Có ai còn nhớ trò chơi cỏ gà

01/08/2019 - 17:30

PNO - Kẻ thắng đã đành là vui, nhưng người thua cũng vui. Vì hôm nay thua, mai ta lại thắng, lo gì…

Ngày nhỏ ở quê, chơi cỏ gà là trò chơi mà đứa trẻ nào cũng thích.

Cỏ gà có thân nhỏ mà dài như sợi chỉ nên còn gọi là cỏ chỉ. Những “sợi chỉ” ấy cứ âm thầm bò miên man trên mặt đất, tỏa lan về mọi hướng; gặp chỗ “thiên thời địa lợi” là lập tức ăn sâu bén rễ, khai sinh nguyên một lùm cỏ tua tủa lá kim. Cái lùm ấy, tương lai sẽ lại sản sinh ra những sợi chỉ mới vươn khắp tứ phương theo cấp số nhân. Chỉ cần một bụi cỏ chỉ bỏ quên, vài tháng sau sẽ biến thành vạt. Vạt bỏ quên thành đám. Còn đám bỏ quên? Đương nhiên là thành… rừng!

Vậy nên ngày chưa có thuốc diệt cỏ, nông dân khổ với lũ cỏ này không ít. Mất cảnh giác là cây trồng bị chúng lấn ngay. Trừ tiệt chúng (bằng phương pháp thủ công) thì… đừng có mơ; bởi những sợi chỉ mỏng manh cứ khua là đứt; mà đứt xong sẽ lập tức tái sinh với sức sống mạnh gấp nhiều lần…

Co ai con nho tro choi co ga
Ảnh minh họa

Vậy nhưng khi mọc hoang nơi đồng, bãi, gò, đồi, lũ cỏ này cũng có vẻ… được việc. Việc làm món chén cho trâu bò thì khỏi tính; bởi cỏ nào cũng có dự phần. Cái khác ở loài cỏ chỉ là: ngoài chuyện để ăn, chúng còn được dùng để chơi; cái trò chơi đã được cố văn sĩ Thạch Lam nhắc thoáng qua trong truyện ngắn Gió đầu mùa của ông: “… Sơn và chị chơi cỏ gà ngoài đồng còn thấy nóng bức hôi hổi…”.

“Chơi cỏ gà” thực chất là chơi chọi gà bằng… cỏ. Những sợi chỉ trong hành trình vươn xa, nếu không gặp nơi thuận lợi để cắm rễ mọc lên bụi mới, chúng sẽ dừng lại. Cái đầu chỉ bắt đầu mập lên, đâm lá. Búi lá đầu chỉ và cả đoạn chỉ nối cùng gốc mẹ sẽ to ra rất nhanh; ấy chính là những “con gà” mà lũ trẻ mải mê tìm kiếm. 

Chơi cỏ gà gồm hai công đoạn: công đoạn thứ nhất là đi săn “gà”. Cỏ chỉ thì bát ngát, nhưng những đầu chỉ biến thành “gà” lại không nhiều nên phải lùng. Tỏa đi mọi hướng, căng mắt, gí mũi xuống đất mà tìm. 

Tìm ra “gà” đã khó, tìm được “gà nòi” (tức những đầu gà to, mập, cần bự, dẻo) lại càng khó hơn. Phát hiện được là cả lũ hò reo, nhanh chóng xác lập chủ quyền nếu có đứa đi cùng. Cẩn thận vạch, bứt cho khéo, không để đầu gà bị đứt khỏi cần (bị đứt là coi như bỏ). 

Cảnh săn “gà” là một cuộc phiêu lưu thực sự với đủ màn hồi hộp, căng thẳng và cũng không kém phần gay cấn, nếu có một chú “gà” nào đó bị hai hay nhiều cặp mắt phát hiện đồng thời. Vậy mà vui; chỗ này í ới, chỗ kia hò la; đối phương hò la càng nhiều thì ta lại càng… thót tim; nhất là khi trong tay ta chưa săn được tên “gà” nào bộ dạng nên hồn.

Co ai con nho tro choi co ga
Ảnh minh họa

Cuộc săn kết thúc lúc cả đám đã kiếm đủ “gà” để sẵn sàng xung trận. Tụ tập dưới bóng cây, cột trâu bò, khoe chiến lợi phẩm xong là bắt đầu chọi. 

Thao tác chọi đơn giản lắm. Cầm phần thân (đoạn chỉ nối liền đầu gà với gốc cỏ mẹ), đưa búi lá đầu gà chơm chởm bù xù nhún nha nhún nhẩy ra trước. Luân phiên mỗi bên sẽ dùng sức quật, ngoặc cổ gà mình vào cổ gà đối phương. Kỹ năng chẳng có gì; chủ yếu là thi thố sức chịu đựng của mỗi chú “gà”. Chú nào bị gãy cổ, đứt đầu trước coi như thua, nhường chỗ cho “gà” khác thượng đài. Lần lượt đến lúc chỉ còn duy nhất một tên “gà” vô địch, giật giải quán quân thì cuộc so tài kết thúc. 

Giải thưởng chung theo thỏa thuận từ trước, có thể là một buổi chăn bò, củ khoai nướng vội, hoặc đứa thua cõng đứa thắng chạy một vòng quanh bãi chăn… 

Kẻ thắng đã đành là vui; nhưng người thua cũng vui - vì hôm nay thua, mai ta lại thắng, lo gì… 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI