Buông điện thoại để dành thời gian cho con: nói thì dễ

12/03/2019 - 18:44

PNO - Buông điện thoại xuống, dành thời gian cho con- điều ấy nói thì dễ nhưng làm thì khó bởi trong cái smartphone ấy là công việc, là ngân hàng, thậm chí là… bữa ăn của con.

Không phải tự nhiên mà nhiều người từng mang cảm giác như bị cô lập trên một hoang đảo nếu ngày hôm ấy đến công sở mà bỏ quên điện thoại ở nhà. Trên mạng xã hội, nhiều người phải kêu lên: Làm sao để “cai” điện thoại? Người khác, trong chuyến du lịch đâu đó ở chốn xa hun hút, mừng rỡ: Mình vừa có những ngày thật sự sống! Ai cũng biết mình cần phải buông điện thoại xuống, không chỉ cho con mà còn cho bản thân mình. Nhưng, mấy ai làm được?

Sóng điện thoại không tốt cho trí não của con, cha mẹ chăm chú vào điện thoại mà giảm trò chuyện với con sẽ dễ khiến con bị trầm cảm… tất cả những điều ấy tôi đều biết, đều đọc và nghe mỗi ngày trên báo đài. Tôi tin rằng không chỉ tôi mà nhiều bà mẹ khác cũng biết, nhưng hình ảnh ông bố, bà mẹ cầm điện thoại trên tay mãi vẫn còn đó là có lý do của nó.

Buong dien thoai de danh thoi gian cho con: noi thi de
Nhiều người bị lệ thuộc vào điện thoại

Thời 4.0, cái điện thoại không còn chỉ là phục vụ cho việc nhắn tin, gọi điện nữa. Cả thế giới bây giờ gói gọn trong cái smartphone ấy. Tìm hiểu về đối tác ư, điều đầu tiên nên làm là vào trang xã hội của người đó. Bữa sáng ư, vào các ứng dụng gọi thức ăn đặt hàng. Nồi cá kho bị cháy ư, vào YouTube tra cứu cách xử lý. Sữa của con hết ư, các cửa hàng trực tuyến giao hàng mọi lúc mọi nơi, chỉ cầm cầm điện thoại lên đặt hàng. Con bỗng dưng có biểu hiện lạ thường về sức khoẻ ư, bác sĩ trực tuyến ở kia. Muốn xem con ở nhà trẻ ăn, ngủ thế nào, chỉ cần cầm điện thoại lên, hình ảnh của con được truyền qua camera hiện lên trước mặt… Rồi hàng nghìn mối quan hệ xã hội, tất cả đều gói trong cái điện thoại ấy.

Buong dien thoai de danh thoi gian cho con: noi thi de
(Ảnh minh hoạ)

Người ta có biết mình bị lệ thuộc smartphone không? Biết chứ. Nhưng chẳng phải xã hội càng hiện đại, thế giới càng được gói vào trong chiếc smartphone hay sao?

Vậy nên, câu hỏi rằng “buông điện thoại 1 giờ/ngày, được không?”, tưởng dễ mà không dễ. Dẫu vậy, điều ấy chỉ là khó chứ không phải bất khả. Cũng như cách yêu thương bản thân và yêu thương người khác, có lẽ mỗi người chúng ta cần phải học, phải tập, mỗi ngày. 

Minh Nhiên (Gò Vấp, TP.HCM)

Báo Phụ nữ TP.HCM rất mong nhận được tâm tình, kinh nghiệm “Buông điện thoại 1 giờ/ngày” của bạn. Bài viết xin gửi về hộp thư: honnhangiadinh@baophunu.org.vn. 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI