Cứ nói "không" khi nào con muốn

01/02/2017 - 11:45

PNO - Tối qua, cậu con trai 11 tuổi của tôi lên một cơn điên ngắn.

Con tôi tất nhiên là đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường về sức khỏe tâm thần và luôn ngoan hiền xưa nay, song biểu hiện của cháu lúc ấy có thể gọi tên chính xác là lên "cơn điên".

Cu noi
 

Cháu đổ mồ hôi ròng ròng, mắt hằn đỏ, giậm chân bành bạch, la hét ầm nhà. Khi tôi lao tới hỏi, cháu bắt đầu quăng quật đồ đạc. Tôi hoảng sợ ôm con, giữ tay cháu thì bị hất ra bằng sức mạnh của một võ sinh đai nâu. Cháu thét lạc cả giọng: “Tránh ra, đừng có động vào con!”.

Tôi bàng hoàng dội ngược, không biết xử trí thế nào. Không thể nhận ra đứa con ngoan hiền của mình nữa. Cháu vẫn tiếp tục gào thét, quay cuồng và thật may vì đang trong phòng ngủ nên chỉ có những món đồ mềm bằng vải cho cháu quăng quật. Trong tiếng nức nở của cháu, tôi hiểu cớ sự rất đơn giản: con đang mất nhiều phút hì hục cạy tiền từ ống heo để chuẩn bị tiền lì xì tết cho ba mẹ và em gái.

Công việc khá khó khăn vì con không muốn phá hỏng con heo đẹp. Khi đang cố sức rút những đồng tiền giấy sao cho không bị nhăn, ba cháu liên tục nhắc tới giờ đi ngủ, đề nghị cháu chấm dứt công việc. Cháu không nghe lời nên chồng tôi lạnh lùng tới bàn học, nhét hết số tiền cháu bày bừa trên bàn trở lại con heo tiết kiệm và ra lệnh: “Mai làm nhé. Giờ đi ngủ!”.

Cháu lên cơn giận dữ không hẳn vì bị cản trở, mà chủ yếu vì không được tôn trọng. Cháu la lên với bao uất ức dồn nén:

- Ba luôn buộc con theo ý ba, ba sai khiến con làm này làm kia, dù nhiều lúc con rất mệt, con cũng thích xem ti vi như chúng bạn nhưng ba không cho... Huhuhu...

Muốn con nguôi giận, tôi vào hùa với ý định cho con giảm bực dọc:

- Ừ, ba có tính đó cần sửa, ba cũng toàn ép mẹ theo ý ba thôi. Nhiều lúc mẹ cũng giận ba y như con bây giờ.

Tưởng cách này hiệu quả, không ngờ con tôi gào to hơn:

- Thôi đi, mẹ cũng thế, toàn bắt con mang rác xuống lầu. Sáng nào đi học con cũng phải xách bịch rác bẩn thỉu.

Tôi kinh ngạc:

- Con luôn nhận làm việc đó mà? Sao con không nói là con không thích mang rác?

- Con nói thế thì mẹ có chịu  không? Mẹ sẽ nói mẹ phải bế em xuống lầu. Con đi tay không thì con phải mang rác là đúng. Cái gì mẹ cũng đúng, chỉ có con là lười biếng, là hư thôi - Thằng bé vẫn gào với âm lượng kinh khủng.

Sau đó, cháu vừa nức nở vừa kể lể “tội lỗi” ba mẹ, kể lể những điều cháu âm thầm chịu đựng xưa nay để làm vừa lòng mọi người. Cháu vốn là đứa trẻ hoàn hảo nên tôi hay sung sướng nói “con là người đàn ông đầy trách nhiệm”, “con đích thị là một trụ cột gia đình, chỗ dựa của mẹ và em”, “con là đứa bé biết điều nhất thế gian”. Ở lớp, cháu được cô yêu mến vì học hành chăm chỉ, hòa đồng với bạn. Với em gái, cháu luôn nhường nhịn, chăm sóc em chu đáo. Tóm lại, con tôi là “con ngoan, trò giỏi, bạn hiền, anh Hai đảm đang”. Vậy mà...

Sau cơn điên chừng một tiếng đồng hồ, con tôi cũng hạ dần tiếng nức nở và tiến tới gần tôi, cháu xin lỗi vì đã mất kiểm soát: “Con là đứa con hư, mẹ cứ đánh đòn con đi”. Tôi, sau khi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, bắt đầu hiểu ra một vài chuyện không ổn. Tôi ôm cái lưng nhễ nhại mồ hôi của con, đập đập vào vai cháu như với người lớn và ôn hòa nói:

- Không sao đâu, con không hư. Con có stress thì cứ giải tỏa, chứ con ôm nó hết trong lòng, có ngày con sẽ vỡ tung. Hồi nhỏ mẹ cũng vậy mà. Từ nay không thích làm gì con cứ nói không. Sau đó chúng ta sẽ bàn...

Tôi vừa ôm con vừa nghĩ ngợi, tôi và chồng hẳn đã sai nhiều lắm. Từ lúc này tôi cần nhớ lại tuổi thơ của mình nhiều hơn để đồng hành cùng con. Cháu đã bắt đầu vào giai đoạn khẳng định bản thân, có chính kiến mãnh liệt thay vì vâng dạ theo lời người lớn.

Vào tuổi “teen”, khi mọi đứa trẻ bắt đầu yêu cầu được tôn trọng, chúng bắt đầu nghe thấy tiếng nói của cái tôi bên trong lớn hơn tiếng nói “đàn áp” của cha mẹ, thầy cô. Chính tiếng nói đó giúp chúng xây dựng và hoàn thiện thế giới quan của mình, bao gồm cả khí chất và chính kiến.

Tôi biết từ nay tôi và chồng sẽ phải quan sát, hỏi han con nhiều hơn để tôn trọng cháu theo cách ở bên cạnh để góp ý, điều chỉnh, chứ không thể can thiệp thô bạo. Cháu có quyền nói “không” bất cứ  khi nào cháu muốn, thay vì nói “dạ” mà trong lòng dậy sóng. Bởi những cơn sóng ngầm đó, sẽ dẫn tới những cơn điên mất kiểm soát như tối qua.

Và vẫn còn may khi cơn điên bùng nổ ngay trong nhà tôi, chứ nếu cháu bùng nổ ngoài đường, ở trường, hay thậm chí không thể bùng nổ, mà cứ âm ỉ tàn phá bên trong, tôi không dám nghĩ sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa...

                                                                                                                Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI