Buồn như chuyện nhà tôi thoát nghèo

26/09/2019 - 17:00

PNO - Tuổi thơ tôi loanh quanh những câu chuyện về con ma vú dài ngồi trên ngọn cây, hay chuyện con ma bán muối chèo xuồng mà cha hay kể đi kể lại.

Lần nào tôi cũng giả vờ sợ hãi như mới nghe lần đầu, cha càng khoái chí, và mỗi lần kể thì câu chuyện sẽ được thêm thắt những chi tiết mới sinh động hơn. Cha tôi đáng yêu như vậy đó.

Nhà ông nội tôi rất nghèo mà có đến mười hai đứa con, nên để tiếp tục việc học, cha phải nỗ lực rất nhiều. Có những năm, cha ở tạm nhà người quen để tiện đến trường. Ở đó, cha phải chịu đựng bao nhiêu chì chiết từ gia chủ. Cũng phải góp gạo để được ở nhờ, vậy mà nhiều hôm cha về tới nhà thì trong nồi chỉ còn tí cơm cháy, cha đành ôm bụng đói ngủ tới sáng. 

Ra trường, cha xin học việc tại một phòng tài nguyên ở huyện. Thuở đó rất ít người có điều kiện đi học, nên những người có văn bằng đều tìm được việc làm. Tuy nhiên, để thăng tiến, người ta lại cần rất nhiều "luật bất thành văn". 

Buon nhu chuyen nha toi thoat ngheo
Ảnh minh họa

Sau hai năm làm không lương với công việc chủ yếu là chạy đây đó đo đất và những công việc không tên, cha quyết định nghỉ việc, tập tành trồng giá mong có đồng ra đồng vào. Nhưng do không có kinh nghiệm, giá thu hoạch được đều bị úng và thối rữa. Cha mẹ cầm cố mấy công đất mua được vài ba con heo mong kiếm chút tiền lời. Còn nhớ lần đầu heo nái chuyển dạ, cả nhà tôi chong đèn thức cả đêm. Vậy mà heo mẹ chỉ sinh ra đàn heo con chết lưu, rồi sau đó cũng kiệt sức ốm đau mà chết. Điều này không chỉ làm cha mẹ rất hụt hẫng, mà còn bị bào mòn tinh thần.

Cha chuyển sang chạy xe ôm kiếm tiền. Từ sáng sớm cha đã cưỡi chiếc “xê đê” (Honda CD) cũ kỹ ra chân cầu kiếm khách. Đôi khi bắt gặp người quen, trong số họ, có những người bạn cùng cha một thời cắp sách, giờ đã thành đạt và có địa vị, cha ngượng ngùng quay đi. Cha càng lúc càng lặng lẽ. Trong nhà bắt đầu vắng hẳn tiếng nói cười, chỉ còn lại những cãi vã, mệt mỏi. Thậm chí, có lúc cha mẹ đã định đưa nhau ra tòa chỉ vì những lời thách thức. 

Mẹ tôi tất bật buôn bán từ sáng tới chiều, cha thì rong ruổi khắp nơi đong đếm từng cuốc xe, chị em tôi phải tự chăm sóc nhau. Buổi trưa đi học về, bụng đói meo, hai đứa mót từng đồng bạc lẻ để mua một gói mì. 

Hôm nào hết tiền, chị em tôi trộn một nắm cơm với tí đường cũng xong bữa ăn. Có khi chạy qua nhà hàng xóm, ngó vào mâm cơm nào canh, nào cá, chị em tôi chỉ biết nhìn thao láo mong được họ mời ăn. Khi quá nghèo, cuộc sống sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, người ta dễ dàng trách móc, hờn giận nhau. Người quen của cha mẹ gặp lại ai nấy đều ngỡ ngàng. Mẹ tôi, người con gái yêu kiều ngày nào giờ gầy trơ xương, hai gò má hốc hác sạm đen, khuôn mặt cha thì u tối, phờ phạc. Cuộc sống đã lấy đi của họ những mơ mộng và hoài bão của tuổi trẻ. 

Trong vòng luẩn quẩn và bế tắc, cha quyết đứng dậy, theo dượng ra biển trên chiếc tàu đánh cá lớn. Thời gian đầu cha gần như chẳng thể làm gì vì bị say sóng nặng. Mỗi chuyến tàu ra khơi vài tháng mới trở lại đất liền, mọi người bàn nhau khi tàu cập bến sẽ để cha ở lại, không cho theo tàu nữa. Nhưng cha biết mình vẫn chưa đến lúc phải trở về. Cha cố gắng cùng mọi người ra kéo lưới, lùa cá vào hầm đông lạnh. Được vài hôm, chủ tàu biết cha là người có ăn học, nên giao cho việc tính toán sổ sách. Công việc này chẳng tốn mấy thời gian, nên cha nhận thêm việc làm anh nuôi cho tàu. 

Hơn ba năm lênh đênh trên sóng nước, tích góp được đồng vốn làm ăn, cũng là lúc cha biết đã đến lúc mình phải trở về. Cha dùng tiền tích cóp được để chuộc lại đất đai đã cầm cố, còn mua thêm vài công đất để trồng lúa. Số tiền còn lại, cha sửa sang căn nhà lụp xụp. Lúc này công việc buôn bán của mẹ đã có đồng ra đồng vào. Cha phụ mẹ việc ghi chép sổ sách mỗi tối. Vì đã từng làm anh nuôi trên tàu nên cha cũng giành luôn phần việc nấu nướng. 

Tuy không thể nói một bước thoát nghèo, nhưng không khí gia đình tôi đã đầm ấm hơn rất nhiều. Mỗi người san sẻ trách nhiệm với nhau nên trong nhà không lúc nào ngớt tiếng nói cười. Là người nông dân trồng lúa với đôi bàn tay nứt nẻ khô cằn, nhưng khuôn mặt ông không còn u tối, phờ phạc, trách móc cuộc đời bất công nữa. Cha trở lại là cha của chúng tôi, hài hước và nhiệt tình như những ngày đầu mới quen mẹ, với bờ vai đủ lớn để chở che cho mái ấm bé nhỏ của mình. 

Cao Hồng Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI