Túi giấy “dì khương”

06/06/2019 - 06:30

PNO - Từ đầu năm 2019 đến nay, thay vì dùng túi ni-lông, dì Nguyễn Thị Khương, chủ tiệm tạp hóa ở khu phố 9, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM đã tận dụng giấy báo và giấy tập học sinh cũ xếp thành những chiếc túi đựng đồ.

Ban đầu, khách hàng ngạc nhiên, nói dì “sao tiết kiệm quá”. Những người khác thì ngại túi không chắc, sợ rách, đổ hết đường, đậu. Dì Khương ân cần giải thích, túi ni-lông là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nên hạn chế sử dụng.

Túi giấy của dì dán bằng hồ, giấy dày thì một lớp, giấy báo thì dán hai lớp, đảm bảo chắc chắn. Riết thành quen, giờ đây khách hàng của dì đều chủ động đề nghị dì dùng túi giấy.  

Khách hàng của dì Khương đa phần là công nhân, sinh viên, người lao động thuê trọ xung quanh. Hàng hóa họ mua thường là mắm, muối, dầu ăn, đường, đậu, trứng, tỏi, hành... nên mỗi ngày dì Khương dùng trên dưới 100 túi giấy. 

Tui giay “di khuong”

Dì Khương và những chiếc túi giấy

Tranh thủ những lúc không có khách, trưa hoặc tối dì lại cặm cụi cắt, dán túi. Thấy dì làm việc có ích, các bác hưu trí đã ôm báo cũ qua cho. Các cô, các chị thu gom ve chai cũng ủng hộ bằng cách để riêng giấy báo sạch tặng dì. 

Chị Thạch Thị Thêm, người dân khu phố 9 cười: “Lúc đầu tới mua đồ, con gái tui không dám cầm túi giấy, sợ đổ bể giữa đường. Nhưng tui thấy túi bả làm cũng chắc nên ở nhà có báo cũ, tập cũ, là tui mang cho bả”. 

Dì Khương cho biết, đang nghiên cứu làm thêm nhiều mẫu túi có quai xách và sẽ nhờ Hội Phụ nữ địa phương tặng lại các tiệm tạp hóa lân cận. Theo dì, thay đổi thói quen phải bắt đầu bằng những việc nhỏ. Việc hạn chế sử dụng túi ni-lông phải bắt đầu từ người bán hàng. 

Phong trào chống rác thải nhựa đang được Hội Phụ nữ phát động rộng khắp nên việc làm của dì Khương rất thiết thực và đáng được hoan nghênh. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI