Để con không lẻ loi

14/01/2018 - 08:45

PNO - Dù cuộc sống đầy đủ hay khó khăn, việc thiếu vắng tình thương thường khiến trẻ cô đơn, dễ dẫn đến những hành động khó lường.

Nhiều năm là luật sư đồng hành và bảo vệ quyền trẻ em, tôi được nghe nhiều tâm sự ở các độ tuổi. Nói về sự trống trải, tôi giật mình khi nghe một em nhỏ dùng hai từ “cô đơn”. 

Gần gũi để con chia sẻ

Nhiều cha mẹ khi nhận ra con cô đơn trong chính nhà mình thì đứa trẻ đã vuột khỏi tay họ rồi. Kỹ năng xử lý tình huống và cách thức để thoát khỏi những rắc rối vô tình gặp phải là cả một quá trình trẻ phải được rèn luyện lâu dài từ nhỏ.

De con khong le loi
Ảnh minh họa

Trong chương trình ngoại khóa ở nhà trường, học sinh được dạy để hiểu rằng điều tồi tệ hay bất công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các kỹ năng ứng phó với những tình huống xấu, giáo dục giới tính, phổ biến pháp luật đã được nhà trường chú trọng nhưng chưa đủ, những việc đau lòng do trẻ cô đơn vẫn xảy ra.

Nhiều trường hợp tự tử, các em để lại thư, chứng tỏ các em gặp bế tắc. Khi bế tắc không được giải tỏa kịp thời, những hành động tiêu cực sẽ xuất hiện. 

Trẻ cảm thấy cô đơn nhất khi không có người chia sẻ. Người lớn phải nắm bắt được tâm lý trẻ để trợ giúp kịp thời, thậm chí túc trực và ngủ chung để phòng ngừa, ngăn cản con làm những điều dại dột.

Bạn hãy dành nhiều hơn 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con. Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ tâm sự. Dù cha mẹ theo sát con hay bận đi làm suốt ngày thì việc cùng con tâm sự sẽ như liều thuốc phòng ngừa hữu hiệu.

Khi thấy con buồn, phải hỏi tại sao trẻ rầu rĩ thế. Bạn dẫn con đi mua sắm hay đi xem phim khi thấy con buồn. Điều ấy chưa phải là tốt. Với những đứa trẻ kín tiếng, việc tìm hiểu tâm tư cần sự kiên trì. Khi trẻ nói con buồn, bạn phải tìm cho được lý do. Hỏi nhiều lần nhưng con không nói thì tạm dừng, lúc khác hỏi tiếp, nhẹ nhàng, từ tốn, khéo léo.

Nếu con nói bị bạn nghỉ chơi, cha mẹ phải giải thích “con còn nhỏ, không chơi với bạn này thì chơi với bạn khác”. Khi con nói buồn vì không được yêu thương như thời chưa có thêm em bé, bạn phải giải thích cho trẻ hiểu em chính là người bạn sẽ chơi chung, yêu thương và chia sẻ với con suốt thời tuổi thơ; khi lớn lên sẽ bảo vệ được con...

Cho con không gian sống an toàn

Dù cha mẹ đưa đón con hằng ngày, mua sắm đồ chơi, quần áo đẹp thì đó chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết gốc rễ vấn đề, bạn phải tâm sự cùng con, dạy kỹ năng sống để khi không có người lớn ở bên, con vẫn biết cách tự bảo vệ. Tạo sự gần gũi và niềm tin để khi gặp vấn đề trẻ sẽ chia sẻ, tìm cách tích cực vượt qua. 

Khi con bị xâm hại hoặc gặp chuyện không hay, bạn cần cho con biết điều đó không có gì quá nghiêm trọng, con còn cả một tương lai tươi đẹp: “Con đừng quá lo lắng, đó chỉ là “tai nạn”… Như vậy, con bạn sẽ lớn lên thanh thản, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của trẻ. Đừng gieo cho con hy vọng kiểu “mẹ sẽ bỏ tù rục xương người đó”, bởi lẽ khi con thất vọng vì không được như ý nguyện, hậu quả đau lòng có thể xảy ra…

Bạn cần tạo mối quan hệ gắn bó, an toàn với con, lắng nghe và cho con cơ hội bộc lộ cảm xúc như giữa hai người bạn. Không áp đặt mà để con lựa chọn. Đặt niềm tin, khích lệ, khen ngợi con đúng cách. Kiềm chế cảm xúc tiêu cực, làm gương cho con là việc cha mẹ phải tạo dựng mỗi ngày. Nhiều đứa trẻ trở nên kín tiếng vì chúng cảm thấy không được yêu thương. Những tổn thương đó có thể kéo dài và dữ dội nếu trẻ không tìm thấy nơi tin cậy để chia sẻ.

Hoàn cảnh cũng là yếu tố rất quan trọng. Trong trường hợp bé gái tự tử ở Cà Mau, kẻ xâm hại bé là hàng xóm nhà ngoại - nơi em đang sống. Ông ta vẫn ra vào, dòm ngó, thậm chí gây áp lực cho em. Lẽ ra người mẹ nên đưa con đi nơi khác sinh sống, học tập cho khuây khỏa. Bởi khi tâm lý bị đè nén, em cần được giải tỏa và sẽ không nghĩ quẩn.

Như một bé gái học lớp Tám, ở H. Bình Chánh, TP.HCM, đã bỏ nhà đi để sống cùng người bạn gái đồng tính. Gia đình em phải cử một người nghỉ làm để đi tìm, tìm được rồi thì đưa ngay về quê để em vui chơi, khuây khỏa, dần quên người bạn kia. Ở quận 9 cũng có trường hợp sau khi gặp chuyện không hay, buổi tối bé gái 14 tuổi thường bỏ nhà đi lang thang, đến quỳ trong nhà thờ của xóm đạo. Gia đình phải cắt cử người luân phiên ở cạnh, quan sát từ xa để biết con mình vẫn an toàn.

Khi trẻ có những biểu hiện trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần, gia đình nên đưa con đến chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được tư vấn, điều trị, tránh để xảy ra những việc đau lòng, đáng tiếc. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
(Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM)

Bảo vệ con đúng cách 

Bảo vệ trẻ em cần coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn thương, xâm hại trẻ em. 

Mọi người cùng chung tay bảo vệ khi phát hiện trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi...
Điều 47, 48, 49 Luật Trẻ em 2016.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI