Chia sẻ điện thoại với con, tại sao không?

08/06/2019 - 14:00

PNO - Lúc nào tôi cũng phải kè kè điện thoại, kể cả đi vệ sinh - phòng khi các cộng sự có trục trặc trong công việc... Vì vậy, khi con đã 12 tuổi - tôi vẫn không buông được điện thoại để dành thời gian cho con.

Tôi quản lý một đơn vị truyền thông, công việc buộc tôi 5g-5g30 sáng đã dậy đọc báo và lướt thông tin mạng để nắm tình hình. Từ đó tôi mới phân công việc cụ thể cho nhân viên. Tôi làm việc với nhân viên qua mạng, với số lượng 50 nhân viên mà một người chỉ chục câu qua lại cũng đã ngốn cả đống thời gian.

Lúc nào tôi cũng phải kè kè điện thoại, kể cả đi vệ sinh - phòng khi các cộng sự có trục trặc trong công việc, cần sự trợ giúp, nên tôi không bao giờ rời mắt khỏi chiếc điện thoại - dù tôi đã tự nhủ cả ngàn lần: phải dành thời gian cho con nhiều hơn - nhưng cả ngàn lần tôi đều thất hứa. Đến khi con tôi đã 12 tuổi - tôi vẫn không buông được điện thoại để dành thời gian cho con.

Chia se dien thoai voi con, tai sao khong?
Ảnh minh họa

Con thích đi học được mẹ đưa đón - nhưng lúc đó tôi đang cao điểm của công việc. Con muốn mỗi tối được “tám” với mẹ trước giờ ngủ, tôi cũng bất lực. Rất nhiều lần con lên giường rồi tôi vẫn còn miệt mài ở cơ quan. Gần đây, con tâm sự: “Mẹ ơi, con biết mẹ bận lắm, nhưng tại sao mẹ dành thời gian cho nhân viên của mẹ được, mà mẹ không dành thời gian cho con?”. Lời này của con làm tôi suy nghĩ mãi. 

Con đang tuổi dậy thì, sẽ bắt đầu có những rung động hay bỡ ngỡ trước nhiều thay đổi tâm sinh lý, cần mẹ chia sẻ, tư vấn, định hướng hơn bao giờ hết. Vì vậy, tôi quyết tâm làm một cuộc cách mạng ngay sinh nhật của con: sẽ buông điện thoại để chơi với con. Nhưng đặc thù công việc của tôi vẫn vậy, trừ khi tôi nghỉ việc mới buông được điện thoại. Vậy là tôi quyết định chia sẻ điện thoại với con. 

Tôi kể cho con nghe việc ở cơ quan, hôm nay chú A, cô B… phải đi làm việc gì, và mẹ đang hỗ trợ gì cho cô chú. Vì vậy, buổi tối khi tôi đi tắm thì điện thoại ở trong tay con gái, chốc chốc con gái lại lên tiếng: “Mẹ ơi, cô H. nhắn mẹ nói đã phỏng vấn ông giám đốc sở xong rồi”. Tôi trả lời: “Con nhắn giùm mẹ, mẹ con đi tắm rồi và con đã báo với mẹ, mẹ nói ok”.

Hay khi tôi đang nhắn tin trao đổi công việc với nhân viên thì tôi cũng nói với con: “Mẹ đang nhắn tin cho chú S. - hôm nay chú ấy phải đi công tác ở miền núi phía Bắc, viết về những trẻ em vùng cao không được đến trường”. Con gái nghe vậy nói: “Thương các em trên đó quá mẹ ha, thiếu thốn đủ thứ, mong là nhiều cầu được làm, nhiều trường được xây để các em ấy đều được đi học”… 

Vậy đó, thời gian ôm điện thoại trước đây giờ đã thay bằng những trò chuyện của hai mẹ con, đủ mọi chuyện trên đời. Thói quen giao tiếp liên quan đến công việc của mẹ đã khiến con vui vẻ hơn, không còn khó chịu khi nhìn mẹ khư khư ôm điện thoại nữa. 

Chia se dien thoai voi con, tai sao khong?
Ảnh minh họa

Một buổi tối con tôi thủ thỉ: “Mẹ ơi, con hiểu công việc của mẹ rồi, mẹ vất vả quá. Giờ con không đòi mẹ dành thời gian cho con nữa đâu. Vì cô chú đi làm ngoài kia nguy hiểm lắm, cô chú cần mẹ hơn con”. Tôi không ngờ việc chia sẻ công việc với con lại có hiệu quả như vậy. 

Tôi không đặt nặng vấn đề phải “buông điện thoại để có một giờ trọn vẹn cho con”, mà quan trọng là sợi dây kết nối giao tiếp giữa mẹ con. Dù mỗi chiều tôi vẫn không đón con tan học, nhưng tôi biết những tháng qua, ký ức của con sẽ có hình bóng của mẹ với những nụ cười, những nụ hôn vội vàng, những câu chuyện lẫn lộn giữa mẹ con và công việc của mẹ. 

Và giờ tôi đã biết ngày mai con sẽ học môn gì, thầy cô đó hài hước/khó tính như thế nào. Giữa mẹ con tôi không còn khoảng thời gian chết - dù tôi vẫn phải kè kè chiếc điện thoại. 

Đặng Thu Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI