Có một thiên thần về lại thiên đường...

04/11/2019 - 10:17

PNO - Hành trình cùng con tìm lại sự sống của đạo diễn Đỗ Đức Thành chạm đến trái tim nhiều người. Họ dõi theo Hạnh An qua từng ngày điều trị, cũng là để lòng ngưỡng mộ ngày càng dày lên trước tình yêu người cha dành cho con.

Cha tôi nói, ngày đầu tiên nhận kết quả tôi bị ung thư máu, ông cầm tờ giấy mà thấy như “nó đang tát vào mặt”. Còn tôi, một cô gái vừa bước vào tuổi mười tám với biết bao mơ ước và đam mê nghệ thuật, buộc phải sang một ngã rẽ mới của cuộc sống là “chiến đấu với căn bệnh ung thư”.

Sau một tháng điều trị ở Việt Nam không mang lại kết quả khả quan, mẹ tôi gục xuống và khóc. Cha tôi nắm tay mọi người trong gia đình, ông nói: “Hãy sống như dòng nước, dù có đá tảng chặn đường thì nước vẫn cứ vượt qua. Thử thách sẽ chỉ làm gia đình chúng ta dũng cảm và yêu thương nhau nhiều hơn”. 

Co mot thien than ve lai thien duong...
Đạo diễn Đỗ Đức Thành và con gái Hạnh An trong những ngày còn điều trị ở Singapore

Hai cha con tôi đã tìm hiểu rất nhiều phương pháp trị bệnh và cả các bác sĩ nổi tiếng điều trị căn bệnh ung thư máu tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tháng 7/2017, chúng tôi lên đường sang Singapore, lựa chọn một bệnh viện uy tín, bác sĩ có tâm để trao gửi niềm tin.

Tôi biết để có được chuyến đi Singapore này, cha đã phải bán rất nhiều tài sản, phải bỏ lại công việc của mình, để nắm chặt tay tôi trong hành trình mà chúng tôi đặt tên là “Singapore - Hành trình tìm sự sống”.

Tại quốc đảo giàu có và đắt đỏ, hằng ngày ông đẩy xe lăn đưa tôi vào bệnh viện, luôn mang lại hy vọng và niềm vui cho tôi với nụ cười nhẹ nhàng và thường trực câu nói: “Con thấy không, hôm nay đã tốt hơn hôm qua. À, hôm nay có vẻ chưa tốt, nhưng ngày mai chắc chắn sẽ tốt”.

Cha thay mẹ đi chợ, nấu cho tôi từng bữa ăn, giặt đồ, thay quần áo cho tôi, tối đến lại tiếp thêm sức mạnh bằng cách kể những câu chuyện vượt lên số phận của các bệnh nhân ung thư trên thế giới. Đêm đêm, tôi vẫn thấy cha làm việc và ngủ gật bên máy tính, mà cứ mỗi tiếng một lần lại kiểm tra xem tôi có sốt hay có triệu chứng gì không.

Sau bảy tháng “chiến đấu” ngoan cường như những chiến binh, hai cha con đã khóc trong hạnh phúc khi nhận kết quả thể hiện rằng việc ghép tủy của tôi đã thành công. Chúng tôi chia tay bác sĩ, y tá - những người tận tình chăm sóc tôi khi điều trị tại Singapore, để trở về với gia đình.

Co mot thien than ve lai thien duong...
 

Tôi nhớ như in ngày về là 26/4/2018, sau hơn bốn tháng sống vui vẻ và hạnh phúc cùng người thân, tôi bị tái bệnh. Các tế bào ung thư trở lại, xâm lấn 25% tủy xương. Bác sĩ nói tôi cần đến Singapore để điều trị theo phác đồ mới nhất. Tôi lặng lẽ nhìn cha, ông vẫn tươi cười, động viên mẹ và mọi người trong gia đình. Tôi quay đi khóc một mình, không phải vì sợ căn bệnh ung thư mà bởi thương cha, thương mẹ, buồn vì đẩy gia đình vào hoàn cảnh khó khăn khi tôi còn chưa một ngày đền đáp công lao sinh thành, nuôi nấng. 

Khi bạn đọc được những tâm sự này của “cô gái chiến binh” Đỗ Hạnh An - con gái  đạo diễn Đỗ Đức Thành - ghi lại một phần hành trình gai góc mà hai cha con đã trải qua suốt hai năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác ở đảo quốc sư tử, thì thanh xuân của Hạnh An đã mãi mãi dừng lại ở tuổi hai mươi.

“Vì con là một thiên thần, nên con chỉ ở với cha, mẹ hai mươi năm thôi. Sáng nay, đến lúc con phải trở lại thiên đường - nơi không còn nỗi đau nào hành hạ con nữa. Nơi đó tĩnh lặng, bình an nghe con cất tiếng hát. Nơi đó tháng ngày sẽ không đi, không đến, không vui, buồn, họa, phúc mà chỉ có an yên…” - người đạo diễn viết trên trang cá nhân của mình, cảm giác để bật ra những lời ly biệt này, anh đã phải nén lại rất nhiều đau thương trong từng tế bào cơ thể. 

Hành trình cùng con tìm lại sự sống của đạo diễn Đỗ Đức Thành đã chạm đến trái tim nhiều người. Họ dõi theo cô gái Hạnh An có nụ cười thật đẹp qua từng ngày điều trị, cũng là để thấy lòng ngưỡng mộ ngày càng dày lên trước tình yêu của một người cha dành cho con gái. 

Khi con cái đau bệnh, cha mẹ có thể thay nhau chăm sóc, nhưng đứng trước bản án tử của con mình, thường thì người cha sẽ giành việc sát cánh cùng con, bởi trong những lúc nguy cấp, đàn ông sẽ có những quyết định “mạnh tay” hơn phụ nữ. Và đó là cách mà Đỗ Đức Thành lựa chọn, khi bỏ hết công việc lại phía sau, để đồng hành cùng con trong suốt hành trình tìm lại sự sống. 

Co mot thien than ve lai thien duong...
 

Việc điều trị và sinh hoạt ở Singapore tốn kém gấp năm lần ở Việt Nam. Khi phải dừng lại mọi dự án nghệ thuật để đưa con đi chữa bệnh, Đỗ Đức Thành phải thu xếp rất nhiều vấn đề. Từ việc đi đứng thế nào, ăn ở ra sao, liên hệ bệnh viện, bác sĩ, để tìm ra phác đồ điều trị đúng, cho đến việc phải bán đi nhiều tài sản giá trị để có chi phí chữa bệnh.

Suốt nhiều tháng ở xứ người, Đỗ Đức Thành vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là điều dưỡng, vừa là nhà tâm lý, vừa là thợ thông cống, thợ điện, bốc vác, đầu bếp, y tá… Mỗi ngày anh đi chợ, nấu cơm, với một thực đơn hoàn toàn khó khăn đối với một bệnh nhân liên tục truyền dịch và mệt mỏi, buồn nôn khi nghe mùi thức ăn. Thấy con gái không thể nuốt nổi, anh không ngại ép trái cây lấy nước hầm với yến để con uống. 

Chăm sóc con về tinh thần thì lại không đơn giản như vậy. Anh chọn cách giúp con đối mặt với căn bệnh của mình, thay vì giấu giếm. “Khi đã biết điều mình sẽ phải đương đầu thì xác định luôn phương án chiến đấu chứ không còn cảm giác sợ nữa”, anh nói. Mỗi ngày, anh lại truyền lửa cho con bằng một niềm vui. 

Kết thúc ngày hôm trước, anh hé mở niềm vui của ngày hôm sau, cho Hạnh An cảm giác thích thú chờ đợi. “Con ơi hôm nay kết quả xét nghiệm tốt hơn rồi đấy”, “Ngày mai người bạn của bố là giáo sư về bệnh máu sẽ sang thăm con”, “Bố đã nhờ người bạn mang cây đàn từ Việt Nam qua đây cho con”… là những niềm vui nho nhỏ giúp cô gái quên đi sự hành xác của bệnh tật. 

Co mot thien than ve lai thien duong...
 

Kể về cảm xúc những ngày tháng đó, đạo diễn Đỗ Đức Thành cho biết: “

Những đêm con không thở được, lả đi trên tay mình, máy chạy tút tút quanh con như thể đang cào vào màng nhĩ. Con vật vã, nhức nhối vì bị tế bào ác tính hành hạ, cắn xé. Tôi nhìn từng dòng hóa chất truyền vào thân con, tóc con rụng từng mảng, mắt, môi xám ngắt. Tôi siết chặt tay con, nhìn con nghiến răng khóc không thành tiếng khi cánh tay con mổ phanh, thấy cả lớp cơ đỏ hỏn. Đi qua những trải nghiệm đau đớn đó, tôi vẫn chưa được khóc.

Ngày 26/9/2019, con ghép tủy lần hai. Con gồng mình chống chọi với xạ trị, hóa trị và hồi hộp mong tin vui. Hằng tuần trôi qua… ca ghép của con không thành công. Bác sĩ cầu nguyện cho con và nói: “Con chỉ còn một cơ hội là phải ghép tủy lại thật sớm, khi tế bào ung thư đang ngủ yên sau hóa trị”. 

Tôi đau đớn nhìn con nằm im lìm trên giường bệnh trắng toát, đáng căm ghét nhưng tôi vẫn không được khóc, vì còn phải là chỗ dựa cho con và gia đình. Tôi buộc phải đứng vững, không gục ngã để nắm chặt cơ hội cho con được sống. Dù chỉ còn một phần trăm hy vọng, tôi vẫn hy vọng đến cùng.

Co mot thien than ve lai thien duong...
 

Còn nhớ khi nhận tin tế bào ung thư tái phát, và trong nhà không còn nhiều thứ để bán, chuẩn bị chi phí (rất lớn) cho một trận chiến mới, con gái Hạnh An chột dạ nói với tôi: “Bố ơi, hay cho con ở lại nhà, con sẽ không sao đâu”. Tôi cương quyết trả lời: “Con có còn thở không? Con phải giữ niềm tin như giữ chính hơi thở của mình, và luôn nghĩ rằng một ngày nào đó con sẽ khỏe lại và cả nhà mình lại vui vẻ như xưa. Đi Singapore, việc còn lại để bố lo”…

Nhưng hôm nay, một phần trăm hy vọng cuối cùng ấy, cũng đã tắt ngấm… Trước khi chìm vào hôn mê, Hạnh An ra dấu cho mọi người, yêu cầu không ai được khóc, con sẽ OK. Tôi tự hứa với mình, sẽ không khóc để con an lòng. Nhưng nếu điều đó quá khó, thì Hạnh An ạ, cho cha khóc một tý thôi, có được không? 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI