Có chồng mà nằm bệnh một mình

22/07/2019 - 10:30

PNO - Giá chồng nán lại hỏi: “Em uống thuốc gì để anh mua?” hoặc: “Nay em mệt thì đừng nấu nướng, tối anh mua tạm cái gì về ăn”, chị đã chẳng hờn cả thế giới...

Cái không khí ẩm ương cùng những cơn gió trái mùa đã khiến chị bệnh thật, dù lúc nào chị cũng cẩn thận bảo vệ mình bằng khăn choàng, áo khoác. Cổ họng đau rát, đầu nhức như búa bổ, cơ thể rã rời khiến chị nằm bẹp không gượng dậy nổi.

Sáng ra, chồng vẫn diện chỉn chu đi làm. Dù đã thay vợ đưa con đến trường, nhưng câu nói hờ hững: “Em mệt thì cứ xin nghỉ”, anh bỏ lại trước khi quay lưng, khiến chị tủi thân phát khóc. Giá chồng nán lại một tí, chỉ để hỏi: “Em uống thuốc gì để anh mua?”, hoặc: “Nay em mệt thì đừng nấu nướng, tối anh mua tạm cái gì về ăn”, thì chị đã chẳng hờn cả thế giới. 

Co chong ma nam benh mot minh
Ảnh minh họa

Nhớ lại mỗi lần anh hắt hơi, sổ mũi hay khó ở trong người, chị đã xoắn xít đem về nào thuốc, nào lá xông, rồi cặm cụi nấu cháo thịt bằm cho anh dễ nuốt. Nghĩ đến việc đang mỏi mệt mà vẫn phải đi chợ, nấu cơm, cái máy giặt đầy ắp áo quần đang chờ phơi, sàn nhà bẩn mấy ngày chưa lau dọn, chị chỉ muốn bỏ mặc hết mọi thứ.

Hồi nhỏ, lúc mẹ chị bệnh, cha chị cứ loay hoay xoa dầu, nấu nước cho mẹ xông, nấu cháo gừng cho mẹ giải cảm. Quả thực, cha không phải người đàn ông tuyệt vời, nhưng chỉ mẹ con chị hiểu cha là một người chồng, người cha chu đáo thế nào.

Hôm rồi ngồi chờ khám trong bệnh viện, cô gái trẻ cạnh bên chị cứ lân la bắt chuyện từng người. Cô bảo thèm được như chị kia, đi khám mà có chồng sát bên, từ bốc số thứ tự, lấy kết quả siêu âm, đến mua thuốc đều làm giùm vợ. Rồi cô bắt chuyện với chị, khen chị “có phước”, dù anh chỉ chở chị đến bệnh viện rồi hẹn giờ quay lại đón vì còn đi công việc. 

Chỉ biết an ủi cô gái ấy (cũng là tự ủi an chính mình), dẫu sao, cô ấy cũng đang sở hữu một cuộc sống đầy đủ hơn biết bao người. Dẫu sao, chồng mình cũng ít thói hư tật xấu hơn nhiều người. Không biết chăm vợ bệnh, chỉ là một điểm trừ rất nhỏ mà thôi.

Co chong ma nam benh mot minh
Khi ốm bệnh, ai cũng dễ tủi thân, hờn cả thế giới. Ảnh minh họa

Nhìn cách ăn mặc sang trọng, nét đẹp cuốn hút, đủ thấy cô ấy đang sở hữu một cuộc sống nhiều người mơ ước. Nhưng hình như cô vẫn chưa hài lòng. “Chị biết không” - cô ấy bắt đầu tâm sự, “chồng em lúc nào cũng làm như thương em lắm, em muốn gì ảnh cũng chiều, mỗi chuyện chăm vợ bệnh là ảnh bó tay. Em đi sinh, ảnh ở nhà nôn gặp con lắm, nhưng nhất định không vô bệnh viện vì ngại vác mặt đến chỗ toàn bà đẻ.

Em bệnh, nhờ chở đi bác sĩ, ảnh nói em cứ tự đi taxi cho khỏe, ảnh không muốn tới mấy chỗ toàn bệnh tật, vi-rút, chờ đợi lâu lắc. Em té xe nằm viện, chỉ có chị giúp việc ra vô chăm sóc, ảnh giành ở nhà đưa đón con, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng em biết thực ra ảnh tránh vô bệnh viện. Đàn bà mình đáng thương ha chị!”. 

Mới thấy, khi chồng ốm, hầu hết việc nhà qua tay vợ đều “ngon lành cành đào”, nhưng chỉ cần vợ ốm ít hôm, sẽ thấy khác. Phụ nữ vốn tinh tế, nhạy cảm nên có thể đọc vị tâm lý của chồng ngay cả khi mới “khó ở” trong người. Trong khi bị ốm, phụ nữ không chỉ trải qua sự suy giảm thể chất, mà còn suy sụp tinh thần nên họ thường gắt gỏng vô cớ, một phần cũng vì họ mong người đàn ông của mình “luôn luôn thấu hiểu”. Mà đàn ông lại vốn hời hợt, ít để tâm tiểu tiết, càng không có khả năng “đọc, hiểu” người phụ nữ của mình.

Chợt nhớ trong nghi thức lễ cưới tôn giáo, có câu tuyên thệ: “Anh hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe…”, mới thấy hứa thì dễ, thực thi mới khó.

Co chong ma nam benh mot minh
Không phải bà vợ nào cũng biết tập cho chồng “quy tắc hai chiều” của tình yêu. Ảnh minh họa

Thực ra, lỗi do nhiều người vợ đã quen đơn phương lo cho chồng mà không tập cho anh ấy “quy tắc hai chiều” của tình yêu, nên chồng chẳng bao giờ nghĩ rằng vợ mình cũng cần được quan tâm, chăm sóc ngược lại. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, con người không phải một cỗ máy, phụ nữ càng chẳng phải siêu nhân để… cân cả thế giới.

Chẳng ai mong mình bệnh, nhưng đôi khi cũng cần dừng lại một chút, để lắng nghe tâm tư của người bạn đời, để biết lâu nay cách mình quan tâm đến họ có đúng đắn không, và những gì mình nhận lại đã xứng đáng chưa.

“Có phúc cùng hưởng” thì dễ, “có họa cùng chia” mới khó. Liệu có võ đoán không khi cho rằng, chỉ cần nhìn cách chồng cư xử khi vợ bệnh, là biết tình cảm người ấy dành cho vợ ít hay nhiều? 

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI