Tiểu thương chợ truyền thống bàn cách... cứu mình

05/03/2019 - 07:30

PNO - Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… các tiểu thương, thương nhân tại các chợ truyền thống đã và đang bỏ sạp, bỏ chợ ngày càng nhiều.

Có cách nào để chặn đứng tình hình này?  

Phải tự cứu mình 

Nhằm nắm bắt tâm tư của giới tiểu thương đang buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, chiều 1/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã phối hợp với Hội LHPN TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban với hơn 100 tiểu thương, thương nhân và đại diện ban quản lý (BQL) của 54 chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Hàng loạt vấn đề thời sự liên quan đến chợ như an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cung cách phục vụ, bảo vệ môi trường, xây dựng chợ văn minh… đã được đề cập. Nhưng nóng nhất vẫn là vấn đề làm sao để chợ truyền thống tồn tại và phát triển trước mãi lực ngày càng giảm, tiểu thương bỏ sạp, bỏ chợ ngày càng nhiều.

Bà Lý Thị Bé - người có hơn 30 năm kinh doanh bánh tằm bì ở chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) - lạc quan về sự tồn tại của chợ khi cho rằng: dù số sạp không còn nhiều như trước, nhưng tiểu thương nào bám trụ được chứng tỏ họ có lượng khách trung thành đặt niềm tin vào chất lượng hàng hóa do mình cung cấp. Riêng bà, suốt 30 năm kinh doanh, luôn có lượng khách hàng ổn định.

Bà chia sẻ: “Hiện những khách hàng lớn tuổi vẫn có thói quen đi chợ mua bằng mắt, bắt bằng tay những sản phẩm họ ưa thích. Do vậy, mỗi tiểu thương cần tạo uy tín cho mình. Mình phải là "kiểm sát viên" giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào, chế biến đảm bảo vệ sinh, niêm yết giá rõ ràng...".

Câu chuyện mà BQL một chợ tại Q.5 đang đau đầu là việc có tới 200 (trong số hơn 600 sạp) tại chợ đang đóng cửa, bỏ không, đông nhất là các sạp bán cá. Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều ngôi chợ tại TP.HCM. Thế nhưng, làm thế nào để tự cứu mình và những nỗ lực để cứu chợ của BQL các chợ mới thực sự là điều được những người trong cuộc quan tâm.

Chị Phạm Thị Thủy Tiên - cán bộ phụ nữ chợ Phú Lộc (Q.Phú Nhuận) - chia sẻ: để duy trì mãi lực, thời gian gần đây, chợ đã xây dựng hình ảnh chợ văn minh thương nghiệp bằng cách giám sát chất lượng ATVSTP ở đầu vào, chú trọng giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau củ nhập về phải có biên lai để đối chiếu. Mặt hàng bánh kẹo phải có bao bì nhãn mác, có giấy kiểm định chất lượng, giấy chứng nhận ATVSTP... Mỗi sạp đều có thùng rác, tiểu thương tự phân rác vô cơ, hữu cơ, cuối ngày phải đưa rác đến điểm tập kết. “Dịp tết vừa qua chợ có mãi lực tốt, doanh thu khá" - chị Thủy Tiên phấn khởi. 

Tieu thuong cho truyen thong ban cach... cuu minh

Quầy kinh doanh rau an toàn tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM).

 

Bà Hoàng Thị Xuân - thương nhân tại thương xá Đồng Khánh (Q.5) - cho rằng, khách hàng đi chợ ngại nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vì thế, "các chợ nên chăng thành lập các hợp tác xã theo ngành hàng. Ví dụ ngành rau-củ-quả nên đến tận vườn nhà nông để khảo sát các điều kiện về ATVSTP. Thấy đảm bảo thì mời họ vào hợp tác xã để cung cấp hàng khép kín từ nông trại đến chợ. Ngành thịt cá tươi sống cũng vậy... Được vậy, bà con ra chợ sẽ an tâm mua, không sợ phân, thuốc, chất cấm độc hại nữa" - bà Xuân đề xuất.

Mong được gỡ thuế và dễ dàng vay vốn

Chính sách thuế áp dụng trong năm 2019 đối với tiểu thương có khoản thu “mới” là tiền sử dụng đất đối với diện tích sạp. Đây là vấn đề được tiểu thương quan tâm nhất trong câu chuyện về thuế, phí. Theo bà Nguyễn Thị Gòn, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương, cuối năm 2018, hơn 550 tiểu thương kinh doanh ở chợ nhận được thông báo: từ năm 2019, ngoài khoản thuế khoán, phí dịch vụ... tiểu thương còn đóng thêm tiền sử dụng đất cho diện tích sạp đang kinh doanh.

Bà Gòn nhẩm tính, mỗi mét vuông dự kiến thu 70.000 - 72.000 đồng, số tiền đóng thêm của mỗi sạp (hơn 2m2) là không nhỏ. "Hiện các tiểu thương đã gửi kiến nghị xin không phải đóng khoản tiền này. Sức mua bán ở chợ ngày càng giảm, tiểu thương đã đóng các khoản thuế khoán doanh thu, phí thuê sạp, phí dịch vụ… Chúng tôi không còn sức nữa" - bà Gòn kêu. 

Tieu thuong cho truyen thong ban cach... cuu minh

Tiểu thương cho ý kiến tại buổi giao ban

 

Một vấn đề tồn tại quá lâu nhưng chưa được ngành chức năng giải quyết rốt ráo là việc buôn bán lấn chiếm lòng đường, kinh doanh vây quanh khu vực chợ với hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATVSTP, không chịu thuế - phí, làm ảnh hưởng tới việc mua bán của những tiểu thương trong chợ. Bà Lê Hồng Đào - Phó giám đốc Công ty TNHH chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - phản ánh, xung quanh khu vực chợ do bà quản lý đang tồn tại rất nhiều điểm kinh doanh trái phép, hàng hóa không rõ nguồn gốc, riêng thịt heo phải có đến 10 điểm. Các điểm kinh doanh trái phép này đang cạnh tranh, vây ép một cách không công bằng với các sạp trong chợ. Sự việc kéo dài 15 năm nay. 

Một số tiểu thương còn phản ánh: do kinh doanh khó khăn, vốn liếng ngày càng cạn, để có vốn duy trì tiểu thương buộc phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Tiểu thương kiến nghị Nhà nước đơn giản hóa thủ tục vay vốn để họ được tiếp cận với vốn vay nhanh chóng. "Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn và nên có cách tính thuế ổn định, ít nhất trong ba năm để tiểu thương yên tâm kinh doanh lâu dài" - một tiểu thương kiến nghị thêm. 

Ông Tô Đại Phong - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, người chủ trì hội nghị - đã ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của tiểu thương, thương nhân. Ông hứa, những ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc sẽ được tổng hợp để gửi cơ quan có thẩm quyền. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI