Đòn hay nhất thầy dạy là đối nhân xử thế có lý, có tình, có cương, có nhu

20/11/2017 - 12:40

PNO - Năm ấy, thầy mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng tóc đã hoa râm. Dáng người rất nho nhã, thư sinh, chỉ có đôi mắt có thần là bộc lộ bản lĩnh con nhà võ, tia nhìn vừa uy nghiêm, vừa hiền từ.

Thầy có nhớ con không, đứa học trò nhỏ của hơn hai mươi năm trước, một ngày khép nép bước vào võ đường tại hội quán thể thao Quy Nhơn vòng tay thưa: “Dạ, thầy cho con xin học võ”.

Lúc đó, con có ngờ đâu, nhờ duyên may, con đã gặp một người thầy chân chính. Thầy đã dạy con không chỉ võ thuật mà cả cách xử thế và lòng nhân, đã giúp con có được những sức mạnh cả về thể chất và tinh thần để vững bước vào đời.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Võ sư Hồ Văn Trọng

Năm ấy, thầy mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng tóc đã hoa râm. Dáng người rất nho nhã, thư sinh, chỉ có đôi mắt có thần là bộc lộ bản lĩnh con nhà võ, tia nhìn vừa uy nghiêm, vừa hiền từ. Nhìn vẻ ngoài, mấy ai ngờ con người mảnh mai ấy là một võ sư Bình Định chân truyền, lại mang đai đen tam đẳng Karatedo hệ phái Suzuchoi (Linh Trường Không thủ đạo), một trong những võ sư hiếm hoi khổ luyện được các kỹ thuật nội công bí truyền.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Thầy nổi tiếng với chiêu 'dùng mũi giáo đẩy xe"

Thầy nổi tiếng khắp miền đất võ Bình Định với tuyệt chiêu “dùng mũi giáo đẩy xe”: với ba mũi giáo cắm vào các yếu huyệt ở cổ và bụng, cán đặt vào đầu một chiếc Toyota, thầy vận khí khiến cơ thể cứng như sắt thép, chịu lực đẩy lui chiếc xe hơi cả hàng chục thước (tiết mục đoạt Huy chương vàng Hội diễn võ thuật cổ truyền Bình Định 1989). Quy Nhơn có rất nhiều võ đường và võ sư nổi tiếng, nhưng lớp võ của thầy bao giờ cũng đông.

Song, điều con không thể nào quên ở thầy không chỉ là những bài học võ thuật. Cái quí‎ giá nhất là con đã được tận mắt chứng kiến trong và ngoài sân đấu của võ đường, ẩn sau những bài quyền thế võ, những bí quyết luyện tập, những lời phân tích đòn thế  là cái nhìn sâu sắc, đầy tình người của thầy.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Trong một buổi biểu diễn của Thầy

Trong võ đường có nhiều võ sinh đã theo học thầy khá lâu, đạt trình độ cao  như  Diệp, Thế, Nga, Hậu…Mỗi người có một sở trường riêng. Diệp chững chạc, bài bản. Thế to khỏe như gấu, đấu rất “bốc”, đôi lúc quá đà. Một lần biểu diễn bài “tay không chống kiếm” ở Hội khỏe Phù Đổng tỉnh ban đêm.

Trong hội trường rộng, ánh sáng điện hơi yếu, thầy đã nhắc cả hai lưu ý. Vào cuộc, Thế hăng quá ra tay rất nhanh, mạnh, ánh kiếm cứ loang loáng chập chờn. Quả nhiên, Diệp né không kịp một đòn cắt, sống kiếm đập vào gò má rớm máu, nhưng vẫn cố gắng đánh hết bài. Xong trận, chúng con đều nghĩ thầy sẽ mắng Thế thật nặng.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Thầy dạy võ cũng là dạy cách làm người

Nhưng thầy băng bó vết thương và khen tinh thần thi đấu của Diệp : “Khá lắm! Vậy mới đúng là cái dũng con nhà võ”. Rồi quay sang anh chàng Thế đang lo sợ, bối rối, thầy nhẹ nhàng nói: “Học võ phải biết quan sát. Con sử kiếm nhanh, mạnh nhưng chưa chính xác, không làm chủ được tốc độ, đả thương bạn, chứng tỏ cái Tâm võ còn chưa vững, còn phải “lắng lòng trừng tâm” nhiều”.

Anh chàng Hậu ngày thường tập bài quyền rất xuất sắc, dũng mãnh có thừa. Không hiểu sao có một kỳ song đấu quan trọng, Hậu đấu yếu, né tránh va chạm, ra đòn lúng túng. Sau trận đấu, bạn bè lắm đứa xì xào: “Đồ nhát cáy, chạy quẩn !”….Hậu có nghe loáng thoáng, nhưng vẫn cứ ngồi yên lặng, vẻ mặt lầm lì, buồn buồn. Biết con rất thắc mắc, thầy hỏi: “Con có biết vì sao Hậu nhát đòn như vậy không?”. Con đoán già đoán non rồi… chịu.

Thầy mỉm cười: “Hậu có nỗi khổ tâm riêng. Nhà chỉ có hai má con, bà má già ngồi bán quầy thuốc lá hè đường chẳng được mấy đồng, nó làm nghề bốc vác dưới cảng. Bao nhiêu thu nhập chỉ trông cậy vào đôi vai của nó. Đợt này, tàu hàng về nhiều, phải làm suốt ngày, nó sợ lỡ đấu mạnh bị chấn thương thì cả nhà nhịn đói”.

Cách lí giải sâu sắc đầy tình người ấy làm con sững cả người, ân hận vô cùng vì mình đã nông nổi hiểu sai về bạn.

Bản thân con cũng đã đôi lần chứng nghiệm cách ứng xử có lí, có tình của thầy. Lần ấy, con đang dự đợt thi cuối năm thứ ba ở đại học sư phạm. Sau nửa tháng học thi căng thẳng, con  gầy rộc cả người, đầu lúc nào cũng ong ong đau nhức. Đã tự nhủ học võ phải cố gắng bền chí, nên đến buổi tập, con vẫn đến võ đường, ráng giữ sắc mặt lạnh lùng, bình thản.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Phải có cương, có nhu

Đến lúc chọn cặp đấu, con ra sàn đấu, đứng vào vị trí đấu như thường lệ, nhưng, thầy khoát tay ra hiệu cho con về chỗ ngồi. Hôm sau, thầy gọi con đến nhà thầy, cho con một thang thuốc bắc và ân cần dặn dò: “Học hành vất vả, con nên giữ sức điều độ để học lâu dài. Tâm động thì khí động, thầy thấy con đêm qua sắc diện mệt mỏi nên không gọi con đấu, đừng buồn”.

Lại có lần, trong lúc tập cận chiến với Nga, con cao hứng sử dụng một đòn thế Thiếu Lâm hiểm hóc vừa sưu tầm trong một quyển sách võ, áp đảo bạn. Hiệu quả ngay tức khắc! Gặp đòn lạ, Nga lúng túng, không đỡ nổi. Bất chợt, phía sau có ai đó vỗ vào vai con.

Quay lại, con bắt gặp ánh mắt giận dữ của thầy. Hóa ra thầy đã lặng lẽ quan sát từ lúc nào. Thầy nghiêm giọng hỏi: “Con dùng đòn thế nào vậy?”. Thấy con lúng túng, thầy dịu nét mặt, ôn tồn khuyên: “Không nên như thế! Học môn gì, con phải thật chuyên tâm để đi đến độ sâu của nó.Căn bản đã vững vàng,tinh hoa đã nắm chắc, con tha hồ tham khảo các môn phái khác để vận dụng. Bây giờ không phải lúc, đừng bỏ gốc lấy ngọn”.

Don hay nhat thay day la doi nhan xu the co ly, co tinh, co cuong, co nhu
Cái khó không phải ở chỗ biết, mà là ở dùng cái biết của mình. Phải biết dùng sở học sao cho có ích cho đời”.

Một hôm, do sơ ý trong tập đấu có vũ khí, con đánh lạc đường bị nện một côn nên thân, cổ tay bị chấn thương nặng, sưng vù. Suốt cả tháng, mỗi tối sau khi dạy, thầy lại dành gần nửa tiếng để châm cứu, day huyệt cổ tay cho con. Thấy chấn thương lâu không lành, con thở than có vẻ nhụt chí, thầy nghiêm khắc nhắc: “Kinh nghiệm thu được ở võ đường là kinh nghiệm máu xương, đau đớn nhưng bổ ích. Con nên nhớ, ra đời, mỗi sai lầm đôi khi không phải trả giá chỉ bằng một vết thương, mà có khi bằng cả danh dự, mạng sống đó!”

Cứ thế, lúc nghiêm khắc, khi nhẹ nhàng, những bài học giản dị mà sâu sắc ấy như những nguồn mạch trong mát rỉ rả chảy vào trong tâm hồn chúng con, dập tắt ngọn lửa kiêu căng, cuốn đi những thói hư tật xấu, khơi những mầm thiện lương tí tách đâm chồi. Bao nhiêu năm dạy võ, thầy đã dạy cho bao võ sinh không chỉ những đòn hay, thế hiểm mà còn hướng họ vào con đường sáng sủa của võ đạo.

Thời gian đã lùi xa, nay đã là một cô giáo dạy văn, con càng thấm thía và tâm đắc với những điều thầy dạy: phải hiểu mình, hiểu người sâu sắc, phải đối nhân xử thế có lí, có tình, có cương, có nhu mới đắc nhân tâm!

Thầy ơi!  Mỗi lúc vấp váp, bực bội trước những chuyện áo cơm đời thường, trong tâm gợn lên những ý nghĩ xấu, muốn dụng sức dụng tài thu lợi riêng cho mình, thì bên tai con như nghe văng vẳng lời thầy: “Học văn hay học võ đều khó. Cái khó không phải ở chỗ biết, mà là ở dùng cái biết của mình. Phải biết dùng việc học sao cho có ích cho đời”.

Thầy là người thầy chân chính của đời con.

Nguyễn Thị Huệ

Bài viết về võ sư Hồ Văn Trọng 

Nguyên trưởng bộ môn Karatedo Sở VH-TT-DL Bình định

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI