18 tháng tù treo cho tội dâm ô với trẻ em: Cần bao nhiêu nạn nhân nữa?

14/05/2018 - 14:00

PNO - Sự phẫn nộ của dư luận không nằm ở mức án ba năm hay 18 tháng tù mà nằm ở các tình tiết ông Thủy được giảm án như người già phạm tội, nhân thân đảng viên và “có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng”...

Hàng loạt vụ xâm hại trẻ em ở nước ta cực kỳ khó xử lý bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: quan niệm chung của cộng đồng, thiếu nhân chứng, chứng cứ, khả năng nhận thức hành vi, pháp luật của trẻ em lẫn người lớn… Kết quả là biết bao số phận tan nát, bao nhiêu gia đình rơi vào bi kịch và thậm chí nhiều đứa trẻ đã chọn cái chết như một sự giải thoát.

Nhiều vụ xâm hại bị chìm xuồng trước sự phẫn nộ và hoang mang của dư luận khi nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó nạn nhân rất có thể là con em mình. Có thể lắm chứ, khi ngay trước mắt ta là một phiên tòa xử tội dâm ô với trẻ em và bản án được đưa ra là 18 tháng tù treo - một hình thức miễn chấp hành hình phạt.

18 thang tu treo cho toi dam o voi tre em: Can bao nhieu nan nhan nua?
Để đòi công lý cho con gái, chị Hữu Thị Lợi đã phải đi một hành trình rất dài

Để đến được với phiên tòa sơ thẩm vào tháng 11/2017 xử Nguyễn Khắc Thủy là một hành trình rất dài từ năm 2016, khi chị Nguyễn Thị Thu Thủy tố cáo Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với con gái chị - cháu T.N.T. Điều kỳ lạ là dù sự việc xảy ra nhiều lần, với nhiều cháu bé khác nhau, nhưng sự việc lại có khả năng chìm xuồng đến mức chị Thủy phải kêu cứu trên mạng xã hội, nhiều người mạnh mẽ lên tiếng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải yêu cầu làm rõ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo khởi tố vụ án.

Phiên xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.Vũng Tàu tuyên Nguyễn Khắc Thủy ba năm tù giam, chưa khiến dư luận hài lòng, dẫu về pháp luật đã xem là một thắng lợi, bởi các chứng cứ đều thiếu và yếu. Phải chăng vì cái thiếu và yếu ấy của chứng cứ mà Nguyễn Khắc Thủy có thể giãy lên đòi đốt thẻ đảng viên, đòi tự thiêu và thẳng thừng cho rằng mình bị oan; để rồi hôm nay, phiên xử phúc thẩm phải hạ mức án xuống còn 18 tháng tù treo? Lịch sử tố tụng nhiều lần ghi nhận những nỗi “oan pháp lý” - khi cả cơ quan điều tra lẫn tòa án biết rõ bị can có tội, nhưng vì không đủ bằng chứng để kết tội nên buộc phải trả tự do cho bị can. Nhưng lịch sử pháp lý cũng ghi nhận việc điều tra viên, kiểm sát viên, tòa án đã vận dụng mọi biện pháp nghiệp vụ lẫn lương tâm chức nghiệp để đưa tội phạm ra trước ánh sáng. Trong vụ án của ông Hồng Quang Minh (diễn viên Minh Béo), cảnh sát Mỹ đã phải giả trang để đưa được tội phạm ra tòa.

Hơn ai hết, các điều tra viên trong vụ án dâm ô với trẻ em của Nguyễn Khắc Thủy biết rõ sự thật, bởi số nạn nhân tố cáo và điều tra không phải chỉ có cháu T.H.A., hay cháu N.N.A.D. mà còn có N.A.T., Đ.T.N., N.K.N.N… Nếu chúng ta - những người lớn - đứng từ góc độ của trẻ em, ta sẽ biết mình cần phải làm gì để bảo vệ các cháu và ngăn chặn cái ác tiếp tục xảy ra.

Sự phẫn nộ của dư luận không nằm ở mức án ba năm hay 18 tháng tù mà nằm ở việc hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã căn cứ trên các tình tiết người già phạm tội, nhân thân đảng viên và “có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng” để giảm án. Cũng nhờ yếu tố người già ấy mà ông Thủy chưa từng bị bắt giam, vẫn được tại ngoại và nay có thể rời phiên tòa.

Hành trình đòi công lý vẫn thường rất gian nan. Để đến khi công lý lên tiếng thì cháu H.M.K. (13 tuổi, học sinh lớp Năm, ở tỉnh Cà Mau) đã thành người thiên cổ và nước mắt của người mẹ Hữu Thị Lợi gần như khô kiệt. Để đến được với công lý, chị Lợi đã cùng phóng viên Báo Phụ Nữ đi một hành trình rất dài, gõ cửa từng cơ quan chức năng.

Chúng ta cần bao nhiêu nạn nhân nữa hay bao nhiêu cái chết nữa mới thực sự quan tâm đến những đứa trẻ yếu ớt, không đủ khả năng tự vệ trước những gã yêu râu xanh khỏe mạnh hơn, trưởng thành hơn, giàu có hoặc uy quyền hơn? 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI