Con rể ẵm má vợ đi phơi nắng mỗi sáng và chuyện 'chàng rể quốc dân' nhà tôi

09/11/2019 - 10:08

PNO - Nếu nhìn vào mối quan hệ và cách đối xử, chắc chắn không ai tin Út chỉ là con rể nhà nội tôi. Hồi má vợ bệnh, nằm liệt một chỗ, một tay Út chăm sóc hơn mọi hộ lý, hơn mọi con ruột...

Tuần trước Út gọi cho tôi dặn dò: “30 âm lịch này là giỗ nội, tụi con nhớ về nha!”. Tôi “dạ” nhẹ, hỏi thăm Út một số việc rồi cúp máy, tự nhủ lòng “không đợi Út nhắc đâu, con đang đếm ngược từng ngày về thăm Út mà!”.

Tiếng gọi thân thương mà chị em chúng tôi dành tặng Út, người ngoài nghe qua tưởng đang nói tới dì hay cô ruột nào đó. Nhưng không, Út là dượng, từ lâu chúng tôi kính trọng và thương Út như ruột thịt. Nếu nhìn vào mối quan hệ và cách đối xử, chắc chắn không ai tin Út chỉ là con rể nhà nội tôi

Con re am ma vo di phoi nang moi sang va chuyen 'chang re quoc dan' nha toi
Một tay dượng Út chăm đàn bò, con nào con nấy đều béo tốt

Ông bà nội có bốn người con. Ông bệnh mất lúc mới ba mươi tám tuổi. Bà ở vậy tần tảo nuôi đàn con khôn lớn. Cô hai và cô tư lấy chồng rồi về làm dâu. Ba tôi đi bộ đội xong cũng lập nghiệp, mua nhà, làm việc trên thành phố cách nhà nội ở Củ Chi tầm bốn mươi cây số. Chỉ còn lại cô út ở với nội, lo cho nội. Ngoảnh đi ngoảnh lại gần đến ba mươi mà cô vẫn chưa yêu ai. Cả nhà hối thúc chuyện chồng con, cô chỉ cười cho qua chuyện.   

Vợ trước của dượng mất sớm vì bệnh. Bên nhà vợ cũ thấy dượng hiền, tần tảo, vợ thì mất sớm trong khi chưa kịp có mụn con nào, và họ cũng thương dượng như ruột thịt trong nhà, nên đích thân bên đó đi hỏi cưới cô tôi về cho dượng. Ngày cưới, cô cũng chưa thương yêu gì, gật đầu ưng đại chỉ vì cô đã lớn tuổi, và do “dượng hiền, đàng hoàng, tử tế, quan trọng là chịu ở rể”. 

Cô sanh thằng Huân lúc đã ba mươi hai tuổi. Những năm 80, sanh trễ và phải mổ như cô tôi là chuyện ghê gớm lắm, vì các thiết bị hỗ trợ y tế và tay nghề bác sĩ chưa tối tân như bây giờ. Mặc dù năm đó bà nội còn khỏe, nhưng một tay dượng vẫn chăm sóc cô chu đáo hết mực từ bệnh viện về đến nhà.

Vài năm sau, khi thằng Huân đủ tuổi đi mẫu giáo, cô tôi mở một sạp tạp hóa ngay chợ. Việc buôn bán khá thuận lợi, nên ngày nào cô cũng phải ra khỏi nhà từ sớm đến tối mới về. Thế là mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều một tay dượng, thêm chuyện tuổi nội lúc này cũng đã cao, nên dượng đành hy sinh công việc tại cơ sở bánh, ở nhà xắn tay làm “ông nội trợ quốc dân”.

Út nuôi gà, chẳng mấy chốc gầy được một đàn gà đông đúc. Út trồng rau củ, ăn mãi không hết, lại rất ngon và an toàn. Út trồng hoa lan và mai, chậu nào chậu nấy được tạo dáng đẹp hệt như có bàn tay nghệ nhân. Út dọn nhà gọn gàng, tinh tươm. Út nấu món gì cũng ngon và khéo, từ cà-ri, bò kho, la-gu, bánh xèo, canh chua, cá kho tộ… Nói chung, “công trình” nào cũng xuất sắc và mang đậm dấu ấn của Út.

Hai năm trước khi mất, nội tôi nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông cậy hoàn toàn vào sự giúp đỡ của con cháu. Út động viên cô tôi buôn bán cho thật tốt, mọi việc cứ tin tưởng giao cho Út. Rồi Út bắt đầu một quy trình từ sáng đến tối: nấu thức ăn sáng cho cả nhà; chăm sóc đàn gà, chó; tưới cây; trồng trọt; nấu cơm trưa chiều; dọn dẹp nhà cửa; giặt giũ (thời này chưa có máy giặt) và thêm công đoạn chăm sóc người bệnh.

Út ẵm nội phơi nắng mỗi sáng, mát-xa cho nội giãn gân cốt, tắm rửa, chải tóc cho nội, đút nội ăn, phụ trách cả việc đi vệ sinh của nội… những việc đó qua tay Út bỗng nhẹ tênh. Út làm thuần thục như hộ lý, Út không nề hà dơ sạch, Út làm với cả niềm yêu thương dù mình chỉ là con rể. Chúng tôi thường nói với nhau: “Chưa chắc ruột thịt đã làm được như Út”. Mà người già bệnh thì lâu hồi phục, hay đau rêm mình mẩy khi trái gió trở trời, đã vậy còn hay càm ràm con cháu. Nhưng Út chỉ cười hề hề khi bị nội la mà không bao giờ giận hay cãi lại một lời.

Nhiều lần cô tôi tỏ ý muốn ở nhà chăm nội, là nội gạt đi: “Thằng Huệ hiểu tính tao, tao chỉ muốn nó chăm sóc”. Thế rồi cũng chỉ có Út dỗ dành nội ăn thêm cơm canh hay uống ít sữa cho có sức. Út dỗ nội ngủ, Út kể chuyện tiếu lâm cho nội vui. Dù nằm liệt thời gian dài, ăn ở sinh hoạt tại chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát, nhưng tuyệt nhiên cơ thể nội lúc nào cũng khô ráo, sạch sẽ. Chỗ nội nằm tuyệt nhiên không có mùi hôi.

Con re am ma vo di phoi nang moi sang va chuyen 'chang re quoc dan' nha toi
Ảnh minh họa

Rồi đến một ngày nội đi xa, Út thất thần, tiều tụy, thời gian Út túc trực bên linh cữu còn nhiều hơn cả ba tôi và các cô. Nhìn Út đau buồn, trầm tư, cô tôi xót xa bảo Út nằm nghỉ dưỡng sức, Út khẽ lắc đầu. Hàng xóm qua thắp nhang, an ủi Út: “Bác cũng lớn tuổi, ra đi là giải thoát, mà từ nay ông cũng khỏe rồi!”. Út rơm rớm nước mắt nhìn xa xăm: “Tui đâu nghĩ mình là rể trong nhà, tui thương má như má ruột mình. Giờ má cũng bỏ đi, tui buồn và nhớ…”. Nghe sao mà thương!

Mỗi năm cứ đến đám giỗ vợ trước của Út là Út lại tất tả về bên đó phụ cúng kiếng, nấu nướng, dọn dẹp, làm tròn bổn phận với người đã khuất hết sức chu đáo. Mối quan hệ giữa Út với gia đình vợ trước, cũng như giữa cô tôi và bên đó rất tốt đẹp suốt hơn ba mươi năm qua, và vẫn sẽ còn tiếp diễn. Đó là do Út biết nghĩ trước sau, sống trọn tình trọn nghĩa. Điều ấy nói thì dễ, mà mấy ai có thể làm được.

Thằng Huân giờ đã lớn. Nó thương cô tôi tuổi đã cao mà còn vất vả buôn bán, nên đề nghị cô ở nhà với Út để có người bầu bạn. Biết tính Út không chịu nghỉ ngơi, nên nó tặng Út vài con bò sữa. Chẳng mấy chốc Út gầy lên được ba mươi con. Giờ thì cô dượng tôi như hình với bóng, lúc nào cũng: “Mẹ ơi lấy giùm ba cái máng/bật giùm ba cái đèn/tắm con ki phụ ba/vắt sữa bé bò này chưa?”… Nghe thì mộc mạc, mà sao ấm áp lạ.

Lâu lâu chị em tôi có dịp tụ họp, nhắc nhẹ cô về việc “ưng đại” ngày trước, cô chép miệng: “Thiệt! Biết lấy chồng nhiều trách nhiệm với việc nhà cửa, con cái bù đầu vậy, cô ở một mình cho khỏe!”. Ờ thì một mình, chị em tôi bấm tay nhau phá lên cười. Từ sân vườn nhìn vào, dù không nghe gì, Út cũng cười lớn vui theo cùng con cháu.

Nhìn dáng tất bật với vai áo bạc màu của Út, nhìn nụ cười hiền hậu với hàng tiền đạo đã lởm chởm theo năm tháng, sao tôi bỗng thấy thương quá là thương hình ảnh một ông nông dân, một người “con rể quốc dân” như một bông hoa đẹp giữa đời thường. 

Mai Thy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI