không ngồi vào bàn ăn, mà ở rịt trong phòng riêng, lúc đói quá không chịu nổi mới đi xuống bếp lục tủ lạnh. Thức thâu đêm với cái điện thoại, sáng hôm sau Quý lại lăn ra ngủ, thường xuyên đi học muộn hoặc bỏ học, nhà trường liên tục gọi mẹ Quý lên để phản ánh. Ở lớp, Quý không chơi với ai, nên chẳng thích đến trường. Khi cô giáo chủ nhiệm gọi riêng Quý ra để chấn chỉnh, Quý lầm lỳ không đáp một lời.

Quý đòi chuyển trường, nhưng mẹ nó không chịu, thế là hai mẹ con xung đột. Quý bám nhằng lấy mẹ để đòi chuyển trường cho bằng được. Nếu mẹ không chuyển trường cho Quý, nó sẽ bỏ học. Cực chẳng đã, Phú đành chạy chọt chuyển trường cho con. Khi sang trường mới, Quý cũng chỉ hào hứng được non nửa kỳ học, sau đó lại chán, lại đòi chuyển sang lớp khác.

Mẹ nó nổi sung, tát nó lia lịa. Quý bỏ ăn hai ngày, bợt bạt, mẹ nó thương quá, lại xuống nước dỗ dành. Cuộc chiến chuyển trường, lớp cứ thế tiếp diễn. Phú tìm mọi cách thuyết phục con không xong, thì phải lẩn tránh con. Mỗi lần con đến gần mẹ, là mẹ lập tức né. Phú sợ hãi việc nó lại lôi vấn đề chuyển trường ra để hành cô.

Ơn trời, cuối cùng thì con gái Phú cũng qua được cấp Hai và thi được vào cấp Ba. Nhưng trước tình trạng nghiện điện thoại thông minh và liên tục đi học muộn của con, Phú quá đau đầu. Cô tịch thu điện thoại thì con cô dọa bỏ học, bỏ nhà đi bụi khiến Phú chùn bước. Đêm nằm nghĩ bạc tóc, Phú sợ nếu mình mạnh tay, con gái bỏ nhà đi, nó sẽ làm gái điếm, hoặc sẽ bị kẻ xấu lôi kéo, hỏng một đời…

Hơn nữa, nhìn ra xung quanh, Phú thấy trong đám bạn, người quen của mình, ai cũng có con học giỏi, thậm chí tài năng, được giải thưởng nọ tới danh hiệu kia, trong khi con Phú lại đang trên đà xuống vực thẳm như thế. Phú ước sao con mình chỉ cần được bằng một nửa thành tích con của người khác, hoặc thậm chí chỉ cần ngoan, học lực trung bình thôi, để Phú đỡ xấu hổ với đời.

Thực ra, đứa con gái của Phú quá tinh khôn. Nó biết nỗi sợ cũng như ham muốn của mẹ mình, để tấn công mẹ, nhằm đạt mục đích ích kỷ của nó. Ở tuổi nổi loạn, con gái Phú muốn tự mình quyết định chọn trường học, muốn được chơi, muốn thả mình triền miên trong thế giới ảo, nên nó tấn công vào nỗi sợ và sự ham muốn của mẹ. Mẹ nó sợ nó hư, mẹ nó ham muốn nó học tốt. Nó sẽ dọa bỏ nhà đi, dọa bỏ học, dọa tự tử là mẹ sợ. Và khi mẹ sợ, mẹ sẽ thỏa mãn những mong muốn của nó.

Dua con tinh quai lien tuc tan cong noi so cua me
Trẻ rất biết tấn công điểm yếu của cha mẹ. Hình minh họa

Thực tế, Phú chưa bao giờ dám mạnh tay tới cùng với con. Khi con cô dọa bỏ nhà đi, bỏ học, tự tử, mà cô không lùi bước, thì 90% con sẽ không dám thực sự hành động như nó dọa. Phú không cần thách thức con, chỉ cần ra thông điệp đơn giản: “Nếu con bỏ học, con phải tự đi làm kiếm sống. Nếu con bỏ nhà đi, mẹ cảm ơn con vì con đã đỡ cho mẹ gánh nặng trách nhiệm. Nếu con tự tử, đó là quyết định riêng và lựa chọn của con, mẹ không can thiệp.”

Đơn giản rằng, Phú phải tự giáo dục được mình thì mới giáo dục được con. Phú không kiên quyết đến cùng, không rèn được tính kiên quyết và không tự bảo vệ được mình trước đòn tấn công của con, thì cô khó có thể dạy bảo, uốn nắn được con. 

Phú cần kiên quyết thoát khỏi nỗi sợ và ham muốn, chỉ khi đó, cô mới giải quyết được rắc rối kinh niên của mình.

Kiều Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI