Với dân, đừng nệ công

18/08/2016 - 09:36

PNO - Nhắc đến dì Mai, nhiều người nhớ lại những trận đánh lẫy lừng của biệt động Sài Gòn: đánh Đề phô (deport) xe lửa, đài vô tuyến truyền hình, lực lượng tuần tiễu Nghĩa trang Bến Tre, khu vực Nhà thờ Đức Bà... trong năm 1967...

Đây không phải lần đầu tôi gặp dì Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng phụ nữ (PN) tổ 48, KP.5, P.11, Q.Tân Bình. Trước đó, tôi từng gặp dì trong các cuộc giao lưu nữ cựu biệt động Sài Gòn, giao lưu nữ cựu tù chính trị, giao lưu gương điển hình thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi...

Nhắc đến dì Mai, nhiều người nhớ lại những trận đánh lẫy lừng của biệt động Sài Gòn: đánh Đề phô (deport) xe lửa, đài vô tuyến truyền hình, lực lượng tuần tiễu Nghĩa trang Bến Tre, khu vực Nhà thờ Đức Bà... trong năm 1967; đánh vào khám Chí Hòa, đài ra-đa Phú Lâm, tiểu đoàn 3 lính dù ở khu Bảy Hiền... trong ba đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sự gan lì, mưu trí của người nữ biệt động nhỏ nhắn, hiền lành đã làm kẻ địch nhiều phen khiếp vía. Trong số đó, riêng trận đánh vào ga xe lửa, lực lượng biệt động đã dùng đến 200 kg thuốc nổ, chia thành 20 khối thuốc, đặt kíp nổ hẹn giờ, gây cơn chấn động ngay trong nội đô Sài Gòn. Năm 1968, dì được vinh dự ra Bắc dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, được gặp bà Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) và được bà tặng khẩu súng K54.

Ba lần bị địch bắt, bị tra tấn bằng những thủ đoạn tàn độc, dì mất sức lao động đến 75%, được xác định là thương binh 2/4. Dì nói: “Thời chiến tranh, để xây dựng được một lực lượng bí mật ngay trong lòng địch, đào hầm bí mật ngay trong nội thành, đâu phải dễ. Nhưng dì và những người Cộng sản thế hệ dì đã làm được, nhờ xây dựng được lòng tin trong nhân dân. Bởi vậy, cái gì hợp lòng dân, làm cho dân tin, dân sẽ chung sức. Có dân là thành công”.

Voi dan, dung ne cong
Dì Nguyễn Thị Mai với những chiếc bánh rò do mình làm ra

Kinh nghiệm thời tham gia kháng chiến, làm biệt động thành khiến dì rất thuận lợi khi tham gia hoạt động Hội sau này. Dì nhớ lại, thời dì còn hoạt động bí mật, dì ghi khắc lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội: “Tuyệt đối không đụng đến cây kim sợi chỉ của dân”. Cho nên, dù sau mỗi trận đánh, người ta bỏ của chạy lấy người, nhưng dì không tơ hào gì cả, chỉ nghĩ đến công cuộc giải phóng. Những năm đầu 1980, chồng dì đi Campuchia về, Quân khu 7 hai lần ra quyết định cấp đất, ông đều từ chối. Thế nên, bà con lối xóm ở địa phương rất quý “chất Cộng sản” của gia đình dì.

Sau giải phóng, với kinh nghiệm đánh trận, dì Mai được giao công tác huấn luyện dân quân ở các xí nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Năm 1979, dì về hưu, bắt đầu công tác Hội PN và cựu chiến binh, truyền thống kháng chiến tại địa phương. Với dì, công tác vận động dân rất thuận lợi, bởi dì luôn đi đầu trong mọi việc khó. Dì tâm niệm, khi tiếp dân, mình phải hạ mình xuống, đặt quyền lợi của dân lên trên mình. Với dân, mình đừng nệ công. Khi đêm hôm, dân cần giải quyết chuyện gì, dì đều đứng ra lo cho dân. Vì vậy, dân rất tin tưởng. “Khi dân tin yêu, việc khó mấy cũng làm được”, dì đúc kết.

Bên cạnh công tác Hội, dì còn đi tiên phong làm kinh tế, mở xưởng may áo gió xuất khẩu, tạo việc làm cho con em địa phương. Công việc đang thuận lợi thì bạn hàng ở Liên Xô phá sản, trung gian thu mua hàng bỏ trốn, dì ôm nợ bạc tỷ. Nhờ dân thương, đứng ra vay vốn dùm, dì đã chuyển hướng qua làm bánh rò (loại bánh truyền thống của người Quảng Nam, như kiểu bánh chưng chay), dì đã trả được nợ nần, có được thu nhập mỗi ngày mấy trăm ngàn đồng. “Khi xưởng may phá sản, tui mấy lần treo bảng bán nhà nhưng bà con tháo bảng, không cho, nói “bà không đi đâu hết, cứ ở đây, có bà con lo”. Bà con còn đi xin khuôn, cho nồi để tui nấu bánh rò, rồi còn liên hệ chùa chiền đến mua bánh, nên có ngày tui bán được tới 2.000 cái bánh. Ân tình của bà con lớn lắm”.

Chia tay nhau, dì gói cho tôi mấy cặp bánh rò, một hộp bánh đường. Vẻ hiền hòa, chân tình của dì phảng phất nét thân thương của một người mẹ quê.

Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1943)

- Chi hội Phó PN KP.4, P.22; Tổ trưởng PN Tổ 48 KP.5, P.11.

- Thời gian công tác Hội: 36 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của PN Việt Nam” năm 2010.

- Bằng khen “Gia đình Chính sách tiêu biểu vượt khó xâ dựng gia

đình hạnh phúc” của Trung ương Hội năm 2007.

- Bằng khen “Xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006 - 2009” của Hội LHPN Thành phố năm 2010.

- Giấy khen tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện tốt CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009 của Quận Hội.

- Giấy khen “Tích cực tham gia thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 của Quận Hội.

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI