Đầu năm học, lại chuyện 'đại bàng được cấp phép'

09/09/2019 - 05:30

PNO - Con nít bỗng dưng có quyền hành sẽ thấy mình oai hùng. Quen trấn áp bạn bè, sao đỏ ( cờ đỏ) như những "đại bàng được cấp phép”, liệu lớn lên chúng có thành những cô công an Lê Thị Hiền đại náo sân bay?

Trên mạng, nhiều người đang chia sẻ tấm hình cậu bé sao đỏ chỉ thẳng vào mặt bạn. Cô bé đeo băng đỏ đứng bên cạnh cũng có nét mặt lạnh và "kênh" không kém.

Các mẹ từng có con cái bị sao đỏ bắt chẹt tuôn ra hàng đống nỗi bực bội, ấm ức. Một vài mẹ cho biết từ năm trước nhà trường đã dẹp bỏ nhóm sao đỏ, vì chúng như "công an khu vực", như "hồng vệ binh Trung Quốc", như "đại bàng xóm", thậm chí dự báo lớn lên chúng sẽ như... cô công an Lê Thị Hiền ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Dau nam hoc, lai chuyen 'dai bang duoc cap phep'
Tấm hình đang được chia sẻ trên mạng ngay dịp đầu năm. 

Nhưng, hết sao được các lực lượng "đại bàng trong lớp", nếu giáo viên vẫn cho phép học sinh tự quản.

Mới tối qua, con gái tôi đặt báo thức, dặn sáng mai mẹ gọi con dậy sớm, chuyện mà chưa khi nào xảy ra. Phải chăng lên lớp mới nên con ý thức hơn?

- Không phải đâu mẹ, bọn con quyết tâm đi học thuộc bài, học sớm, đeo khăn quàng, đi dép quai hậu đàng hoàng cho bọn tổ trưởng nó hết hống hách. Xem thử “bọn nó” làm được gì. 

- Thế các bạn đã phạt ai chưa?

- Rồi mẹ, hôm qua có ba bạn bị la vì quên đeo khăn quàng với không cài quai hậu, chưa kể các bạn cứ gườm gườm nhìn ngay cả khi ăn, khi chơi. Nói bạn đưa tập kiểm tra mà như ra lệnh, dặn gì nhắc gì cũng nói y giọng cô, còn bảo "nhớ chưa?".

Cũng hệt chuyện “sao đỏ” trong trường. Thay vì hướng dẫn các con có thói quen và ý thức tốt trong học tập, sinh hoạt thì giáo viên lại chia quyền bằng cách dựng lên một nhóm như cánh tay nối dài của giáo viên, có quyền đi kiểm tra và nhắc nhở bạn bè.

Dau nam hoc, lai chuyen 'dai bang duoc cap phep'
Các bé trong đội sao đỏ thật đáng thương khi phải gánh trọng trách quá lớn. Ảnh minh họa.

Tôi khuyên con gái, con cứ làm hết những việc mà một học sinh đến trường cần làm, khi con không làm gì có lỗi thì không phải sợ ai. Nhưng lại thấy lo lo vì con đã bắt đầu nhen nhóm ý định “trả đũa”.

Lớp Bốn, con nhỏ lớp trưởng của tôi cứ nói một câu chêm vào cụm chữ "cô bảo vậy!" Chúng tôi sợ cô nên răm rắp theo, có đứa xin đi tè mà nó không cho đi cũng ráng nín, cuối cùng bật khóc khi tè dầm giữa lớp.

Có lần tôi không kịp làm bài tập, nó lập tức rút "thượng phương bảo kiếm" là cây thước dài cả mét ra, bắt tôi để tay lên bàn, đánh đủ ba cái đau thấu trời xanh. Tôi vừa đau vừa quê, chửi nó ác. Nó bảo cô cho phép, nó lôi chuyện tôi chăn bò ra mà sỉ, kiểu như học ngu thì về chăn bò đi, đến lớp làm gì...

Bữa đọc báo thấy bên Thái Lan có ông 71 tuổi bắn chết bạn khi đi họp lớp vì hồi nhỏ bị bắt nạt, tôi bậtt cười nghĩ ngay đến chuyện tôi còn giận bạn. (Cũng may chúng tôi chưa về quê gặp nhau lần nào)

Tôi không phản đối chuyện sao đỏ hay lớp trưởng, tổ trưởng. Khi được bạn kiểm tra, nhắc nhở, học sinh sẽ đỡ sợ hơn bị cô nhắc, sẽ ý thức hơn và tập có những thói quen tốt. Nhưng giáo viên nên trao trách nhiệm cùng với tình thương. Như cô giáo tôi ngày đó nói với lớp bạn A.: "Cô thấy con gọn gàng, nhanh nhẹn mà có một số bạn chưa được như con, con giúp cô nhắc nhở bạn, nha!".

Như thế, bạn A. sao đỏ vẫn là “tai mắt” của cô, kịp thời báo cô chuyện xảy ra trong lớp, chứ cô không tạo nên những “hung thần” sân trường.

Con nít, bỗng dưng có quyền, được phép kiểm tra, la mắng và giễu cợt bạn, chúng thấy mình oai hùng. Đầu tiên là nhắc nhở, sau thành quát tháo, sau thành những "đại bàng được cấp phép”, ỷ quyền và chẳng bao xa sẽ thành những anh những chị như cô đại úy Lê Thị Hiền mới đây "đại náo sân bay"…

Phương Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI