Con khôn hơn cha, nhà có họa?

25/06/2019 - 09:30

PNO - Người ta thường tấm tắc “bọn trẻ bây giờ khôn như trời”. Thế nhưng, bù vào niềm vui sướng có con khôn sớm, chuyện dạy con cũng “hại não” gấp nhiều lần...

Người ta thường tấm tắc “bọn trẻ bây giờ khôn như trời”. Con trẻ đã sớm có lý lẽ để phân định đúng sai bằng nhiều kênh khác nhau. Những lời dạy của cha mẹ nhiều khi không còn có giá trị thông tin, mà giống như một cơ hội để trẻ kiểm chứng điều mình đã biết, để từ đó lựa chọn thông tin đúng cho mình. Thế nhưng, bù vào niềm vui sướng có con khôn sớm, chuyện dạy con cũng “hại não” gấp nhiều lần...

Con khon hon cha, nha co hoa?

Tự khen và tự làm trung tâm

Bé Nick, 4 tuổi có biểu hiện nổi trội về ngôn ngữ. Ngay từ lúc các bạn chỉ mới ê a từng chữ, Nick đã biết nói một câu dài để khen mẹ, động viên bà. Chị Minh, mẹ Nick còn nhớ hồi con trai mới 25 tháng, có lần chồng chị bị mẹ giận vì cái tính hay cáu gắt.

Chiều, vừa đi làm về, chị đã thấy mẹ ôm Nick ngồi trên võng, chậc lưỡi mát mẻ: “Thằng cháu nội mới chút xíu mà nó còn khôn hơn ba nó!”. Rồi bà tự hào kể, lúc cha mẹ đi làm, Nick nói: “Bà ơi, bà đừng buồn ba con nữa, mai mốt Nick lớn Nick sẽ chăm sóc bà, làm cho bà vui nha!”. Khỏi phải nói, câu động viên của đứa bé mới hơn hai tuổi đã được truyền miệng khắp dòng họ.

Càng ngày, Nick càng thể hiện là một đứa trẻ thông minh về ngôn ngữ và cảm xúc. Sự khôn khéo trong ăn nói của Nick vẫn khiến người lớn tán tụng. Nhưng càng lúc chị Minh càng lo lắng khi con mình quá “giỏi nói”, còn các kỹ năng thông thường khác thì lại khiếm khuyết.

Đến khi cô em gái 2 tuổi của Nick đã biết dọn đồ chơi, để dép đúng chỗ thì Nick vẫn chỉ “ngoan” bằng lời nói. Nick tận dụng mọi cơ hội để sai bảo em gái, luôn ngọt nhạt để được bà nội cất đồ chơi giúp. Hoặc mỗi lần làm lỗi, Nick lại kể ra những chuyện tốt trước đó của mình để làm mềm lòng mẹ.

Nick luôn đoán được phản ứng của người lớn để sử dụng lời nói cho phù hợp, và đưa mình vào trung tâm của câu chuyện. Lúc chị Minh dặn cả nhà không được khen trước mặt con thì Nick đã chuyển sang giai đoạn “tự khen”, “tự làm trung tâm”.

Nick tận dụng mọi cơ hội để xác định “mình ngoan”. Thậm chí, mỗi lần chị Minh mua cho con một món đồ, Nick lập tức cảm ơn mẹ rồi nói “là do con giỏi và ngoan quá nên mẹ mới mua đồ mới cho con phải không mẹ?”.

Con khon hon cha, nha co hoa?
Dạy con trẻ cũng hại não lắm chứ! Ảnh minh họa

Giải quyết tất cả bằng lời nói

Cũng đau đầu với một đứa bé “khôn trước tuổi”, nhưng anh Lương đã đoan chắc những biểu hiện của con là đáng ngại. Theo anh, bé Bi mới 4 tuổi đã có biểu hiện “giải quyết tất cả bằng lời nói” mà nếu không kịp uốn nắn, chỉ vài năm nữa, vợ chồng anh sẽ còn đau đầu hơn với đứa con khôn khéo đến mức thiếu chân thật.

Bi biết đúng/sai trước cả khi người lớn chỉ bảo. Khi vợ chồng anh Lương phân tích một tình huống nào đó nửa chừng, Bi đã hiểu và tự nói được phần còn lại. Những đặc điểm của một đứa trẻ ngoan, Bi đều nắm hết. Lúc nào cần lịch sự, nhường nhịn, lễ phép, cảm ơn, xin lỗi… Bi đều rõ.

Tuy vậy, Bi chỉ thực hiện những điều tốt bằng lời nói, và tìm mọi cách để “đỡ tay chân”. Bi sẵn sàng cảm ơn, xin lỗi khi cần. Nhưng khi biết rằng mình nên nhường nhịn em nhỏ, hoặc từ bỏ một ý thích trái khoáy để không làm phiền cả nhà - thì Bi lại tìm cách biện minh để được sai.

Điều khiến anh Lương lo ngại nhất, là tất cả những lần “từ chối làm đúng” của Bi đều diễn ra khi Bi đang rất tỉnh táo, không phải kiểu bị đẩy cao cảm xúc và hành xử vô tội vạ của con trẻ thông thường.

Mới đây, khi đi siêu thị với bạn của mẹ, Bi nằng nặc “phải mua đầy một giỏ đồ chơi”. Biết con trai đang “lợi dụng” lúc có người lạ để vòi quà, mẹ Bi liền phân tích cho con thấy việc đó là không cần thiết, và Bi buộc phải chọn duy nhất một món đồ chơi.

Không đợi mẹ nói nhiều, Bi lập tức tiếp lời rằng “mua nhiều đồ chơi là lãng phí, là góp phần làm hại môi trường, và làm nhà cửa chật chội”. Nhưng anh chàng lại tiếp tục, “nhưng mà bây giờ là mùa hè, con lại là bé ngoan xuất sắc nên con xứng đáng được thưởng một giỏ đồ chơi đầy phải không mẹ?”.

Suốt một buổi mua sắm, mẹ Bi như “cân não” với đứa trẻ lý lẽ và đầy tỉnh táo đang kiên quyết mang về nhà một giỏ đồ chơi đầy. Cuối cùng, chị chọn thỏa hiệp để không phải căng thẳng với Bi.

Chuyện không dừng ở đó. Về nhà, đến lượt anh Lương phải phân tích cho Bi thấy Bi đã sai khi cố tình cãi mẹ ở siêu thị. Đứa trẻ im lặng ngồi lắng nghe. Đến khi anh Lương hỏi: “Con có thấy mình sai chưa?”, Bi mới làm ra vẻ buồn rầu, đáp: “Nhưng mà con còn nhỏ lắm, lớn lên con mới biết làm đúng được!”.

Theo anh Lương, anh cảm giác mọi lời dạy dỗ của mình đều thừa, vì Bi biết hết, chỉ có điều Bi… không làm. Có lần, Bi nghịch hỏng cái điều khiển ti vi. Đến chiều, mẹ vừa về Bi đã chạy ra khoe: “Mẹ ơi, mẹ đừng giận con nữa nhé, con sửa cái điều khiển cho mẹ rồi đấy”.

Biết đứa em trai ghé chơi đã tiện tay sửa giúp, mẹ Bi liền nghiêm giọng nói: “Mẹ nghe nói cậu Út sửa mà, đâu phải con!”. Bi cười cười: “Dạ, nhưng mà con phải nói vậy cho mẹ vui!”.

Mỗi lời nói lưu loát, đúng ý được thốt ra từ con trẻ đều khiến người lớn thấy mãn nguyện. Nhưng, với nhóm trẻ này, phụ huynh cũng dễ bỏ qua những răn dạy cần thiết vì tâm lý chủ quan rằng con đã biết.

Có những điều con nói ra lưu loát, nhưng đó chỉ là những biểu hiện của sự “bắt chước” rập khuôn, hoặc là một cách suy luận từ trí thông minh của con, chứ chưa chắc là con đã hiểu bản chất của lời nói đó. 

Vậy nên, trẻ mới có biểu hiện ngọt ngào trong lời nói, nhưng lại không sẵn sàng nhường đồ chơi cho em. Trẻ cố ý làm cho mẹ vui, ngay cả bằng cách nói dối. Sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nắm bắt tình huống của trẻ dễ “đánh lừa” phụ huynh, khiến họ mải mãn nguyện vì những biểu hiện tích cực bên ngoài mà quên bồi đắp những giá trị thực chất, những giải thích cặn kẽ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần. 

Con khon hon cha, nha co hoa?
Trẻ thông minh rất dễ "qua mặt" phụ huynh. Ảnh minh họa.

Chị Mai Tâm (kế toán, Tập đoàn Cao su Việt Nam):

Tôi từng có một đứa cháu khôn sớm. Trong lúc gia đình vui mừng vì điều đó thì con lại không có bạn, lên lớp thì bị cô lập, xóm giềng cũng không muốn chơi cùng. Tôi để ý thấy, ngay cả người lớn cũng không có thiện cảm với cháu, dù cháu chỉ là một đứa trẻ. Anh chị tôi khi đó là người lao động nên cũng không quan tâm nhiều đến bé ở góc độ tâm lý, chỉ thấy con thông minh hơn người thì rất vui. Lớn lên, cháu vẫn là người có tư duy tốt, nhưng rất cô đơn. Khi tiếp cận cháu (lúc này đã gần 30 tuổi), tôi thấy ở cháu có nhiều khúc mắc trong lòng, khiến cháu tự tách mình ra khỏi người khác. Tôi nghĩ, nếu từ nhỏ, cháu được cha mẹ gần gũi, lý giải từng tình huống nhỏ nhất trong cuộc sống để cháu hiểu cách mà mọi người đang nghĩ, đang làm, thì khoảng trống trong cháu không nghiêm trọng đến thế.

Thái Xuyên (giáo viên Trường mầm non Ánh Dương, Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) 

Tôi từng gặp nhiều đứa trẻ khôn kiểu vậy. Ban đầu, người lớn rất dễ bị “dội” vì các con quá tinh khôn. Những trẻ này thường ít hòa đồng với bạn bè và cũng khó để giáo viên đưa trẻ vào khuôn khổ lớp học như những trẻ khác. Nhưng, theo kinh nghiệm của tôi, những đặc điểm này là một lợi thế của trẻ chứ không phải một khuyết điểm. Nếu người lớn hiểu sự mất cân bằng giữa trí thông minh và sự phát triển bên trong của một đứa bé nhỏ tuổi, họ sẽ có cách nuôi dạy bé tốt. Việc cần làm là bồi đắp tâm hồn cho bé. Hãy chịu khó giải thích cho trẻ về những gắn bó tình cảm, kể những câu chuyện về tình yêu thương, khơi gợi sự rung động trong trái tim trẻ. Để mỗi sự nhanh nhạy trong ứng xử của trẻ đều được bao hàm một sự hiểu biết, thấu cảm thực sự chứ không chỉ là những cái vỏ ứng xử. Lúc này, bạn sẽ có một đứa trẻ tuyệt vời.

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI