Có cần phân định rạch ròi tài sản giữa cha mẹ con cái?

16/08/2017 - 16:37

PNO - Nhiều người vẫn nghĩ, giữa cha mẹ và con cái không cần phân định rạch ròi tài sản vì nghe có vẻ tính toán, so đo.

Tin vợ chồng chị Phương chuyển ra ở trọ khiến mọi người bật ngửa. Mới đầu năm, chị còn tổ chức tiệc tân gia hoành tráng, mới cả công ty tới dự kia mà. 

Co can phan dinh rach roi tai san giua cha me con cai?
 

Chị làm nhà phải vay mượn nhiều, cũng may, miếng đất là của ông bà nội nên đỡ phần nào. Ngôi nhà nằm chung trong khuôn viên nhà chồng, nối thông với căn nhà cấp bốn của ông bà bằng cánh cửa nhỏ. Bạn bè mừng cho chị.

Nhưng có người kĩ tính hỏi: “Thế xây nhà rồi có tách luôn sổ đỏ không?”. Chị ậm ừ cho qua: “Hết đời ông bà cũng là của mình, việc gì mà lo”. Nói vậy để tránh tiếng thiên hạ, chứ mẹ chồng chị đời nào chịu. Bà cho đất làm nhà nhưng nhất quyết không sang tên cho con. 

Có nhà mới mà bạn bè đến chơi, chị Phương phải nhìn trước ngó sau, sắm sửa gì mẹ chồng cũng góp ý. Mẹ chồng chị cũng coi nhà con như phần cơi nới thêm của nhà mình.  Bà lập ngay một sòng bài ở lầu hai, rủ rê bạn hàng trong chợ tới giải trí. Chị uất ức, vì còng lưng trả nợ tiền làm nhà mà chẳng khác gì ăn nhờ ở đậu. Mẹ chồng nàng dâu lời qua tiếng lại, kết quả là bà thẳng thừng đuổi chị ra khỏi “đất” của bà. 

Rõ ràng phần đất đó đứng tên ông bà. Vì chủ quan nên lúc xin giấy phép xây dựng, chồng chị cũng lấy hộ khẩu của ông bà đi làm thủ tục cho đỡ phiền phức. Chị thở dài thườn thượt: “Đời ai biết trước chữ ngờ, bỗng chốc hóa trắng tay. Thôi thà bỏ đi làm lại, muộn còn hơn không”. Nói vậy, nhưng cảnh ở nhà thuê, thêm món tiền lãi hàng tháng của khối nợ xây nhà khiến chị Phương trở tay không kịp, không ít lần vợ chồng gây nhau.

Chuyện nhà bà Lan lại khác. Lúc con trai lấy vợ, ông bà đang ở nhà cấp bốn. Sau mấy năm, hai đứa cháu ra đời, nhà cũ trở nên chật chội, con trai bàn tính xây lại nhà. Ông bà không có tiền nên khuyên con cơi nới thêm phòng cho đỡ tốn kém. Nhưng vợ chồng con trai cho rằng, mỗi lần làm nhà vất vả nên phải làm cho to cho đẹp. 

Khổ nỗi, vợ chồng con bà đâu dư dả gì, dành dụm chưa được bao nhiêu. Con trai hối ba mẹ sang tên sổ đỏ để vay ngân hàng. Con dâu giải thích có vẻ hợp lí, thủ tục vay vốn phức tạp, sang tên để vợ chồng con lo cho tiện. 

Bà cũng đắn đo, vì cũng nghe đây đó chuyện cha mẹ tin tưởng giao hết tài sản cho con rồi nhận kết cục cay đắng. Nhưng ông cứ gạt đi vì rõ ràng đây là đất của ông bà. Thế là, sổ đỏ được sang tên, tiền vay ngân hàng, nhà cũ đập bỏ, nhà mới khang trang mọc lên. 

Ở trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát nhưng ông bà không chút thoải mái. Ông lỡ đi dép vào nhà vệ sinh hay bà vô ý làm vấy nước trầu ra sàn thì thể nào con dâu cũng mặt nặng mày nhẹ, bóng gió xa xôi. 

Con trai bố trí cho ông bà ở riêng biệt trên lầu hai. Điều khiến bà tủi thân nhất là từ ngày ở nhà mới, mọi góp ý về chuyện thờ cúng, bài trí, ăn uống trong nhà đều bị con dâu phớt lờ. Ông muốn nuôi mấy con chim hót cho vui cửa vui nhà nhưng hai con dẹp hết vì than hôi hám. 

Gần đây, bà còn nghe vợ chồng con trai cãi nhau chuyện nợ ngân hàng. Lúc giận, con dâu tuyên bố: “Anh không trả được thì bán nhà bán đất mà trả” khiến bà lo gần lo xa. Bà sợ một ngày không xa, đến mảnh đất hương hỏa của tổ tiên ông bà cũng không giữ được.

Nhiều người vẫn nghĩ, giữa cha mẹ và con cái không cần phân định rạch ròi tài sản vì nghe có vẻ tính toán, so đo. Nhưng thực tế, khi con cái có gia đình riêng, nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Cha mẹ đừng vội phó thác toàn bộ tài sản cho con và con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ nhưng cũng đừng quên quyền lợi của mình. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI