Cuộc đời là của mình - Đừng mãi sống vì người khác

29/10/2018 - 16:30

PNO - Khó có thể thống kê bao người đang cố sức gồng gánh áp lực vô hình bởi tác động của những người xung quanh, song hẳn không ít người chẳng được sống cho mình mà cố sống để vừa lòng người khác.

Bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng... là những mối quan hệ không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ có những tác động tích cực, ở một góc độ khác, những mối quan hệ này cũng gây áp lực cho cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân. Đơn cử như câu chuyện cô gái trẻ phải vào bệnh viện tâm thần vì những lời hỏi thăm “bao giờ lấy chồng” của hàng xóm.

Áp lực sống theo người khác

Sẽ không ai thừa nhận mình đang sống vì cách nhìn, suy nghĩ của người khác. Nhưng cách ứng xử, hành động dù trong vô thức vẫn chịu tác động không nhỏ bởi những người xung quanh. Và “tác nhân người lạ” lại là nguồn cơn của không ít bi kịch. 

Cuoc doi la cua minh -  Dung mai song vi nguoi khac
Cuộc sống dẫu còn thiếu thốn nhưng vợ chồng chị Bé Ngọc - Duy Phát vẫn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. (Ảnh: PV)

Câu chuyện nữ sinh nhảy lầu, để lại thư tuyệt mệnh nói cô tìm đến cái chết vì mặc cảm bị mọi người chê bai ngoại hình hồi tháng 3/2018; hay cô gái trẻ phải vào bệnh viện tâm thần điều trị vì bị quá nhiều người hỏi thăm “bao giờ lấy chồng?” nói trên chỉ là phần cỏn con của “tảng băng chìm” khổng lồ. 

Khó có thể thống kê bao người đang cố sức gồng gánh áp lực vô hình bởi tác động của những người xung quanh, song hẳn không ít người chẳng được sống cho mình mà cố sống để vừa lòng người khác. 

Cơm không lành, canh không ngọt từ nhiều năm, tình yêu cũng không còn, nhưng chị Q.A. và anh M.H. vẫn cứ là người một nhà. Cuộc hôn nhân đó kéo dài không phải vì con, cũng không phải vì tình, vì nghĩa mà vì “người ta nhìn vào”.

Có lẽ không mấy ai nhận ra mọi sự sắp xếp cuộc đời của mình và cả những người thân lệ thuộc quá nhiều vào người ngoài. Từ những việc rất đơn giản như chuyện ăn mặc, làm đẹp, mua sắm… thay vì chăm chút cho bản thân để tự tin hơn, không ít người lại nghĩ làm đẹp để không bị người khác coi thường hoặc chê xấu.

Nhiều bậc cha mẹ trải thảm con đường học vấn cho con, cật lực kiếm tiền cho con vào học những ngôi trường danh tiếng… Họ làm tất cả với suy nghĩ cho con có một tương lai tươi sáng, có cuộc sống thành đạt khi trưởng thành và đặt nặng cả chuyện để “cha mẹ nở mày, nở mặt với bà con, xóm giềng”. Vậy nên mới xảy ra chuyện khi con không như kỳ vọng thì cha mẹ la mắng, đặt áp lực, ra điều kiện… mà không cần quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc, thực lực… của con. Khiến trẻ bị trầm cảm, thậm chí tự tử. 

"Năm 20 tuổi, bạn không ngừng lo lắng, phiền muộn về những gì mà người ngoài nghĩ về mình. Năm 40 tuổi, bạn bừng tỉnh và tự nhủ, từ giờ, mình sẽ chẳng thèm quan tâm xem mọi người nghĩ gì về mình nữa. Ở tuổi 60, bạn nhận ra rằng, thật ra đâu có ai để ý, đánh giá mình đâu".

Heidi Roizen

Cuộc đời này là của mình

Là con một, từng bị áp lực về chuyện lập gia đình, sinh con… dù hiểu tâm trạng của cha mẹ, nhưng diễn viên Khả Như đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Ba mẹ chỉ mong cho con được hạnh phúc, nhưng với con, hạnh phúc là được làm công việc mình yêu thích, được sống với đam mê. Làm sao có thể khẳng định con sẽ hạnh phúc, yên ấm với một cuộc hôn nhân nào đó vẫn còn mơ hồ. Con hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, xin ba mẹ cứ để con được sống cuộc đời của mình”.  

Có lẽ trong thực tế không nhiều người có đủ cam đảm làm “phật lòng” cha mẹ như Khả Như, hoặc đủ can đảm để sống với cuộc đời và quyết định của mình như câu chuyện của chị Tăng Thị Bé Ngọc (tỉnh Bạc Liêu) và chồng là anh Nguyễn Duy Phát (tỉnh Kiên Giang). 

Tình yêu của cô gái có chiều cao 1m60 đang là sinh viên Đại học Y Cần Thơ và anh chàng nhân viên tiếp thị chỉ cao 1m22 gặp không ít trở ngại. Cha mẹ Ngọc phản đối, bạn bè dị nghị, rồi những ánh mắt “khác lạ” khi nhìn cặp đôi quá chênh lệch sánh bước bên nhau. Từng có lúc Ngọc tính buông xuôi, nhưng khi tình yêu đủ đầy, họ nhận ra rằng mình phải tự quyết định cuộc đời của mình chứ không thể bị lệ thuộc vào người khác. Giờ họ đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh, anh chàng thấp bé đang là trụ cột của gia đình, vừa lo kinh tế, vừa quán xuyến việc nhà để vợ yên tâm học hành. “Nếu bị dao động vì suy nghĩ, ý kiến của người khác, có lẽ tôi đã không có được hạnh phúc của ngày hôm nay” - chị Bé Ngọc chia sẻ.

Trong 12 giá trị sống UNESCO đưa ra, giá trị Tôn trọng được xếp ở vị trí thứ 2 với nội dung: “Bẩm sinh con người vốn quý giá. Một phần của lòng tự trọng là biết về các phẩm chất của mình. Tôn trọng bản thân là hạt giống để sự tự tin lớn lên. Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng người khác”.

Tiến sĩ Mikhail Litvak, nhà tâm lý học người Nga cũng khuyên: “Hãy sống cho bản thân thay vì sống cho người khác. Nếu không, bạn sẽ sống theo cách người khác muốn chứ không phải như bạn muốn”. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI