Có nên để con sớm bươn chải?

22/09/2019 - 09:53

PNO - Ở cái chốn đàn bà sực nức phấn son, ăn mặc thoải mái, dập dìu nhảy nhót trong vòng tay những kép nhảy chỉ đáng tuổi em út, một cậu bé chưa kịp lớn như Khôi liệu có đủ sức để phát triển bình thường...?

1. Hè vừa rồi, bạn tôi gửi con gái qua tiệm trà sữa của một người quen. Người quen ái ngại bảo: “Sao bắt con vất vả sớm thế? Nhà cũng có điều kiện, đâu nhất thiết phải hà khắc dữ vậy”. Nhưng bạn tôi cương quyết đề nghị: “Dọn bàn cũng được, bưng bê cũng được, xớ rớ phụ bếp cũng được, cứ để bé Chíp quanh quẩn ở đây cho có không khí lao động. Tiền lương tôi trả, cứ đưa cho Chíp một khoản tượng trưng, để con biết kiếm tiền khó khăn tới mức nào”.

Chíp vốn vụng tay chân, ngại giao tiếp, nên mẹ bé chủ yếu muốn con ra ngoài cho đỡ lạ lẫm. Mới năm trước thôi, đi ăn quán với mẹ và em, Chíp muốn xin thêm một ly nước lọc mà cũng ngần ngại. Mẹ Chíp cứ mặc kệ, cuối cùng con nhỏ cũng thu hết can đảm mà lí nhí với anh phục vụ tuổi không hơn mình là bao. 

Co nen de con som buon chai?
Ảnh minh họa

2. Ở một phòng trà hát với nhau có cả khiêu vũ, tôi gặp Khôi, một cậu nhóc đang học lớp tám có bề ngoài thấp bé hơn tuổi. Quần tây đen, áo sơ-mi dài tay cài măng-sét cẩn thận, trông thằng bé chẳng khác gì mấy anh kép dìu thu nhỏ, vừa già dặn vừa tồi tội thế nào. Hỏi Khôi xem đây là quán nhà à, thì cậu bé bảo: “Con làm thêm buổi tối phụ mẹ thôi. Tháng một triệu tư đó cô. Con còn đi học chứ”.

Nhiệm vụ của Khôi là dẫn khách từ cửa vào chỗ ngồi, hỏi khách uống gì, cầm phiếu đưa về quầy và bưng nước ra. Thi thoảng rảo một vòng châm thêm trà đá. Nếu có ai sai biểu thì mang hoa lên tặng cho người đang hát. 

Không nặng nhọc gì, nhưng tôi chứ chạnh lòng nghĩ, chấp nhận cho con làm thêm ở môi trường này, hẳn cha mẹ Khôi đã không lường hết những hệ lụy của nó? Ở cái chốn đàn bà sực nức phấn son, ăn mặc thoải mái, dập dìu nhảy nhót trong vòng tay những kép nhảy chỉ đáng tuổi em út, một cậu bé chưa kịp lớn như Khôi liệu có đủ sức để phát triển bình thường và không bị ảnh hưởng?

3. Đối diện nhà tôi có một cô gái nhỏ đang học cấp III. Cha mẹ em làm nghề thu mua phế liệu. Công việc lúc có lúc không nên cuộc sống gia đình khá eo hẹp. Một buổi đi học, một buổi em đi dạy kèm, lại có hôm nhận phát tờ rơi, hoặc làm thời vụ ở quán phở. Nói chung em chẳng nề hà. Nhiều lúc nhìn qua, tôi bắt gặp con bé đang giặt đồ bằng tay cho cả gia đình. Hoặc vừa nấu cơm chiều vừa tranh thủ học bài. “Nhà đó coi nghèo chút nhưng thật có phước đường con cái” - chồng tôi có lần trầm trồ khen ngợi. Hẳn anh đang nghĩ tới hai cô con gái của chúng tôi, đến giờ vẫn còn đợi mẹ dỗ dành mới chịu uể oải ăn cho xong bữa. 

Từng có lần, chồng tôi đề nghị cho bà giúp việc nghỉ để con cái ý thức hơn trong việc phụ giúp việc nhà. Nhưng cái cảnh cuối chiều trở về, đối diện với cơm nước, quần áo, cả sự thờ ơ vụng về của hai cô con gái đứa lớp năm, đứa lớp bảy, chúng tôi hiểu rằng, mình đã sai lầm khi quá nuông chiều con từ bé. Để bây giờ, cắt một quả chanh, gọt một trái táo, con cũng không biết cách. 

Chỉ dạy chúng ư? Mình có thời gian, tâm trí và kiên nhẫn không? Trả công cho con để chúng tự phục vụ chính mình và việc chung trong nhà ư? Một lần ủi đồ hay lau một tầng lầu được trả dăm ba chục ngàn chẳng hạn. Cũng là một gợi ý thú vị mà không ít ông bố bà mẹ đã thử áp dụng, nhưng thành công hay không thì chưa dám bàn tới...

4. Lựa chọn cách nào để con biết quý trọng đồng tiền, hiểu giá trị của lao động, có thể chung tay xây đắp mái nhà mình đang sống, là tùy quan niệm và điều kiện của mỗi gia đình. Để con sung sướng từ bé đến lớn, hay tập cho con từng bước ra ngoài xã hội, hoặc buộc phải để con góp sức vào kinh tế trong nhà, đều chẳng có gì sai trái. Miễn là người lớn chúng ta tìm được phương án phù hợp, không bị mặt trái của đồng tiền hay tính chất công việc làm cho con trẻ bị ảnh hưởng là được. 

Gia Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI