Cha mẹ già như trăng với nước

14/05/2018 - 06:30

PNO - Cha mẹ tôi đã bước qua ngưỡng bảy mươi. Đáng ra chị em tôi phải vui vẻ vì ít ra cha mẹ cũng sống được tới từng tuổi ấy và không bị bất cứ chứng bệnh nan y nào

Cha mẹ tôi đã bước qua ngưỡng bảy mươi. Đáng ra chị em tôi phải vui vẻ vì ít ra cha mẹ cũng sống được tới từng tuổi ấy và không bị bất cứ chứng bệnh nan y nào. Gia đình không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Chị em chúng tôi có công việc làm ổn định và dù có riêng có tư nhưng vẫn thương yêu giúp đỡ nhau.

Thế nhưng, điều buồn cười nhất của chị em tôi là tính tình cha mẹ tự dưng cứ như trăng với nước. Ông nói câu này, thay vì bà hiểu theo chiều thuận là xong, đàng này bà hiểu theo chiều ngược và sinh ra “nghịch nhĩ”.

Cha me gia nhu trang voi nuoc
Ảnh minh họa

Ví dụ thường khi mẹ nấu món cá kèo kho rau răm, nhưng nay bà đổi vị muốn chua chua thêm me vào. Vị chua của me, béo của dầu ăn và thơm tho của hành tím làm cha khen nức nở “Hôm nay bà làm món cá kèo kho me thật là đệ nhất thiên hạ nhen” và ăn một lúc ba chén cơm.

Đáng ra, mẹ nên hiểu đó là lời khen thật lòng và cười vui là xong, nhưng bà hỏi ngược lại “Vậy trước giờ các món khác đều dở nhất thiên hạ à”. Rồi bà bỏ cơm ngồi lu loa kể lể. Mà trời đất ơi cái sự kể của mẹ tôi nó dài suốt nửa thế kỷ vậy đó. Từ ngày ông bà mới lấy nhau, hạt muối cắn đôi, tấm áo xẻ nửa đến khi sinh con mà cơm chẳng đủ no rồi nuôi con một mình cho chồng đi học thêm bằng cấp… Chung quy là “dày công hạn mã” lắm cho cái nghĩa vợ chồng, để giờ nhà cửa thênh thang thì chồng chê ngon chê dở.

Cha tôi… á khẩu. Bữa cơm sau không dám ý kiến gì thì mẹ bảo sao mà “im như hến”, bộ có tình ý gì khuất tất hay sao mà không dám nhìn vợ mà nói chuyện. Mà ở tuổi ngoài bảy mươi rồi còn có thể “tình ý” gì hay sao.

Ngược lại, cha tôi cũng càm ràm rằng mẹ tôi dạo này sao khó tính quá “Biết vậy hồi đó ông nội tao biểu, tao cũng không dám cưới”. Đơn cử, việc khó tính của mẹ là khi ru đứa cháu nội ba tuổi ngủ, mẹ hay hát những bài ca dao dân ca “Con cò bay lả …là lả…bay la… Bay từ là từ của phủ… bay ra là ra cánh đồng” rất dịu dàng dìu dặt. Còn cha tôi lại xài… nhạc chế. Ví dụ “Ai đang đi trên cầu Bông/ Rớt xuống sông ướt cái quần ni lông…”. “Cắc cùm cum đập đầu con cá lóc/ nấu canh chua bỏ ớt dầm me…” nghe rất vui tai và mắc cười. Nhưng mẹ bảo đó là không nghiêm túc, là tập cho cháu nói bậy. Thế là gây nhau.

Cha me gia nhu trang voi nuoc
Ảnh minh họa

Sau khi gây nhau xong, cha mẹ tôi còn khuyến mãi thêm chương trình “tìm người cùng phe” nữa chứ! Ấy là ông sẽ kiếm đứa con này kể nguyên nhân, vụ việc xem ông làm như vậy là đúng hay sai. Bà sẽ gọi điện thoại cho đứa con kia kể chuyện vừa xảy ra xem bà ứng xử vậy là sai hay đúng. Nghe riết, chị em tôi nhức đầu và đem hai sự vụ ghép lại thì ra… trớt quớt. Tôi bảo rằng có thể do tuổi tác làm thay đổi tâm tính, cha mẹ đã bên nhau suốt 40 năm rồi, giờ “ráng chịu” thêm 20 năm nữa thôi chứ mấy! Cha cười rung rinh hàm răng chỉ còn duy nhất một chiếc mà bảo rằng “Nếu mẹ bây mà hiểu như bây vậy thì hay biết mấy”.

Thì ra ai cũng muốn phần phải về mình nên kể phần quấy “nhín nhín” lại một chút.

Tuy nhiên, ngộ một điều, gây nhau hoài vậy đó nhưng một trong hai người ho hen, sốt cảm là người còn lại lo sốt vó lên ngay. Có phải vì trăng và nước nên hay vờn nhau rồi quấn quýt với nhau như vậy không? Tôi không biết có cha mẹ ai có được tuổi già “vui” như cha mẹ tôi không. 

Kim Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI