Chồng ngập trong stress, vợ lại nghi có bồ

08/11/2019 - 11:19

PNO - Trước phiên tòa ly hôn, người trong cuộc luôn dẫn chứng hàng loạt tình huống “khó ưa” của bạn đời. Có thật là người mình từng yêu, từng lựa chọn, nay đã tệ bạc đến thế?

Người mình từng yêu, từng lựa chọn, có thật là tệ bạc, hay họ đang gặp khó khăn, chướng ngại tâm lý cần giúp đỡ, mặc dù có thể họ tỏ ra thiếu thiện chí, bất hợp tác? Có những bị đơn trong vụ ly hôn nhất quyết không đồng thuận chia tay, nhưng quay về gia đình, họ vẫn giữ nguyên thái độ thờ ơ, bất cần. 

Chong ngap trong stress, vo lai nghi co bo
Ảnh minh họa

Chị Kim Hồng (Q.4, TP.HCM) nghi ngờ chồng có bồ, vì nửa năm nay anh ta có nhiều biểu hiện lạ: không hòa mình vào sinh hoạt chung của vợ con, thường lên sân thượng một mình, hút thuốc lá, sử dụng điện thoại đến khuya, chuyện gối chăn hững hờ, lạnh nhạt…

Nhiều lần chị gợi ý chồng tâm sự, nhưng anh gắt gỏng rồi bỏ đi chỗ khác. Một tối, chị Hồng có việc đột xuất nên về trễ, đường mưa ngập nước, xe tắt máy, gọi cầu cứu anh thì chỉ nghe câu nói phũ phàng: “Đi được thì về được!”. Vừa khóc tức tưởi vừa vật lộn với chiếc xe tay ga giữa biển nước, rồi chị cũng về tới nhà. Chị hy vọng anh ra phụ chị dắt xe vào, nào ngờ, anh vẫn ở lỳ trong phòng. Gọi mãi anh mới ra mở cửa, vẻ mặt hầm hầm.

Căn phòng ngổn ngang bừa bộn với tủ tài liệu của chị bị anh lôi ra cắt vụn. Chị xộc tới định hỏi, nhưng thấy vẻ mặt và thái độ dữ tợn khác thường của anh với cây kéo trong tay, chị nín lặng rút lui. Chị cầu cứu nhà chồng, và may thay, với sự động viên của gia đình, chồng chị Hồng được đưa đi khám chuyên khoa tâm thần kinh và được chẩn đoán trầm cảm nặng, sau cú sốc người bạn thân bị xe đụng chết không toàn thây.

Chong ngap trong stress, vo lai nghi co bo
Ảnh minh họa

Chồng chị cần điều trị dùng thuốc và phối hợp hỗ trợ tâm lý. Thời gian trước mắt và lâu dài, bệnh nhân rất cần sự đồng hành, tiếp sức của người bạn đời và đại gia đình. Chị Hồng hối hận vì không hiểu, để chồng chìm ngập trong stress bấy lâu, giờ thì thương còn không hết, có đâu nghi ngờ, trách giận hay nghĩ đến chuyện bỏ nhau.

Có khoảng 15% người Việt Nam mắc các rối loạn liên quan tới stress, lo âu, trầm cảm (thống kê của Bộ Y tế năm 2017). Con số này trên thực tế có thể lớn hơn và gia tăng theo thời gian với guồng quay của nhịp sống hiện đại nhiều áp lực, ít được giải tỏa, cân bằng. Nếu cập nhật kiến thức về stress, và thường xuyên quan sát người thân, cũng như lắng nghe bản thân, bạn có thể nắm bắt những biểu hiện căng thẳng và tìm giải pháp thoát khỏi nó, chứ không đợi đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc mới ý thức được thì đã muộn.

Ở giai đoạn nào đó trong đời, ai cũng từng đối mặt với trạng thái u sầu, chán chường. Theo nghiên cứu của Thomas H. Holmes và Richard H. Rahe (Mỹ), mười sự kiện hàng đầu gây ra căng thẳng ở người lớn có thể dẫn tới bệnh là: cái chết của vợ hoặc chồng, ly thân, ly hôn, bị tống giam, cái chết của thành viên thân thiết trong gia đình hay bạn bè, bị thương tích hoặc bệnh tật nghiêm trọng, kết hôn (trước đám cưới người ta cũng có thể bị stress, nhất là đám cưới đó gặp nhiều trục trặc), mất việc (tài chính sụt giảm bất ngờ), nghỉ hưu cũng là nguy cơ gây stress…

Không ai có thể tránh được những biến cố vô thường ấy xảy đến với cuộc sống của mình và gia đình, nên điều quan trọng là tâm thế đối mặt trước nghịch cảnh. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI