Chẳng bà vợ nào thích bị bỏ rơi... bên bàn ăn

23/09/2019 - 08:35

PNO - Không có người phụ nữ nào cảm thấy vui khi mất hai tiếng đồng hồ đi chợ nấu nướng, để rồi nhìn chồng con ăn cho xong bữa chỉ trong vòng vài mươi phút.

Chang ba vo nao thich bi bo roi... ben ban an
Hạnh phúc của phụ nữ đơn giản lắm, lắm khi chỉ là sự hài lòng của chồng con trên bàn ăn. Ảnh minh hoạ

Chồng tôi không phải không có thời gian thưởng thức các món vợ nấu, cũng không phải tôi nấu ăn dở tệ đến nỗi anh chỉ ăn qua loa lấy lệ. Bản thân tôi nghĩ rằng, công việc chính của mình là nội trợ, nên một khi đã vào bếp, tôi luôn làm với tâm thế hồ hởi, hy vọng sẽ mang lại bữa ăn ngon và những giây phút ấm cúng, vui vẻ cho cả nhà.

Hôm qua tôi đã nói với chồng con nỗi niềm của mình, rằng tôi phải mất rất nhiều thời gian để đầu tư cho việc bếp núc, mà chồng con có vẻ như ăn chỉ để tồn tại, chứ không để ý gì đến tâm trạng người nấu. Điều đó khiến tôi rất buồn. 

Tôi không cần chồng khen, tôi biết tính anh không thích lấy lòng người khác bằng những tán dương ca tụng, nhưng chỉ cần chồng tỏ thái độ hài lòng với tình cảm vợ đặt vào những bữa cơm nhà, bằng cách nhâm nhi thức ăn và nán lại bên bàn ăn lâu hơn một chút. Hoặc trong những buổi ăn chung, được nhìn cả nhà hào hứng trò chuyện rôm rả, cũng khiến tôi hạnh phúc lắm rồi.

Đáp lại bức xúc của vợ, chồng tôi bảo vì tôi ở nhà nội trợ nên dễ tự ái rồi suy nghĩ lung tung. Tôi thì không nghĩ thế. Công việc nội trợ là do tôi chủ động. Mà nội trợ cũng không có nghĩa chỉ đóng khung trong các hạng mục dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, con cái. Tôi còn làm những công việc giá trị khác, vẫn kiếm ra tiền và có điều kiện giao tiếp với bên ngoài, sao có thể nói là ở nhà nội trợ rồi đâm tự ái? 

Những món ăn tôi nấu, phần nhiều là những món chồng con ưa thích. Tôi vốn cầu kỳ, thích trang trí mâm cơm thật bắt mắt, vậy mà có hôm, chồng gạt phăng quả cà chua được cắt tỉa thành bông hoa rực rỡ sang bên, khiến nó bị úp ngược, chỏng chơ đến tội nghiệp. Thỉnh thoảng, tôi gắp thức ăn cho con, vì muốn thể hiện sự quan tâm, muốn con ăn nhiều món cho đủ chất, thì chồng bảo: “Để tự con ăn, nó thích gì gắp nấy”. Phần anh ấy, cứ xong bữa là rời bàn, coi như hoàn thành nhiệm vụ. 

So với chồng, tôi ăn khá chậm. Chồng xử lý gần hết ba chén cơm thì tôi mới vừa xong lưng chén. Ăn xong anh đi tìm nước uống, ra sân hút thuốc, vào xem ti vi, bỏ mặc vợ bên mâm cơm hiu quạnh. Lúc ấy tôi nghĩ, có khi nào vì mình nấu ngon nên chồng mới ăn nhanh như thế, chứ nếu dở thì nuốt sao vô? Rồi kết luận theo kiểu tự an ủi: chắc là anh ấy chỉ hơi vô tâm thôi.

Chang ba vo nao thich bi bo roi... ben ban an
Ảnh minh hoạ

Ngồi lại một mình, tôi tự thưởng thức những gì mình nấu, cảm thấy khá hài lòng khi mình biết chọn lựa thực phẩm tươi sống, đủ dưỡng chất cho những người thân yêu, cũng biết thay đổi thực đơn mỗi ngày để không bị ngán. Nhưng chỉ vì ăn một mình, mà cảm giác không còn ngon nữa. 

Cứ cho rằng “nam thực như hổ”, nhưng đâu thể ăn xong bữa cơm là xong trách nhiệm. Nán lại một chút cũng có tốn thời gian lắm đâu. Nán lại để xem người thân của mình ăn có ngon miệng không, hôm nay có gì cần chia sẻ không. Nán lại để gắp cho vợ chút thức ăn, động viên cô ấy ăn thêm để lấy sức nuôi con, lo việc gia đình. Đó là cách bày tỏ tình cảm thiết thực, giúp người phụ nữ cảm thấy được quan tâm, và con cái cũng sẽ nhìn theo hành động đó mà học hỏi. 

Tôi nghĩ, vợ chồng con cái đều có trách nhiệm làm cho không khí bữa cơm trong gia đình trở nên ấm cúng, vui vẻ, bởi đó là thời điểm hiếm hoi cả nhà được quây quần bên nhau, là cơ hội tốt nhất để hỏi han, chuyện trò, bên cạnh việc thưởng thức tay nghề người nấu. Sự vô tâm của chồng con khiến tôi không còn hứng thú vào bếp nữa…


Hy vọng sau chia sẻ tha thiết này, chồng tôi sẽ nhận ra rằng, việc ăn uống, không chỉ để nuôi cơ thể, mà còn thể hiện văn hóa, tình yêu, trách nhiệm đối với bản thân và những người xung quanh. 

Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI