Bên kia thế giới là bao xa?

03/08/2018 - 11:00

PNO - Chị ngồi ăn bữa cơm của người dì hàng xóm nấu mang sang mà chảy nước mắt. Đâu phải chị không có gia đình, nhưng con cháu đã ngoảnh mặt quay lưng khi chị viết xong di chúc...

Câu nói "ở hiền gặp lành" có lẽ không đúng với cuộc đời chị. Nhiều lúc chị cũng tự hỏi mình đã làm gì sai, có ăn ở thất đức thế nào mà bị "trời phạt" như vậy. Nhưng không có câu trả lời. Mọi lý giải để đỡ buồn tủi hơn chỉ có thể là một chữ "nghiệp".

Ben kia the gioi la bao xa?
Chỉ vì muốn giữ hình ảnh của một cô giáo mà chị đã phải chịu đựng người chồng vũ phu cờ bạc suốt bao năm...

Chị là cô giáo, không giàu có nhưng cuộc sống cũng đủ ăn đủ mặc, còn có thể phụ giúp gia đình, lo cho các em ăn học nên người. Nhưng đến khi lấy chồng, cuộc sống chị không còn bình yên nữa.

Gặp phải người mê cờ bạc, tiền chị kiếm ra bao nhiêu cũng sớm tan theo mây khói. Mãi đến sau này, chị mới kể cho người thân quen biết bi kịch mà chị đã chịu đựng suốt bao nhiêu năm.

Chị bảo thân là cô giáo, ít nhiều cũng phải giữ chút hình ảnh cho mình. Lẽ nào mỗi ngày đến lớp giảng dạy học trò, được các trò yêu kính mà về nhà lại là một người vợ bị bạo hành.

Lẽ nào một cô giáo nền nã dịu dàng - hình ảnh đẹp trong mắt bao người sự thật là một người vợ lúc nào cũng có thể hứng những trận đòn của người chồng vũ phu, bạc nhược. 

Những cái "lẽ nào" đã trói buộc chị trong vòng kim cô chịu đựng, hết năm này qua năm khác. Những vết bầm trên cánh tay, sau bả vai, trên mặt luôn được chị giải thích là do té xe, bất cẩn đụng cửa rào, bị côn trùng cắn...

Nhưng sự thật cuối cùng không thể che giấu được khi nhà hết tiền, chồng chị vẫn đòi vợ đưa. Không có thì mắng chửi, đánh đập. Thương tích nặng đến mức chị phải nhờ người đưa đi bệnh viện...

Mọi việc vỡ lỡ, ai cũng khuyên con nên ly dị để giải thoát cho bản thân. Hai người chưa kịp có đứa con nào. Mọi người còn cho đó là may. Chị lần lữa cũng vì không muốn mang tiếng - cho đến khi phát hiện anh bồ bịch bên ngoài, về nhà vòi tiền không có lại đánh chị dã man hơn...

Nước mắt tưởng chừng đã cạn kể từ ngày chị ra tòa và người chồng mê trò đỏ đen kia đòi chia tài sản đến từng cái xe máy, cái tủ lạnh, bàn ghế ly tách. Chị lấy chồng xe hoa đưa đón, ngày ra đi chỉ có tấm thân.

Xem như là nghiệp đã trả xong, chị dần lấy lại năng lượng, vẫn tiếp tục đi dạy, tự mình vượt qua nỗi đau và nguyện ở vậy cho đến hết cuộc đời. Cha mẹ cũng không còn trong cuộc đời để chị làm điểm tựa. Chỉ có công việc, đồng nghiệp và những học trò nhỏ. 

Vậy rồi duyên may thế nào lại gặp một người khác. Anh là Việt kiều về nước, quen biết chị thông qua bạn bè chung của hai người. Anh là duyên hay là nghiệp tiếp theo - đến giờ chị cũng không còn đi tìm câu trả lời nữa. Mọi thứ với chị bây giờ đều trống rỗng - như ngôi nhà không còn hơi ấm của người chồng thứ hai, chỉ có sự lạnh lùng của những đứa em, cháu...

Ben kia the gioi la bao xa?
Nước mắt chị tưởng chừng đã cạn...

Hạnh phúc - nếu có trong cuộc đời chị có lẽ là khoảng thời gian chưa đầy ba năm ngắn ngủi cùng với người chồng thứ hai. Anh lo lắng chu toàn cho cuộc sống của chị. Nhưng rồi anh lại bỏ chị mà đi sau cơn đột quỵ. Không lâu sau đó chị lại phát hiện mình cũng mắc bệnh hiểm nghèo.

Gia đình chị mỗi người một cảnh, nhưng ai cũng ở mức kiếm ăn ngày ba bữa, đủ ăn đủ mặc là mừng. Từ ngày chị lấy chồng Việt kiều, cả nhà cũng được hưởng vinh. Ai có chuyện gì cũng gọi nhờ chị, xin tiền, xin hỗ trợ, các cháu đến trọ nhà chị để tiện đường đến trường. Vậy mà, khi chị lâm trọng bệnh, lại không còn một ai bên cạnh. 

Ngày nghe bác sĩ nói rằng căn bệnh của chị, có thể bị tai biến bất cứ lúc nào. Chị đã viết di chúc nhường nhà cửa, tài sản cho các cháu. Những đứa trẻ đã quen nương nhờ dì, lại vô tâm cho đó là... điều đáng mong chờ. Không còn dì, chúng sẽ được thừa hưởng mọi thứ tiện ích, tài sản mà dì có. Chị buồn nhưng không trách, bảo chúng chỉ là những đứa trẻ. Nhưng kể cả người thân, từ ngày chị bệnh nằm một chỗ cũng rất ít lần đến thăm...

Người vẫn hay đến mang cơm, cháo, trái cây cho chị là một người dì hàng xóm đã ngoài tuổi 70, cũng đã già yếu. Nhiều hôm nhìn dì lụi cụi soạn cơm cho chị ăn mà chị muốn khóc. Nếu còn mẹ, có lẽ mẹ chị cũng như hình dáng ấy...Bác sĩ dặn chị tránh làm việc nặng, không được xúc động mạnh. Yêu cầu thứ nhất chị làm được, còn lời dặn thứ hai với chị thật khó khăn - khi từng đêm chị bảo phải cố gắng không nghĩ về tình cảnh hiện tại của mình, không nghĩ về những đối xử cạn tàu ráo máng của những người thân thiết.

Ben kia the gioi la bao xa?
Khi chị lâm trọng bệnh, không còn người thân bên cạnh...

Di chúc chị đã viết, vẫn không hối tiếc điều gì cả. "Cuộc đời cho gì nhận nấy, chấp nhận hết. Không chấp nhận thì còn biết phải làm gì được đây?" - chị nói vậy. 

Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào trong "cuộc đời là bể khổ" này. Nhưng nghe chuyện của chị sao cứ thấy nghẹn. Con người ta trong phút yếu lòng nhất, khi ốm đau hoạn nạn cần nhất là sự quan tâm của những người thân yêu. Để còn chút an ủi mà thanh thản đôi chút. Huống gì là chị - đang ở rất gần ranh giới của bên kia cuộc đời. Mà bây giờ vẫn phải nằm một chỗ - chịu đựng nỗi đơn độc từng ngày trong nước mắt bơ vơ...

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI