Câu hỏi của tất cả các bà nội trợ: Làm việc nhà ai trả lương?

21/09/2016 - 11:30

PNO - Hầu hết các bà vợ đều không nghĩ đến việc đòi hỏi quyền lợi với công việc nhà. Đánh giá công việc nội trợ thế nào cho công bằng là câu chuyện thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền sẽ thảo luận cùng bạn đọc báo Phụ Nữ.

Câu hỏi này có lẽ sẽ khiến nhiều bà nội trợ bật cười… ngậm ngùi. Thông thường, hầu hết các bà vợ đều không bao giờ nghĩ đến việc đòi hỏi quyền lợi đối với công việc nhà. Đánh giá công việc nội trợ thế nào cho công bằng là câu chuyện thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền, nguyên Phó khoa Xã hội học - ĐH Mở, Phó chủ nhiệm CLB Công tác xã hội chuyên nghiệp TP.HCM, sẽ thảo luận cùng bạn đọc báo Phụ Nữ.

* Hiện nay, những công việc nhà như nấu cơm, đi chợ, giặt đồ, chăm sóc con… vẫn được coi là việc của phụ nữ. Chị nghĩ gì khi nhiều người cho rằng làm việc nội trợ là thiên chức của người phụ nữ?

- Khi nói “thiên chức” tôi nghĩ đến những nhiệm vụ quan trọng, chỉ phụ nữ mới làm được như mang thai, sinh con và cho con bú bằng sữa mẹ. Còn những việc trong gia đình như dạy dỗ con cái, chăm sóc người già, người bệnh, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn… thì ai cũng có thể làm được.

Có những ông chồng, khi vợ sinh con đã nấu ăn, chăm con, giặt giũ quần áo cho cả nhà, thay tã, pha sữa, tắm cho con… một cách khéo léo. Bản thân người phụ nữ cũng không phải sinh ra là tự biết nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp, chăm sóc sức khỏe cho cả nhà… mà phải học hỏi từ bà, mẹ, hoặc chị của mình, dần dần họ mới làm công việc đó như một “sự phân công lao động” vì ai cũng trông vào họ, thay vì trông vào người đàn ông trong nhà. Như vậy, nội trợ hoàn toàn không phải “thiên chức của phụ nữ” như người ta từng nghĩ, từng nói.

Cau hoi cua tat ca cac ba noi tro: Lam viec nha ai tra luong?

* Những bà vợ nội trợ, hoặc vừa đi làm vừa nội trợ thường ví mình là “đầy tớ không lương” trong nhà. Có cách nào cân đong đo đếm được giá trị của lao động nội trợ?

- Vào thập niên 50, 60, đàn ông đi làm thường được hưởng thêm trợ cấp cho vợ, con. Người vợ ở nhà làm việc nhà và trong lý lịch, con cái thường ghi nghề nghiệp của mẹ là “nội trợ”. Như vậy, nội trợ từng được xem là một "nghề" có giá trị kinh tế riêng.

Lao động nội trợ bắt đầu từ sáng sớm lúc thức dậy, cho đến khi đi ngủ. Nếu tính tổng thời gian, chắc chắn là hơn tá m tiếng một ngày. Lao động nội trợ giúp tái tạo sức lao động cho các thành viên trong gia đình đang làm việc bên ngoài, khi về nhà họ đã có sẵn bữa cơm, quần áo sạch sẽ và nhà cửa gọn gàng… Nếu tính như thế thì lao động nội trợ phải được trả lương vì đã tạo ra sản phẩm là sức lao động của những thành viên khác trong gia đình.

Ngày nay, những biến đổi trong xã hội đã kéo theo sự biến đổi vai trò của phụ nữ. Trong dòng nghề nghiệp của người mẹ, đã thấy đa dạng ngành nghề như công nhân, kinh doanh, nhân viên, công chức, giáo viên… Tuy nhiên, cho dù có nghề nghiệp hẳn hoi nhưng việc nội trợ vẫn dồn về người phụ nữ.

Những gia đình có điều kiện kinh tế thì thuê người giúp việc. Khi đã thuê người thì phải trả lương, tùy theo thỏa thuận, mức lương này cũng không thấp so với một số ngành nghề khác. Với những gia đình khó khăn hơn, sau giờ làm việc về nhà, người phụ nữ phải cáng đáng mọi việc nội trợ mà ít hoặc không có sự chia sẻ của các thành viên khác trong gia đình. Như vậy, trong trường hợp này, giá trị lao động của người phụ nữ phải được tính ra như lương phải trả cho người giúp việc.

* Trong thực tế, không ít phụ nữ phải nghỉ việc tạm thời hay dài hạn để chăm sóc gia đình. Nội trợ không thể xem là sự nghiệp của người phụ nữ sao?

- Thật ra, quán xuyến mọi việc trong gia đình một cách nền nếp, giúp mọi thành viên có cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, hạnh phúc là một việc hết sức quan trọng. Khi người phụ nữ phải hy sinh ở nhà làm việc nhà để các thành viên khác đi làm, tức là đã phải gánh vác phần trách nhiệm hết sức nặng nề này.

Tuy nhiên, những người thiển cận thường nghĩ, chỉ những người làm ra tiền để nuôi sống gia đình mới là người quan trọng, nên vai trò của người phụ nữ ở nhà bị lu mờ, đôi khi bị xem thường. Cách nghĩ này cần được xóa bỏ, để việc nội trợ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, như một công việc lao động thực thụ, tạo ra sản phẩm lao động cho gia đình, cho xã hội, và do đó phải được xem là sự nghiệp của người phụ nữ vì lý do nào đó không thể tham gia trực tiếp vào thị trường lao động bên ngoài.

* Chị nghĩ thế nào về cái gọi là “ bệnh của bà nội trợ”?

- Không ít phụ nữ đang có công việc thật tốt ngoài xã hội nhưng lòng lại luôn tự hỏi: “Liệu mình có đúng là một phụ nữ thật sự trong mắt mọi người?”. Cuối cùng, nhiều người đã chọn cách quay về vui thú với việc nhà. Tuy nhiên, khi đó trong họ lại xuất hiện một ray rứt thầm lặng, âm ỉ. Chứng “bệnh” cô đơn trong nhà xuất hiện khi người phụ nữ không hoặc ít tiếp xúc với người khác.

Họ còn chịu sức ép bởi sự hoang mang trước những chương trình quảng cáo trên truyền hình, thúc đẩy họ phải thay đổi, phải chạy theo những loại thực phẩm mới, những gia vị nổi tiếng, những phương tiện gia dụng hiện đại.

Một số ít phụ nữ nội trợ có khuynh hướng nổi loạn, đôi khi ngấm ngầm, đôi khi bộc lộ rõ, để giải thoát khỏi tâm trạng bị dồn nén, kiểu như Nora - một người phụ nữ có học, gia đình quyền quý, nhưng chỉ ở nhà để lo cho đám con - trong Ngôi nhà búp bê, vở kịch nổi tiếng của Henrik Ibsen.

* Bản thân chị có được "trả lương” vì những công việc chị làm ở nhà không? Ai trả? Bằng cách nào?

- Từ “trả lương” thật hay, nếu những người trong gia đình thấu hiểu công việc nội trợ, đánh giá đúng sức lao động của người thực hiện công việc đó. Thực tế, gần như không ai làm việc nhà mà nhận “lương” hoặc thù lao từ người thân trong gia đình, trừ khi có thỏa thuận theo kiểu một người phải từ bỏ công việc đang làm để chăm sóc người thân đau ốm và lo việc phục vụ cho gia đình.

Với tôi, “lương” nhận được từ lao động việc nhà là những lời khen cho vài món ăn ngon, nhưng chỉ thỉnh thoảng (có lẽ người nhà tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của tôi, không cần khách sáo khen chê). Những dịp như 8/3, 20/10, hoặc tết, lễ, khi đi mua sắm cùng gia đình, chồng con tôi cũng mua tặng “bà nội trợ” một chiếc nồi, cái chảo, hoặc vài món đồ hiện đại, để phục vụ cho việc nấu nướng tốt hơn. Thế thôi!

* Xin cảm ơn chị!

Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI