Chị lâm bệnh nặng, em gái có thể thỏa thuận chia tài sản với anh rể không?

04/06/2019 - 17:04

PNO - Chị gái bệnh tật, tôi là người chăm sóc. Tôi và anh rể viết thỏa thuận: nếu bán nhà thì chia hai, phần của chị sẽ do tôi giữ để lo thuốc men và chăm sóc. Liệu như vậy có hợp pháp không?

Hỏi: Anh rể và chị tôi kết hôn năm 1990. Năm 2015, chị tôi bị tai nạn nằm một chỗ. Anh rể vì đi công tác nước ngoài thường xuyên nên nói với tôi chăm sóc vợ anh giúp. 

Chi lam benh nang, em gai co the thoa thuan chia tai san voi anh re khong?
Ảnh minh họa

Tôi và anh rể viết thỏa thuận tay với nhau, rằng nếu bán được căn nhà của anh chị hiện tại thì số tiền đó chia hai, phần của chị sẽ do tôi giữ để lo thuốc men và chăm sóc. Cho tôi hỏi, chẳng may chị tôi qua đời thì tài sản trên chia như thế nào?

Nguyễn Phương Ly (Q.10, TP. HCM)

Chào bạn, trước hết cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

Theo nội dung bạn cung cấp thì căn nhà dự định bán là tài sản chung của vợ chồng chị gái bạn. Về nguyên tắc, nếu không có thỏa thuận khác thì giá trị căn nhà này mỗi bên vợ, chồng hưởng một nửa theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (có tính đến công sức đóng góp). Vì vậy, nếu chị của bạn mất, vấn đề thừa kế sẽ phát sinh trên phần tài sản của chị gái bạn.

Chi lam benh nang, em gai co the thoa thuan chia tai san voi anh re khong?
Ảnh minh họa

Theo như thỏa thuận giữa bạn và anh rể, phần của chị sẽ do bạn giữ để lo thuốc men và chăm sóc, nhưng văn bản này chưa có đầy đủ sự đồng ý của cả hai vợ chồng chị  gái bạn. Vậy khi chị bạn mất, về nguyên tắc, nếu bạn là người bỏ tiền ra chăm sóc và thuốc men cho chị hằng ngày thì bạn được thanh toán chi phí thuốc men và chăm sóc từ giá trị tài sản của chị bạn để lại. Chứ không phải là toàn bộ giá trị của phần di sản.

Do thỏa thuận giữa bạn và anh rể không phải thỏa thuận về tài sản chung vợ chồng, và đó cũng không phải di chúc hợp pháp của chị bạn. Nên phần giá trị tài sản còn lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế và bạn là em của người để lại di sản thì chỉ đứng ở hàng thứ hai trong danh sách thừa kế.

Luật sư Trần Thị Mĩ Hiền

(Đoàn Luật sư TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI